Chất lượng giáo dục được giữ vững và nâng cao
Các sở GD&ĐT của vùng thi đua số 7 tiếp tục chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, dạy học theo chuẩn kiến thức Kỹ năng và hướng dẫn giảm tải các môn học ở tiểu học, đảm bảo dạy học bám sát đối tượng học sinh, vận dụng linh hoạt tài liệu hướng dẫn giảm tải và chuẩn kiến thức kỹ năng cho phù hợp với từng lớp, từng trường, từng đơn vị.
Theo ông Trần Trọng Khiếm – Giám đốc Sở GD&ĐT TP.Cần Thơ, Trưởng vùng thi đua số 7, năm học 2013-2014, cả 5 thành phố đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, sáng tạo với tinh thần trách nhiệm và có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đã được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, chất lượng giáo dục được giữ vững và nâng cao.
Quy mô của các cấp học, các loại hình học tập đều tăng. Mạng lưới trường lớp thuộc 5 thành phố được mở rộng, phủ khắp, đáp ứng được nhu cầu học tập của con em nhân dân các địa phương.
Đơn cử như giáo dục mầm non, mạng lưới trường lớp tại 5 thành phố tiếp tục được mở rộng, đa dạng về loại hình, đảm bảo đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân. Số trẻ mẫu giáo đến trường tăng so với năm trước, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đạt trên 98%.
Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục tiểu học của 5 thành phố tiếp tục ổn định ở mức cao. Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 ở các thành phố đạt gần 100%.
Việc triển khai thực hiện Đề án “Dạy và học Ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” được triển khai nghiêm túc.
Đối với giáo dục trung học nhìn chung tiếp tục được giữ vững và nâng cao, giáo dục mũi nhọn tiếp tục phát triển. Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, Hà Nội là đơn vị dẫn đầu với tổng số 137 giải; Hải Phòng là 83 giải (đứng thứ 3 toàn quốc); Đà Nẵng: 59 giải; TP Hồ Chí Minh: 63 giải và Cần Thơ: 17 giải.
Cùng địa phương tháo gỡ khó khăn
Các đại biểu dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội |
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng của Bộ GD&ĐT Công đoàn Ngành giáo dục Việt Nam đã ghi nhận và chia sẻ một số khó khăn vướng mắc mà các địa phương đang gặp phải.
Đơn cử như vấn đề vị trí việc làm và vị trí tuyển dụng ở các cơ sở giáo dục vẫn còn bất cập. Nhiều vị trí không có trong danh mục hưởng lương viên chức;
Hay như việc bồi dưỡng giáo viên Ngoại ngữ không tổ chức theo hình thức vừa học vừa làm. Đặc biệt, hiện nay ở một số địa phương đang có chủ trương giải thể Công đoàn Giáo dục cấp huyện hoặc điều chuyển cán bộ Công đoàn Giáo dục sang làm chuyên trách cho huyện v.v…
Ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Cơ sở Giáo dục - cho biết: Việc tuyển dụng và sử dụng quản lý viên chức được áp dụng theo nghị định 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012.
Mặt khác quan điểm của Bộ Nội vụ là: Dù các thay đổi của ngành Giáo dục như thế nào đi chăng nữa thì tổng biên chế cơ bản sẽ không thay đổi. Điều này đã gây khó khăn cho việc xây dựng vị trí việc làm cho các địa phương.
“Chúng tôi cũng đã kiến nghị đến Bộ Nội vụ để có phương án giải quyết những bất cập còn tồn tại như hiện nay” – Ông Minh cho biết thêm.
Liên quan đến việc bồi dưỡng giáo viên Ngoại ngữ theo “Đề án Ngoại ngữ 2020” dưới hình thức tập trung không tổ chức vừa học vừa làm; TS Vũ Tú Anh – Phó trưởng Ban thường trực Ban Quản lý Đề án - giải thích: Thực tế đã xảy ra hiện tượng lạm dụng việc bồi dưỡng vừa học, vừa làm. Việc giám sát cũng không được thực hiện chặt chẽ nên chất lượng kết quả bồi dưỡng không cao.
Vì vậy Bộ GD&ĐT đã yêu cầu việc bồi dưỡng sẽ thực hiện theo hướng tập trung. Đó là bồi dưỡng nâng cao năng lực Ngoại ngữ. Các đơn vị sẽ dành thời gian để giám sát và đánh giá lại kết quả bồi dưỡng. Ngoài ra, các địa phương hoàn toàn tự chủ các nguồn vốn hợp pháp và nguồn ngân sách địa phương để bồi dưỡng giáo viên.
Trước những băn khoăn, đề xuất của các Sở GD&ĐT về việc một số địa phương đang có chủ trương giải thể Công đoàn Giáo dục cấp huyện; ông Trần Công Phong – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam – cho hay: Về vấn đề này, chúng tôi đã có văn bản đề nghị với Tổng Liên đoàn không nên giải thể Công đoàn cấp huyện. Ngoài ra, trong gần 1 năm qua chúng tôi đã phát biểu tại nhiều diễn đàn chúng tôi về vấn đề này.
Tuy nhiên, tôi cũng đề nghị các đồng chí giám đốc Sở GD&ĐT có thể đề xuất lãnh đạo địa phương theo hướng sau: Đề nghị Công đoàn ngành Giáo dục được tổ chức theo ngành dọc - có nghĩa là Công đoàn các trường mầm non, tiểu học, THCS thuộc công đoàn giáo dục huyện.
Công đoàn Giáo dục huyện thuộc Công đoàn Giáo dục của tỉnh và Công đoàn Giáo dục tỉnh có thể thuộc Công đoàn Giáo dục Việt Nam hoặc Liên đoàn Lao động tỉnh.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT có thể phối hợp với các cấp điều chuyển cán bộ Công đoàn Giáo dục huyện sang làm nhiệm vụ ở Liên đoàn Lao động một thời gian sau đó có thể quay trở lại phục vụ cho Ngành.