Áp lực của học sinh Trung Quốc đến từ đâu?

GD&TĐ - Tỷ lệ cạnh tranh vào các trường phổ thông chất lượng khiến học sinh Trung Quốc phải đối mặt với áp lực học tập từ rất sớm. Các phụ huynh cũng tranh đua tăng cơ hội trúng tuyển cho con cái.

Áp lực học tập của học sinh Trung Quốc là rất lớn.
Áp lực học tập của học sinh Trung Quốc là rất lớn.

Guo Qing, sống tại Bắc Kinh cho biết, con trai học lớp 2 thường xuyên thức đến 11 giờ đêm để làm bài tập về nhà (BTVN) môn Toán. Để con trai không bị tụt lại so với bạn bè, ông bố đăng ký cho con học thêm sau giờ học. Guo cho biết hầu như phụ huynh ông quen biết đều làm vậy.

Kết quả cuộc khảo sát gần đây của tờ báo China Education Paper với 4.000 phụ huynh cho thấy 92% cho con học thêm sau giờ học. 1/2 các gia đình chi hơn 10.000 nhân dân tệ (khoảng 35 triệu đồng) mỗi năm cho các lớp dạy thêm.

Những áp lực học tập đè nặng lên học sinh Trung Quốc đã thúc đẩy hình thành thuật ngữ “neijuan”, nghĩa là “sự xâm nhập”. Nó ám chỉ việc học sinh đua nhau học thêm, cạnh tranh thành tích gay gắt nhưng không mang lại hiệu quả hay sự sáng tạo.

Tình trạng dạy thêm diễn ra phổ biến tại Bắc Kinh và Thượng Hải, nơi tập trung nhiều nguồn lực giáo dục và tỷ lệ cạnh tranh vào các trường phổ thông cao. Chính quyền Bắc Kinh hiện đã yêu cầu các lớp dạy thêm đóng cửa để tiến hành kiểm tra và chấn chỉnh hoạt động.

Kể từ năm 2010, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã yêu cầu giảm tải BTVN cho học sinh, nhưng vô tình thúc đẩy ngành công nghiệp dạy thêm. Động thái gần đây của Bắc Kinh có thể thu hẹp mức độ tăng trưởng của ngành này.

Tuy nhiên, Yuan Ying, Giám đốc Điều hành Trung tâm dạy thêm tại tỉnh Hắc Long Giang nhận xét nhu cầu học thêm tại Trung Quốc đã tồn tại trước khi ngành công nghiệp này xuất hiện. Nếu cung và cầu của thị trường không thay đổi, vấn nạn này sẽ không thể giải quyết triệt để. Khi các trung tâm dạy thêm bị cấm, phụ huynh sẽ tìm cách khác cho con cái.

Ngoài ra, nhu cầu dạy thêm cũng đến từ việc thiếu và mất cân đối giữa các trường học. Các thành phố luôn có sự chênh lệch giữa trường phổ thông chất lượng cao và trường phổ thông thường. Ngoài ra, chỉ tiêu công lập luôn thấp hơn số học sinh đăng ký. Vì vậy, nếu muốn vào trường công lập hàng đầu, học sinh không còn cách nào khác ngoài học tập cật lực.

Chính quyền Bắc Kinh dự kiến yêu cầu các trường THPT chất lượng cao phân bổ một số chỉ tiêu tuyển sinh cho học sinh tại các trường THCS xếp hạng thấp để “giảm nhiệt” cuộc đua. Một giải pháp khác là khuyến khích các trường hàng đầu mở thêm chi nhánh.

Tuy nhiên, cả hai đều không nhận được sự ủng hộ từ phía phụ huynh, học sinh bởi họ nghi ngại về chất lượng đào tạo sau những quy định mới. Giáo sư Cheng Fangping, làm việc tại Trường Giáo dục thuộc Đại học Renmin, đánh giá nếu địa phương không đầu tư nâng cao chất lượng các trường yếu kém, vấn đề mất cân bằng sẽ khó loại bỏ.

Không chỉ học sinh, phụ huynh cũng gặp áp lực rất lớn khi phải làm việc chăm chỉ giúp con bắt kịp cuộc đua giáo dục. Chính quyền Thượng Hải mới đây đã yêu cầu các trường phổ thông chất lượng dành 1/2 chỉ tiêu cho học sinh có hộ khẩu ở khu vực khác trong thành phố.

Vì tại Trung Quốc, trẻ phải nhập học các trường trên địa bàn sinh sống theo hộ khẩu. Điều này đẩy giá nhà đất xung quanh các trường phổ thông chất lượng tăng chóng mặt. Như vậy, khi trẻ ôm mối lo học tập, phụ huynh phải cật lực làm việc để giành “tấm vé” vào trường tốp đầu.

Theo Nikkei Asian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi giới trẻ tìm về phim lịch sử

GD&TĐ - Tiếp làn sóng ủng hộ phim 'Đào, phở và piano'(Đạo diễn Phi Tiến Sơn), một bộ phận khán giả trẻ quay trở lại tìm kiếm những bộ phim lịch sử, cách mạng.