Giáo dục ngay từ khi đón trẻ
Tùy theo khả năng, nhu cầu của trẻ, tùy theo chủ đề, tùy theo điều kiện của nhóm lớp mà giáo viên có thể lựa chọn nội dung giáo dục bảo vệ môi trường tích hợp vào quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ sao cho phù hợp và đạt hiệu quả cao.
Theo đó có thể xoay quanh 4 nội dung cơ bản sau: Con người và môi trường sống; con người với động vật, thực vật; con người với một số hiện tượng thiên nhiên; con người với tài nguyên môi trường.
Được biết, cô Trang là giáo viên dạy giỏi của nhà trường và là điển hình tham dự Liên hoan giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non Toàn quốc năm 2014.
Theo cô Trang, giáo viên có thể căn cứ vào điều kiện, nội dung của từng hoạt động cụ thể để lựa chọn nội dung giáo dục bảo vệ môi trường theo hướng tích hợp vào các hoạt động giáo dục được diễn ra trong một ngày tại trường và được bắt đầu từ khi đón trẻ.
"Khi tôi đón trẻ, tôi nhắc các bé cất đồ dùng cá nhân vào đúng nơi quy định một cách ngay ngắn, gọn gàng và bỏ rác vào thùng. Ngoài ra, tôi trò chuyện với trẻ về các nội dung liên quan đến giáo dục bảo vệ môi trường theo từng chủ đề.
Chẳng hạn như: Với chủ đề nghề nghiệp, tôi nói chuyện với bé về công việc của bác lao công, hay như với chủ đề thế giới thực vật, tôi nói chuyện với các bé về lợi ích của cây xanh và các bảo vệ cây xanh... " - Cô Trang trao đổi.
Cũng theo cô Trang, trong khi tổ chức các hoạt động giáo dục, giáo viên nên nhắc nhở để tạo cho trẻ thói quen bảo vệ môi trường. Ví dụ: Nhắc trẻ biết tiết kiệm trong sử dụng các nguyên vật liệu như: Sử dụng giấy cả hai mặt, sử dụng các sản phẩm hay nguyên liệu có thể tận dụng được. Nhắc trẻ tránh gây tiếng ồn và cất đồ dùng, việt liệu gọn gàng, đúng chỗ.
Tận dụng các tình huống có sẵn
Cũng theo cô Trang, giáo viên có thể tận dụng các tình huống có sẵn, lựa chọn các đối tượng hay các địa điểm có liên quan đến giáo dục bảo vệ môi trường phù hợp để tổ chức cho trẻ tham quan, quan sát, đàm thoại, khám phá và phát hiện về các vấn đề liên quan đến môi trường, từ đó hướng dẫn trẻ tìm ra cách giải quyết tích cực.
Cô Trang dẫn giải, chẳng hạn như giáo viên có thể cho trẻ quan sát và nhận xét xem sân trường hôm nay sạch hay bẩn? Vì sao? Và mỗi bạn cần làm gì để sân trường sạch, đẹp? Hoặc cô và các con cùng tham gia làm thí nghiệm rác thải gây ô nhiễm nước như thế nào?
Ngoài ra, giáo viên có thể cho trẻ quan sát, đàm thoại về chất thải của các phương tiện giao thông như: Xe máy chạy trên đường, điều gì gây ô nhiễm môi trường?
Trước khi trẻ rửa tay, giáo viên có thể hỏi trẻ cách làm thế nào để tiết kiệm nước, rồi hướng dẫn trẻ cách sử dụng nước vừa phải, rửa xong phải khóa vòi nước tránh lãng phí....
Khi trẻ tham gia chơi và hoạt động ở các góc, giáo viên nên nhắc nhở trẻ chơi và giao tiếp với nhau nhưng không gây ồn ào, không vứt, ném đồ chơi bừa bãi. "Khi cho trẻ chơi tại góc sách, tôi dạy trẻ cách cầm sách xem nhẹ nhàng sao cho không làm hỏng sách.
Tại góc thiên nhiên, tôi tổ chức cho trẻ được tham gia gieo hạt, trồng cây con, chăm sóc bảo vệ theo dõi sự lớn lên của cây. Qua đó giúp trẻ nhận ra ý nghĩa của cây xanh.
Còn khi trẻ chơi ở góc tạo hình, tôi gợi ý cho trẻ vẽ, xé dán các bức tranh về môi trường và các hoạt động bảo vệ môi trường, làm đồ chơi từ các nguyên vật liệu thải loại v.v..." - cô Trang cho biết.
Bên cạnh đó, theo cô Trang, một hoạt động không thể thiếu đó là cần phải nêu gương. Theo đó, giáo viên nên để trẻ phát hiện những hành vi tốt, có ý nghĩa bảo vệ môi trường như: tiết kiệm nước khi rửa tay, chân, tiết kiệm trong giờ ăn, nhóm trực nhật thu dọn đồ dùng gọn gàng.... để biểu dương trước tập thể lớp
Đồng thời phát hiện và nhắc nhở nhẹ nhàng những hành vi không có lợi cho môi trường như: Vứt rác không đúng nơi quy định, để đồ dùng, đồ chơi chưa gọn gàng, rửa tay còn vẩy nước ra ngoài bồn, la hét to... Qua đó nhằm giúp các em hình thành văn hóa bảo môi trường xung quanh.
Nguyên tắc cơ bản bản để tích hợp các nội dung giáo dục bảo vệ môi trường
Để thực hiện tốt việc tích hợp các nội dung giáo dục bảo vệ môi trường trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ, giáo viên cần đảm bảo các nguyên tắc cơ bản sau:
- Nội dung giáo dục bảo vệ môi trường được lựa chọn và thiết kế xuất phát từ nhu cầu, kinh nghiệm của trẻ, những gì trẻ đã biết, những gì trẻ muốn biết và những gì trẻ cần biết
- Tích hợp nội dung giáo dục bảo vệ môi trường phù hợp và tự nhiên trong từng chủ đề, từng hoạt động tránh gượng ép.
- Tận dụng các tình huống cụ thể hàng ngày để giáo dục trẻ bảo vệ môi trường.