Giáo dục bắt nhịp với cuộc cách mạng 4.0

GD&TĐ - Thế giới thay đổi, nhận thức thay đổi, giáo dục cũng phải thay đổi theo. Trường học là nơi mang lại cho người ta tri thức. Nền kinh tế tri thức trước hết là cần những người có tri thức, bởi vậy trong bất cứ hoàn cảnh nào vai trò của giáo dục, đào tạo trong thời đại mới cũng hết sức quan trọng.

Cách mạng công nghiệp 4.0 góp phần thúc đẩy nền kinh tế tri thức phát triển. Ảnh minh họa/internet
Cách mạng công nghiệp 4.0 góp phần thúc đẩy nền kinh tế tri thức phát triển. Ảnh minh họa/internet

Kỹ Sư Ngô Thanh Hải - Trường đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) nhấn mạnh điều này trong bài tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế "Phát triển năng lực cán bộ quản lý giáo dục Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0".

Nền tảng cho của tri thức nhân loại

Muốn trở thành cán bộ quản lý giáo dục chất lượng cao phải có tính kiên nhẫn, sự khổ luyện, lòng can đảm, tự tin,... trong học tập thường xuyên và phấn đấu suốt đời cho sự nghiệp.
Kỹ Sư Ngô Thanh Hải

Theo Kỹ Sư Ngô Thanh Hải, cách mạng công nghiệp 4.0 góp phần thúc đẩy nền kinh tế tri thức phát triển. Đây là cuộc cách mạng trong lĩnh vực sản xuất; là sự thay đổi cơ bản các điều kiện kinh tế - xã hội, văn hoá và kỹ thuật.

Cách mạng công nghiệp khiến lực lượng sản xuất phát triển mạnh mẽ, tạo ra lượng của cải vật chất khổng lồ cho xã hôi. Năng suất lao động tăng nhanh, khoa học - công nghệ trở thành lực lượng lao động trực tiếp, tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế tri thức trong giai đoạn hiện nay.

Kỹ Sư Ngô Thanh Hải - phân tích, trong lĩnh vực giáo dục, nhờ có sự phát triển của nền kinh tế tri thức, giáo dục các nước nói chung và giáo dục Việt Nam đang có sự phát triển không ngừng, là nền tảng cho sự phát triển của tri thức nhân loại.

Với sự bùng nổ của tri thức, tri thức mới được tạo ra với cấp số nhân, được phổ biến nhanh và rộng đến mức không hình dung được lại có thể lưu giữ những khối lượng khổng lồ bằng những phương tiện vô cùng gọn nhẹ và việc tìm kiếm, sử dụng dễ dàng đến mức trẻ con cũng có thể làm được và thậm chí còn thao tác nhanh hơn người lớn,... Trong bối cảnh ấy, kiến thức chuyên môn cụ thể rất nhanh lạc hậu, cái mới luôn có cái mới hơn thay thế trong một thời gian ngắn.

"Thế giới thay đổi, nhận thức thay đổi, giáo dục cũng phải thay đổi theo. Trường học là nơi mang lại cho người ta tri thức. Nền kinh tế tri thức trước hết là cần những người có tri thức, bởi vậy trong bất cứ hoàn cảnh nào vai trò của giáo dục đào tạo trong thời đại mới cũng hết sức quan trọng" - Kỹ Sư Ngô Thanh Hải nhấn mạnh.

Người học phải chủ động, sáng tạo, chấp nhận sự thay đổi và có khả năng tự thay đổi. Ảnh minh họa/internet
Người học phải chủ động, sáng tạo, chấp nhận sự thay đổi và có khả năng tự thay đổi. Ảnh minh họa/internet

Người học phải là người có khả năng học tập suốt đời

Tuy nhiên, theo Kỹ Sư Ngô Thanh Hải, giáo dục trong xã hội tri thức vẫn có những tính chất khác. Nền kinh tế tri thức đòi hỏi không chỉ sự tăng trưởng của số lượng tri thức, số lượng người có học mà nó yêu cầu phải có sự thay đổi căn bản cách chiếm lĩnh và sử dụng tri thức của người đào tạo.

Người học phải là người có khả năng học tập suốt đời, không ngừng nâng cao trình độ của mình để cập nhật hoá, để theo kịp và thích nghi với những biến đổi đầy ngẫu hứng của nền kinh tế thị trường, để không bị lệ thuộc vào những giáo điều, những công thức cũ, mạnh dạn sáng tạo theo phương pháp "thử và sai", để đi đến một lời giải tối ưu nhưng đồng thời cũng không bao giờ cho rằng đó là duy nhất đúng, luôn luôn đúng. Nói tóm lại, đó là những người chủ động, sáng tạo, chấp nhận sự thay đổi và có khả năng tự thay đổi.

"Như vậy, trong thời đại bùng nổ thông tin, tri thức mới được hình thành hết sức nhanh chóng, nên cách học một lần để dùng cho suốt đời không còn phù họp nữa.

Điều đó đặt ra cho giáo dục nhiệm vụ chuyển phương thức từ giáo dục học đường sang giáo dục thường xuyên, suốt đời và kết hợp giữa chúng trong một xã hội học tập" - Kỹ Sư Ngô Thanh Hải trao đổi.

Cũng theo Kỹ Sư Ngô Thanh Hải, trước yêu cầu mới của xã hội học tập, người cán bộ quản lý giáo dục không chỉ hô hào mọi người học tập thường xuyên mà phải là tấm gương cho đội ngũ về học tập thường xuyên, suốt đời.

"Cán bộ quản lý giáo dục cần có kế hoạch chiến lược về nghiên cứu khoa học, tự học, tự bồi dưỡng về các kiến thức chính trị - xã hội, chuyên môn - nghiệp vụ quản lý, đo lường và đánh giá trong giáo dục, công nghệ thông tin, ngoại ngữ,... để phát triển chính mình" - Kỹ Sư Ngô Thanh Hải.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ