Tiếng Anh đang được thiên vị?

GD&TĐ - Ngày nay, sức mạnh của tiếng Anh (hoặc các phiên bản tiếng Anh được nói ở nhiều quốc gia khác nhau) đã được công nhận. Nó được sử dụng để biện minh cho việc toàn cầu hóa GD và các nước không nói tiếng Anh dường như chịu thiệt thòi.

Dạy tiếng Anh ở Nhật Bản.
Dạy tiếng Anh ở Nhật Bản.

Hội đồng Anh là một minh chứng cho điều này, với sự hiện diện khắp toàn cầu. Điều đó phần nào cho thấy việc sở hữu tiếng Anh hiệu quả là một tiêu chuẩn tham chiếu trong GD và việc làm.

Tấm hộ chiếu để thành công

Tại các nước không nói tiếng Anh, việc dạy tiếng Anh và lời hứa về thành công có nhiều dạng. Thay vì được tích hợp vào chương trình giảng dạy quốc gia, các cơ sở dạy tiếng Anh, các khóa học ngôn ngữ và tiêu chuẩn GD quốc tế có thể áp đảo cả hệ thống GD. Một trong những ví dụ dễ thấy nhất về nơi đưa ra các tiêu chuẩn đó là Cơ quan đánh giá GD quốc tế Cambridge (Cambridge Assessment International Education) và Tổ chức Tú tài quốc tế (International Baccalaureate).

Trong bối cảnh này, trường học ở các nước không nói tiếng Anh thu hút các bậc phụ huynh tham vọng và con em họ bằng chương trình học song ngữ quốc tế.

Tiếng Anh  và sự phân chia giai cấp

Niềm yêu thích mọi thứ liên quan tới tiếng Anh bắt đầu từ trẻ nhỏ ở các nước không nói tiếng Anh qua văn hóa đại chúng, các bộ phim Hollywood, thương hiệu đồ ăn nhanh, sự kiện thể thao và chương trình truyền hình. Sau này, với kỹ năng tiếng Anh và trình độ học vấn quốc tế từ bậc phổ thông, con đường đến với các ĐH quốc tế danh tiếng ở các nước nói tiếng Anh của các em được trải ra cùng với cơ hội việc làm tốt đẹp ở trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, những cơ hội này không được phân phối đều trong các tầng lớp xã hội. GD toàn cầu bằng tiếng Anh chủ yếu chỉ dành cho HS tầng lớp trung lưu. Việc này tạo ra sự phân chia giữa những người thành thạo tiếng Anh và những người yếu thế hơn trong hệ thống GD không có những cơ hội như trên. Đối với những người yếu thế, lựa chọn duy nhất của họ là chương trình GD quốc gia.

Kinh nghiệm của Indonesia

Trường quốc tế không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công.
Trường quốc tế không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công.

Với dân số 268 triệu người, việc tiếp cận với các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh của trẻ em Indonesia gần như bị giới hạn ở vùng thành thị và các bậc phụ huynh thuộc tầng lớp trung lưu mới có đủ tiền cho con học trường tư.

Vào đầu thế kỷ này, tất cả các quận huyện ở Indonesia đều được yêu cầu có ít nhất một trường công cung cấp chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh được công nhận toàn cầu. Thế nhưng, năm 2013, điều này bị coi là vi hiến vì cơ hội GD bình đẳng phải được tồn tại ở tất cả các trường công lập.

Tuy nhiên, ngày nay Indonesia có 219 trường tư, cung cấp ít nhất một số phần của chương trình giảng dạy thông qua Cambridge International và 38 cơ sở giáo dục là trường tư theo đạo Hồi. Các chương trình giảng dạy quốc tế của phương Tây vẫn có ảnh hưởng trong việc thiết lập tiêu chuẩn cho những gì cấu thành chất lượng GD.
Các trường Hồi giáo áp dụng chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh được công nhận toàn cầu có xu hướng quá tập trung vào thành tích học tập.

Hậu quả là giá trị Hồi giáo quan trọng có tên “Tarbiya” bị xem nhẹ. “Tarbiya” là trụ cột trung tâm trong GD Hồi giáo, trong đó bao gồm sự phát triển toàn diện vượt bậc của trẻ và nhận ra tiềm năng của chúng. Khi coi trọng thành tích, việc học tập chỉ tập trung vào kết quả sẽ gây thất bại về văn hóa và đức tin.

Học tập vượt ra ngoài thành tích

Tất nhiên, kết quả học tập đo lường kiến thức và kỹ năng vẫn rất quan trọng và giúp hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, nếu không có sự cân bằng và sự nuôi dưỡng những tính cách tích cực, nó sẽ thiếu ý nghĩa sâu sắc hơn.

Một quy định do Bộ trưởng Bộ GD Indonesia đưa ra năm 2018 đã nhấn mạnh điều này. Quy định đó đưa ra một loạt giá trị và đức tính mà GD trong nhà trường cần nuôi dưỡng cho HS như: Đức tin, trung thực, khoan dung, kỷ luật, chăm chỉ, sáng tạo, độc lập, dân chủ, ham hiểu biết, chủ nghĩa dân tộc, lòng yêu nước, biết trân trọng, giao tiếp, hòa bình, thích đọc sách, có ý thức về môi trường, ý thức và trách nhiệm xã hội.

Tất cả đã được đơn giản hóa thành 5 yếu tố cơ bản của GD nhân cách: Tôn giáo, chủ nghĩa dân tộc, tự nguyện làm công việc tập thể, độc lập và chính trực.

Những điều trên không nhất thiết được đo lường bằng các phương tiện thông thường của phương Tây và liên quan đến tiếng Anh. Do vậy cần xem lại việc quốc tế hóa GD có đi quá xa không, ít nhất là trong lĩnh vực tiếng Anh. Đến lúc phải xem xét kỹ các hình thức GD khác trong xã hội nơi tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ. Những hệ thống GD ở đây cơ bản dựa trên các giá trị khác nhau và hiểu thành công theo các cách khác nhau.

Thật không may khi nhiều trường coi mô hình nói tiếng Anh là tiêu chuẩn vàng và coi nhẹ trí tuệ của địa phương hoặc khu vực. Và việc khuyến khích người trẻ tuổi tham gia vào các trường ĐH nước ngoài danh tiếng nói tiếng Anh chỉ là một con đường trong nhiều lựa chọn GD khác nhau.

 Tiếng Anh trong GD ngày nay đã có tính phổ biến rộng rãi và người ta dường như đã quen với câu nói: “Nghe nhiều tiếng Anh hơn, nói nhiều tiếng Anh hơn và trở nên thành công hơn”. Nó dường như đã trở thành lời tiên tri khá ứng nghiệm. Tuy nhiên, để thành công, giới trẻ còn cần nhiều đức tính và kiến thức khác nữa.
Theo Study International

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.