Công nghệ giáo dục: Chìa khóa làm chủ thế giới

GD&TĐ - Giáo dục gắn liền với công nghệ (hay EdTech) là khái niệm không còn mới nhưng chỉ thực sự được chú trọng trong một năm qua, khi đại dịch Covid-19 bùng nổ khiến các trường phải đóng cửa.

Công nghệ giáo dục mở ra cơ hội học tập cho mọi trẻ em trên thế giới.
Công nghệ giáo dục mở ra cơ hội học tập cho mọi trẻ em trên thế giới.

Chuyển động cùng thời đại

Trước khi Covid-19 xuất hiện, hầu hết các trường phổ thông, cao đẳng và đại học không có điều kiện triển khai hoạt động học từ xa. Giáo viên, giảng viên không được đào tạo, nhà trường thiếu thiết bị giảng dạy và chương trình học không phù hợp với hình thức online. Các trường không sẵn sàng để thay đổi.

Đại dịch khiến trường học đóng cửa nhưng giáo dục thanh, thiếu niên là không thể bỏ ngỏ. Để có thể tiếp tục duy trì chương trình học cho trẻ em, hầu hết cơ sở giáo dục phải áp dụng công nghệ vào giảng dạy. Trong một số trường hợp, đây là bước tiến khó khăn do nhà trường hoặc học sinh không đủ điều kiện đáp ứng hình thức học online.

Nhưng trong quá trình chuyển đổi suốt một năm qua, các chuyên gia chứng kiến nhận thức, tư duy của phụ huynh, học sinh trên toàn thế giới đã thay đổi rõ rệt. Nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao hệ thống giáo dục vẫn duy trì phương pháp giảng dạy truyền thống sau khi dần quen với học online.

Thực tế không thể tránh khỏi là các thế hệ tương lai sẽ gắn liền với công nghệ. Khi thành phố thông minh, Internet Vạn vật (IoT) ngày càng phát triển, giáo dục cần bắt kịp, thậm chí là gắn liền với công nghệ. Nếu không, trẻ em thiếu nền tảng về công nghệ sẽ bị tụt lại phía sau.

Ông Roger James Hamilton, CEO của Tổ chức giáo dục toàn cầu Genius Group đánh giá hệ thống giáo dục của các nước trên thế giới cần phải tiến bộ và chuyển động cùng thời đại. Trẻ em đã bỏ lỡ nhiều điều vì đại dịch như việc học trực tiếp, tương tác với bạn bè, thói quen đến trường.

Nhưng các em cũng đạt được một số kỹ năng tưởng như không thể làm được như kỹ năng tiếp thu kiến thức, thông tin mới; kỹ năng sử dụng máy tính; kỹ năng quản lý công nghệ. Đây là những “bí kíp” giúp các em làm chủ thế giới trong tương lai.

Việc phát triển những kỹ năng này đồng thời củng cố chúng giúp mở ra nhiều cánh cửa học tập. Trẻ em bị bệnh, phải nằm viện; trẻ em không có tiền đến trường; trẻ em phải đi làm cùng bố mẹ đều có thể học qua màn hình máy tính. Như vậy, việc học là rất rộng mở và không bị cản trở bởi bất kỳ hoàn cảnh nào.

Trẻ em được trau dồi kỹ năng công nghệ từ học trực tuyến.
Trẻ em được trau dồi kỹ năng công nghệ từ học trực tuyến.

Học tập suốt đời

Từ sự phát triển chóng mặt của trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ tự động hóa, các lĩnh vực truyền thống, thủ công hay dịch vụ khách hàng đang cắt giảm số lượng lớn người lao động, thay thế bằng máy móc.

Vì vậy, nhiều phụ huynh đề xuất trường học phải trang bị cho học sinh, sinh viên những kỹ năng làm việc trong thế giới tự động hóa. Một trong những kỹ năng các em cần có là học tập suốt đời, sẵn sàng trau dồi những kỹ năng mới để vượt qua mọi thử thách.

Khái niệm học tập suốt đời đang thay đổi hệ thống giáo dục. Giáo dục không chỉ gói gọn trong phạm vi nhà trường, trong độ tuổi nhất định. Giờ đây giáo dục gắn liền với các danh từ như từ xa, online, linh hoạt, bất tận.

Phụ huynh, học sinh đang dần nắm bắt khái niệm này. Sự thay đổi nhận thức của học có thể chứng kiến trên toàn cầu. Tỷ lệ nhập học mẫu giáo, tiểu học và trung học giảm.

Tại Vương quốc Anh, niềm tin vào hệ thống giáo dục truyền thống đã bị lung lay từ thất bại của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Học sinh phổ thông không phải tham gia thi lấy chứng chỉ GCSE, A-Level mà điểm số được quyết định bởi giáo viên, nhà trường. Nhưng hầu hết học sinh đều không hài lòng với điểm số được cho và chính phủ đã phải tìm cách xoa dịu dư luận.

Kết quả, nhiều tổ chức giáo dục tư nhân mọc ra, cung cấp nền giáo dục cá nhân hóa, hiệu quả hơn với chi phí thấp. Tự đổi mới chính mình, các tổ chức này cũng đang tạo ra cuộc cách mạng giáo dục mới.

Các trường đại học cũng nhanh chóng bắt kịp xu thế này. Trường Đại học Harvard, Đại học Cambridge hay Đại học Stanford đã tổ chức các khóa học trực tuyến với chi phí thấp, phạm vi toàn cầu và thu hút số lượng lớn sinh viên đăng ký.

Thế hệ tương lai đang phải đối mặt với đầy rẫy khó khăn như suy thoái tài chính, suy thoái kinh tế hay thiếu việc làm, từ đó, nâng cao nhu cầu cách mạng giáo dục.

Phụ huynh, học sinh khắp thế giới đang đòi hỏi sự thay đổi trong phương pháp giảng dạy, hướng tới giáo dục ảo. Những đứa trẻ được trang bị tốt về mặt công nghệ sẽ làm chủ tương lai.

Covid-19 đã tồn tại hơn một năm nhưng gần đây, các chuyên gia mới bắt đầu đánh giá những chuyển biến giáo dục được tạo nên từ đại dịch. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính 1,7 tỷ sinh viên rời khỏi trường đại học trong năm 2020, chiếm 90% số lượng sinh viên trên toàn cầu. Trong đó, 600 triệu em không có ý định học lại. Số liệu của WB cũng cho thấy khoảng 10 triệu sinh viên không thể đi học do cha mẹ mất việc hoặc tài chính gia đình bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo EdTechnology

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ