Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bùi Văn Ga biểu dương ngành GD các tỉnh thành ĐBSCL trong tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua với tinh thần: Nghiêm túc, tỉ lệ thí sinh dự thi trên 99%.
Trong bối cảnh chính quyền địa phương đã hỗ trợ rất tốt cho ngành Giáo dục, hội nghị đi vào trọng tâm: Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, cụ thể là giải pháp nâng cao chất lượng GD.
Báo cáo tổng kết công tác thi đua nêu bật những thành tựu trong năm học vừa qua:
Về công tác quản lý giáo dục, các tỉnh tập trung thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu về giáo dục trong nhiệm kỳ Đảng bộ địa phương, trong đó nổi bật là chỉ tiêu phổ cập GDMN 5 tuổi, phát triển trường chuẩn quốc gia; phát triển đội ngũ giáo viên gắn với việc nâng cao chất lượng GD; tích cực triển khai mô hình GD tiên tiến như: Mô hình Trường học mới (VNEN), nâng cao chất lượng GD phổ thông…
Đại biểu La Công Tâm - Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang - cho biết: Thành tựu nổi bật nhất của ngành Giáo dục ĐBSCL, trong đó có An Giang chính là kéo giảm học sinh bỏ học.
Theo thống kê, năm học trước học sinh tiểu học bỏ học 3%, THCS 6 - 7%, THPT 8 - 9%, hiện tại, con số này tương ứng là: 0,84%; 3,92% và 4,02%.
Nổi bật nhất trong công tác này là các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp đã hạ tỉ lệ học sinh bỏ học bình quân chung cho 3 cấp học phổ thông dưới 1%.
Về chương trình phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi đã có nhiều tiến bộ như: Hậu Giang đã về đích, Kiên Giang, Cà Mau, Vĩnh Long phấn đấu sẽ đạt. Trong đó nổi bật lên công tác xã hội hóa: Đài Truyền hình Vĩnh Long tài trợ cho đề án PCGDNM tỉnh Vĩnh Long 200 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp đầu tư cho ngành GD Kiên Giang cũng hàng trăm tỉ đồng…
Tại hội nghị, nhiều đại biểu kiến nghị Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư thay thế Thông tư 35 về biên chế giáo viên tiểu học để có điều kiện thực hiện dạy Ngoại ngữ và dạy hai buổi ngày.
Đồng thời cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính hướng dẫn thu chi ở các lớp tiểu học học 2 buổi/ngày. Bộ GD&ĐT có hướng dẫn nhiệm vụ cho Chánh Thanh tra Sở trong việc làm nhiệm vụ làm trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành.
Cần phổ biến những mô hình giáo dục mới tạo hứng thú cho học sinh tiểu học sau khi bỏ chấm điểm ở cấp học này. Vào thời điểm hiện tại còn khá nhiều giáo viên MN ở các tỉnh vẫn thuộc diện hợp đồng, không có biên chế.
Điển hình như tại Tiền Giang từ 2009 đến nay có 1.523 giáo viên MN hợp đồng; Hậu Giang có 530 cô giáo MN hợp đồng… Cần sớm có quy định Trường CĐSP trực thuộc Sở GD&ĐT, chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm phải được các Sở đặt hàng chứ không đào tạo tràn lan như hiện nay…
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, Chính phủ, Bộ GD&ĐT luôn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho ngành GD các tỉnh ĐBSCL.
Hiện tại, tỉ lệ học sinh bỏ học, tỉ lệ sinh viên trên vạn dân, chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo ở ĐBSCL đã tiếp cận với bình quân chung cả nước là một tín hiệu đáng mừng.
Tín hiệu xã hội hóa GD như Đài THVL đầu tư cho GDVL 200 tỷ, như một ngân hàng ở Kiên Giang đầu tư trên 100 tỷ cho GD… chứng minh xã hội quan tâm hơn đến GD. Chính cách dạy, cách thi hiện nay đã làm cho các lò luyện thi không còn nóng, hiện tượng dạy thêm, học thêm được chấn chỉnh…