Khơi dậy đam mê nghiên cứu khoa học
Thế giới đang phát triển với tốc độ nhanh chóng nhờ vào sự phát triển của khoa học và công nghệ. Vì thế, nền giáo dục cần có bước tiến quan trọng để đáp ứng nhu cầu phát triển này.
Tuy nhiên, việc trang bị một nền tảng kiến thức vững chắc và các kĩ năng tốt cho thế hệ trẻ mà vẫn không mất sự kết nối với cộng đồng là một thử thách lớn đối với nền giáo dục.
Cuộc thi quốc tế SL/SL-STEM lần thứ I vừa được tổ chức mới đây, dành cho tất cả HSSV Việt Nam và Ireland, nhằm mục đích vượt qua bức tường thử thách này. Cuộc thi không chỉ thúc đẩy đam mê HSSV trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán mà còn trở thành cầu nối giữa khoa học, kỹ thuật tiên tiến và giáo dục cũng như giữa thế hệ trẻ và xã hội thông qua các môn học.
Đến với cuộc thi, đội thi của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong mang đến đề tài “Bioplastic based agricultural waste solution to the plastic problem” do các HS Đặng Tiến Thành - 12 Toán 2, Phạm Thị Phương Anh - 12 Sinh, Lê Thu Hương - 12 Anh 2 dưới sự hướng dẫn của cô Đào Thị Hồng Quyên.
Trong dự án này, vỏ tôm và các loại rác thải nông nghiệp được thu gom từ các chợ địa phương được tổng hợp thành nhựa sinh học có tính bền kéo cao, chống nước tốt và hoàn toàn phân hủy sinh học sau 10- 20 ngày.
HS thực hiện nghiên cứu tại phòng thí nghiệm |
Được hội đồng giám khảo đến từ Anh, Đức, Ireland nhận xét đội có poster ấn tượng, khả năng làm việc nhóm tốt, thuyết trình tự tin, sản phẩm độc đáo, nhóm dự thi SL - STEM của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã giành giải Nhất đầy thuyết phục.
Nhóm tác giả được đến đất nước Ireland trình bày dự án tại Đại học TP Dublin và tham quan mô hình học tập SL - STEM tại Dublin do Đại sứ quán Ireland, chương trình Hợp tác giáo dục song phương Việt Nam - Ailen (VIBE) tài trợ.
Giải thưởng bất ngờ cho những nỗ lực
Trao đổi với phóng viên, cô Đào Thị Hồng Quyên cho biết, trước vấn đề nhức nhối về ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa nhóm các em HS nhà trường đã có ý tưởng tạo ra một loại nhựa có khả năng phân hủy sinh học. Chúng tôi đã cố gắng thử rất nhiều loại nhựa sinh học theo cách Internet hướng dẫn, như nhựa sinh học tạo từ bột ngô, bột sắn, bột gạo...
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng ưu điểm của những loại nhựa trên còn hạn chế và nhược điểm thì lại rất nhiều. Đó là sản phẩm không có tính thực tiễn.
Poster của nhóm được đánh giá cao về tính sáng tạo và thân thiện với môi trường |
Chúng tôi lại bắt tay vào tìm kiếm một loại nguyên liệu khác thay thế. Nhờ tình cờ đọc được một bài báo về tính chất của vỏ tôm, một loại rác thải hiện chưa được xử lí một cách triệt để, rằng chúng có tính chất tạo màng. Với quyết tâm thực hiện dự án của cả 3 HS, sau 2 tháng hè với hơn 400 mẫu, chúng tôi đã chế tạo thành công một loại nhựa có khả năng phân hủy sinh học được làm từ vỏ tôm, với giá thành phải chăng và có nhiều dạng phù hợp với các mục đích sử dụng khác nhau.
Chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện dự án, cô Đào Thị Hồng Quyên cho biết, khó khăn ban đầu chính là vấn đề nhân sự. Do hè là khoảng thời gian HS dành để vui chơi giải trí bên gia đình nên rất khó cho chúng tôi để có thể chọn lựa được thành viên thứ tư. Hơn nữa, chúng tôi thực hiện dự án vào những ngày hè tháng 6, tháng 7 với các nóng nực, chói chang... Dưới cái nóng như đổ lửa, nhóm phải rửa sạch vỏ tôm và thực hiện nhiều công đoạn khác của dự án.
“Có lẽ đây không chỉ là kỉ niệm đáng nhớ nhất sau khi hoàn thành dự án mà còn là kỉ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời HS chúng em. Dưới cái nóng, nước cũng nóng theo, có thể lên tới 60 độ C, không chỉ khó khăn cho việc rửa vỏ tôm mà chúng còn làm vỏ tôm bốc mùi hôi thối. Nhưng cũng đã thật may cho chúng em khi được nhà trường ủng hộ, quan tâm động viên trong suốt quá trình thực hiện dự án. Chúng em được nghiên cứu tại phòng thực hành thí nghiệm của trường, được trang bị những dụng cụ, thiết bị mà ít ngôi trường có được”, Phạm Thị Phương Anh cho hay.
Thuyết trình tự tin trước ban giám khảo |
Phải mất tới gần 5 tháng sản phẩm nhựa sinh học mới được như mong đợi mặc dù vẫn chưa phải hoàn hảo lắm. Tuy nhiên, đó là nỗ lực công sức của cả 4 cô trò hi sinh cả mùa hè ở trên phòng Lab.
“Có những hôm trời nắng nóng 4 cô trò dọn rửa những cốc thí nghiệm để thực hành mà bỏng rát cả tay, hay có khi trời tối mịt mà vẫn phải ở lại để làm nốt thí nghiệm sau khi đã bị “fail” phần trước. Nhớ nhất vẫn là những hôm chạy deadline nộp proposal, poster và video dự thi, lần nào cả nhóm cũng ở lại tới tối để hoàn thành cho đến khi bác bảo vệ lên “mắng xối xả”... Đó là những kỉ niệm đáng nhớ trong quá trình làm dự án của em.
Thành công đến ngoài mong đợi và không phụ công sức của cả 4 cô trò. Nó đã mang đến những bài học đáng quý, kinh nghiệm đúc kết, cả những giọt nước mắt vui sướng khi chúng em cảm thấy quãng thời gian thực hiện dự án quả là đáng trân trọng”, Lê Thu Hương chia sẻ.
Chia sẻ kỷ niệm và cảm xúc về chuyến đi đến đất nước Ireland các em đều ấn tượng bởi sự thân thiện của người dân nơi đây, khiến mỗi người không có cảm giác bị xa cách khi đến một đất nước xa lạ. Cũng ở đất nước Ireland tươi đẹp, mỗi thành viên trong nhóm đều học hỏi được phương pháp làm việc khoa học và đầy nhiệt huyết.