GIÁO DỤC HÀN QUỐC: Cải cách để đi lên

GD&TĐ - Một cơ chế mới có nhiệm vụ định hướng giáo dục dài hạn sẽ được thành lập vào tháng 8-2017. Đó là Hội đồng đề ra các chiến lược và mục tiêu giáo dục của tương lai. Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc (HQ) Kim Sang-kon đã cho biết như thế.

Thầy trò Trường Trung học Quốc tế Dwight School Seoul
Thầy trò Trường Trung học Quốc tế Dwight School Seoul
GIÁO DỤC HÀN QUỐC: Cải cách để đi lên ảnh 1 Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Kim Sang-kon

Nghiên cứu và định hướng chiến lược giáo dục dài hạn

“Những chi tiết về hội đồng chưa thể tiết lộ ngay, nhưng hội đồng sẽ có khoảng 25 thành viên” – ông Kim tiết lộ tại một cuộc họp báo. Hội đồng là hiện thực hoá lời hứa của tân Tổng thống Moon Jae-in trong cuộc vận động tranh cử về việc thành lập một uỷ ban mới để đề ra những định hướng quan trọng cho chính sách giáo dục của quốc gia trong tương lai. Là một chính trị gia theo đường lối tự do, ông Moon cam kết “sẽ tạo cơ hội học tập công bằng cho tất cả sinh viên học sinh” như một giải pháp làm giảm phân hoá xã hội. Trước những chỉ trích là các chính sách về giáo dục thường bị chết yểu khi chính phủ khác lên thay, những người tâm huyết với giáo dục muốn có một hội đồng độc lập để nghiên cứu và đề xuất những mục tiêu và chính sách giáo dục lâu dài, không bị tác động bởi chính trị. Hội đồng này sẽ tồn tại dưới bất kỳ chính phủ nào. Từ lúc mới nhậm chức, Tổng thống Moon đã chọn ông Kim, 68 tuổi, một cựu thanh tra giáo dục tỉnh Gyeonggi và là tiếng nói có uy tín trong cuộc vận động cải cách giáo dục cho cương vị bộ trưởng. Lúc tuyên thệ nhậm chức, ông Kim cam kết sẽ giữ vai trò “kiến trúc sư cho những lời hứa của tổng thống trong giáo dục”, trong đó có việc xem xét lại qui chế các trường tư đặc biệt và giảm tải gánh nặng thi cử cho sinh viên học sinh. Trong cuộc họp báo, ông Kim nhấn mạnh đến việc “cần cải tổ ngay bên trong bộ giáo dục” để có thể đối phó tốt hơn môi trường giáo dục thay đổi nhanh trên thế giới. “Trong cách tiếp cận mới của chính phủ đối với các bất cập của hệ thống giáo dục hiện nay có cả việc xem xét lại cấu trúc của bộ máy chóp bu” – Bộ trưởng Kim nhấn mạnh. Ông cũng hứa tăng chất lượng giáo dục, xem xét lại hệ thống thi tuyển nặng nề và chấm dứt sự ưu tiên cho các thành phần giàu có để tạo bình đẳng trong học tập. “Hệ thống giáo dục của chúng ta cần được đại tu từ nền tảng, và trong quá trình tìm kiếm những mục tiêu và lộ trình thực hiện chúng, bộ sẽ tham khảo ý kiến công chúng. Như chúng ta đã biết, giáo dục đòi hỏi một chiến lược lâu dài nên công việc cải cách không thể hoàn thành trong một sớm một chiều mà cần có thời gian” – ông Kim bộc bạch trong buổi chất vấn trước khi Quốc hội trong cuộc điều trần đề cử ông vào chức Bộ trưởng. Trước các tranh cãi về qui chế tự trị của một số trường tư, ông Kim tái khẳng định sẽ chống lại những phân biệt trong hệ thống trường tư. Từng bị nghi ngờ “đạo văn” trong luận án tốt nghiệp, ông Kim đã lấy lương tâm của một nhà khoa bảng để bác bỏ mối nghi ngờ không có cơ sở này. “Tôi sẵn sàng từ chức nếu cuộc điều tra cho thấy tôi đã làm như thế” - ông nói. Ông Kim còn bị chỉ trích vì năm 2005 lúc còn giảng dạy tại Đại học Hanshin University ông từng đòi lực lượng Mỹ rút khỏi HQ và bãi bỏ liên minh Hàn-Mỹ.

Tổng thống Moon thuộc số người chỉ trích sự phân biệt trong giáo dục dựa vào khả năng tài chính của gia đình học sinh. Sau khi ông nhậm chức, đã có nhiều ý kiến yêu cầu rút lại qui chế đặc biệt dành cho một số trường tư chất lượng cao để học sinh giàu hay nghèo cũng có thể vào học. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nếu làm như thế, chất lượng giáo dục sẽ đi xuống.

Một phiên họp của hội đồng giáo dục đại học HQ

Một phiên họp của hội đồng giáo dục đại học HQ

Các vấn đề của đại học và trung học tư thục

“Khi nhiều đại học đang rơi vào khó khăn tài chính do có ít sinh viên hơn thì số học sinh tốt nghiệp trung học giảm, có nghĩa là số sinh viên vào đại học cũng giảm và áp lực sẽ còn nặng hơn nữa. Hiện mọi nỗ lực tự thân để các đại học tư hoạt động bình thường đã vượt quá sức nên chúng tôi muốn có sự hỗ trợ của chính phủ. Nếu không, các đại học tư sẽ khó lòng sống sót – ông Chang Ho-sung, chủ tịch KCUE kiêm hiệu trường trường đại học Dankook University nêu rõ – Mỗi năm tình hình tài chính, điều kiện nghiên cứu và môi trường học tập đều suy giảm bất chấp mọi biện pháp của từng trường. Tình hình đã đến mức nguy ngập đòi hỏi sự can thiệp của chính phủ. Không có sự trợ giúp của chính phủ, các đại học sẽ khó lòng đào tạo được lực lượng lao động trình độ cao cho đất nước trong mọi lĩnh vực. Thị trường lao động sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và hệ quả cuối cũng là sự suy giảm phát triển”. Ông Kim Sung-ik, hiệu trưởng Sahmyook University cũng kêu gọi chính phủ hãy soạn thảo một đạo luật về giáo dục nâng cao để góp phần giải quyết bế tắc này. “Chính sách cắt giảm học phí đại học không phản ảnh mức lạm phát và đẩy các đại học tư vào thế phải tìm các nguồn tài chính khác để tồn tại. Đây là giải pháp không khả thi trong tình hình hiện nay” – ông Kim nói thêm. Hiện chính phủ HQ chỉ tài trợ cho giáo dục nâng cao 29,3% trong tổng chi tiêu, thấp hơn các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đến 40%. OECD tài trợ bình quân 69,7%. Ở cấp trung học, Trường trung học quốc tế Dwight School Seoul (DSS) đang tập trung vào việc tăng hàm lượng công nghệ trong hoạt động giảng dạy và xem đây là một trong những ưu tiên hàng đầu. “Sống trong thế giới của truyền thông số và công nghệ, DSS đã xác định sẽ đi tiền phong bằng cách giúp các học sinh năng khiếu có đủ phương tiện để phát triển mối đam mê công nghệ của mình và sẽ tăng cường hàm lượng công nghệ cho tất cả các học sinh để chúng có thể hội nhập dễ dàng hơn vào thị trường nghề nghiệp đang thay đổi nhanh” – hiệu trưởng Kevin Skeoch nói. Thuộc nhóm trường đi theo hướng xem trọng công nghệ, DSS đã bắt đầu cho học sinh tiếp cận với các tiến bộ công nghệ, kể cả công cụ cắt laser và máy in 3-D dùng thiết kế và làm đồ án cá nhân. “Để có thể cung cấp cho xã hội những “công dân kỹ thuật số” chúng tôi phải chuẩn bị trước cho học sinh cách thao tác trên những phương tiện hiện đại để kích thích tinh thần khám phá và sáng tạo của các em. Chúng tôi rất vinh dự khi được thừa nhận là một trong những trường có ý thức về công nghệ và kỹ thuật số – ông Skeoch nói – Bằng cách cho học sinh làm quen một cách an toàn và có trách nhiệm với các phương tiện hiện đại, chúng tôi đã cung cấp cho các em cơ hội phát triển năng khiếu và tối đa hoá hiệu quả học tập của các em”. Các học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 đều được học các khoá truyền thông số để tăng cường nhận thức của các em về những nguy hiểm của giao tiếp trên mạng xã hội đồng thời nâng cao trách nhiệm của các bậc phụ huynh trong môi trường số, khi mạng xã hội ngày càng phổ biến. “Chúng tôi muốn học sinh nghĩ về sự hiện diện của họ trên mạng xã hội không phải là ‘dấu vân tay số’ mà cần phải thận trọng hơn, nếu không sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các quyết định sai trên không gian ảo. Những gì để lại trên mạng sẽ rất khó tẩy xoá, chúng luôn để lại nhiều vết tích không lường hết được nguy cơ” – phụ trách công nghệ thông tin và mạng xã hội Frank Vink nói. Các học sinh của DSS đến từ nhiều cộng đồng văn hoá khác nhau gồm trên 38 quốc tịch và những em tốt nghiệp năm 2017 đã được nhận vào học tại 85 đại học uy tín trên thế giới, kể cả 4 trường thuộc “top danh giá Ivy League” ở Mỹ: Columbia University, Brown University, Cornell University và University of Pennsylvania. Trong một sự kiện khác cũng liên quan đến trường tư, chính quyền thành phố Seoul vừa quyết định giữ nguyên qui chế tự trị của 5 trường thuộc top đầu của thành phố. Sở Giáo dục Seoul đã công bố văn bản gia hạn quyền tự trị của 5 trường này thêm 5 năm nữa, bất chấp có những đề nghị nên rút lại. “Sau khi xem xét lại thực trạng tại 5 trường, chúng tôi thấy học sinh tại đây vẫn có điểm cao hơn mức tối thiểu cần có để được hưởng qui chế tự trị” – ông Cho Hee-yeon, thanh tra giáo dục Seoul giải trình trong một cuộc họp báo. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh thêm: “Quyết định giữ nguyên trạng không có nghĩa là sẽ có thay đổi về cách nhìn nhận đối với các trường này, vốn được xem như cánh cổng học sinh nên bước vào nếu muốn tiếp tục lọt vào những đại học xuất sắc nhất cả ở trong nước lẫn nước ngoài”. Ông cũng kêu gọi chính phủ bên sửa đổi luật giáo dục để tăng chất lượng đào tạo lên cao hơn. Seoul chiếm 40% trong 77 trường tư thuộc top đầu trên cả nước, tất cả đều là trường chuyên hoặc tự trị. Số là, sau khi thanh tra thấy kết quả học tập không mấy khả quan của 5 trường trong năm 2015, có nhiều ý kiến đòi bãi bỏ qui chế tự trị của chúng, nhưng kết quả năm 2016 đã khả quan hơn nên Sở Giáo dục Seoul đồng ý giữ nguyên trạng. Các tỉnh khác xem quyết định của Seoul như “hình mẫu” để đánh giá lại các trường chuyên của tỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...