“Khu vườn ăn được” - ý tưởng độc đáo
Nữ hiệu trưởng Trường Tiểu học Công giáo Holy Cross ở Birkenhead Clare Higgins đã vô cùng lo lắng khi một HS 10 tuổi nói với bà trong giờ nghỉ trưa rằng: “Có điều gì đó không ổn”.
Tuy nhiên, bà Higgins nhanh chóng thở phào nhẹ nhõm khi phát hiện, hoá ra thứ mà cậu bé đang nói tới là màu sắc của những củ cà rốt mà ngôi trường đang trồng. Vấn đề là, những củ cà rốt này bỗng nhiên chuyển thành màu tím.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên tại các trường học ở Anh, kể từ khi tổ chức từ thiện “Cây cho các thành phố” biến khu vực chưa được sử dụng của Trường Tiểu học Công giáo Holy Cross thành một khu vườn tuyệt đẹp - nơi nhân viên và HS trồng dâu tây, cây đại hoàng và bí ngô.
Những khu vực này, được gọi là “sân chơi ăn được”, cung cấp cho một số trẻ em thiếu thốn nhất đất nước cơ hội được tìm hiểu về nguồn gốc thực phẩm, đồng thời, giúp các em hình thành sợi dây gắn kết với thiên nhiên.
“Cây cho các thành phố” - tổ chức trồng được hơn 1 triệu cây xanh trên khắp Vương quốc Anh từ năm 1993 tới nay, tin rằng mối liên hệ này là chìa khóa để nuôi dạy những đứa trẻ lớn lên sẽ trở thành người bảo vệ môi trường trong cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu.
Ông David Elliott, Giám đốc điều hành của “Cây cho các thành phố”, cho biết: “Mấu chốt là trồng thực phẩm lành mạnh và phát triển chúng, nhưng có vô số lợi ích mà “sân chơi ăn được” mang lại đối với hành vi, sự tự tin và phúc lợi của con người.
Nói cách khác, tầm nhìn của chúng tôi là GD trẻ em kể cả ở độ tuổi còn nhỏ, giúp các em được truyền cảm hứng và sẵn sàng ra ngoài kết nối với thiên nhiên, trở thành những người bảo vệ và bảo tồn tương lai. Không có thế hệ trẻ, chúng ta sẽ không có những thành phố có cây cối và những không gian xanh trong tương lai”.
Kế hoạch này đã được đón nhận bởi các nhà lãnh đạo, nhân viên và HS tại Trường Tiểu học Bidston Village C of E. Cô bé Leila (11 tuổi) - một học sinh của trường, cho biết, việc trồng trọt đã khiến em nghĩ nhiều hơn về vị trí của mình trên thế giới.
“Điều này khiến chúng ta nghĩ về việc phải bảo đảm rằng, rác thải nhựa sẽ không bị vứt xuống đất hoặc những nơi khác. Nó làm cho bạn biết thêm một chút về những gì xảy ra trên thế giới và khiến chúng ta muốn xắn tay vào hành động. Ở mỗi chuyến dã ngoại, chúng em thường dành thời gian nhặt rác thải nhựa vào buổi sáng”, Leila chia sẻ.
Trong suốt 10 năm qua, “Cây cho các thành phố” - tổ chức từ thiện duy nhất của Anh hoạt động trên quy mô quốc tế để trồng cây xanh đô thị và tạo ra các thành phố xanh hơn, đã làm việc với 100 trường học ở 12 thị trấn và thành phố của Anh, nhằm xây dựng những “khu vườn ăn được”.
Chương trình này cung cấp cho các trường học giường được làm bằng gỗ sồi và không gian trồng trọt lớn cũng như chỗ ngồi, hạt giống, cây trồng, nhà kính, công cụ làm vườn.
Tổ chức từ thiện này đã đặc biệt làm việc với các trường học ở những khu vực có tỷ lệ nghèo đói và béo phì cao, ít có cơ hội tiếp cận với không gian xanh. Theo “Cây cho các thành phố”, bằng cách cho trẻ em tự trồng rau và trái cây, trẻ sẽ được khuyến khích ăn uống lành mạnh và có nhiều hoạt động thể chất.
Lợi ích từ “khu vườn ăn được”
Theo thống kê, tại hai ngôi trường là Holy Cross và Bidston Village, có tới gần 1/3 trẻ em phải sống trong hoàn cảnh nghèo đói. “Nhiều trẻ em có lối sống ít vận động. Điều quan trọng là các em nhỏ cần nhận ra rằng, việc gắn kết với thiên nhiên thật thú vị, tuyệt vời và những trải nghiệm xã hội là điều cần thiết”, bà Katherine John, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Bidston Village cho biết.
Cũng theo bà John, hai khu nhà và đại lộ đối diện ngôi trường này không có công viên vui chơi. “Chúng tôi phải cố gắng và bù đắp cho vấn đề này càng nhiều càng tốt. Tôi biết, những năm gần đây, nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, khía cạnh phát triển thể chất ở trẻ đang thực sự suy yếu, bởi các em không có quyền tự do chạy nhảy và không có nơi nào để làm điều đó”, bà John nhấn mạnh.
Bên cạnh lợi ích giúp trẻ được tiếp cận với thiên nhiên, được ăn thực phẩm lành mạnh và có một khu vui chơi, “sân chơi ăn được” còn có thể trở thành một môi trường học tập ngoài trời. Giáo viên tại các trường có “sân chơi ăn được” đều sử dụng khu vực này làm không gian để dạy các môn học như Toán, Nghệ thuật, Khoa học và tiếng Anh.
Cậu bé Edwin (9 tuổi) - người đóng vai trò hàng đầu trong câu lạc bộ làm vườn sau giờ học, chia sẻ: “Em thích những chiếc lá, đặc biệt là khi sâu bướm ăn chúng. Em thích quy luật của vòng đời. Đầu tiên, nó chỉ là một con sâu bướm và sau đó, nó ăn lá và ngày càng lớn hơn. Sau đó, nó trở thành một con bướm”.
Nói về lợi ích của “sân chơi ăn được” đối với việc học, nhiều giáo viên cho biết, không gian mở này đã làm nên điều kỳ diệu cho những HS gặp khó khăn trong học tập, đặc biệt là những em có xu hướng khó chịu khi ở môi trường lớp học.
Ở Trường Bidston Village, một số giáo viên thậm chí còn sử dụng khu vườn này để phạt các HS mắc lỗi. Nữ Phó hiệu trưởng Katherine John cho biết: “Sân chơi ăn được mang lại ít xung đột hơn là trong một lớp học. Các em có thể giải toả sự giận dữ và nhờ vậy sẽ cảm thấy tốt hơn rất nhiều”.
Tổ chức “Cây xanh cho các thành phố” cung cấp cho các trường học sự hỗ trợ trong một năm, nhưng sau đó các tổ chức GD này sẽ tiếp tục duy trì khu vườn.
“Đây quả là một dự án tuyệt vời để trở thành một phần của nó, và một trong những thứ mà chúng tôi yêu thích rõ ràng là hướng tới điều đó. Đây chắc hẳn sẽ là điều chúng ta cùng tiếp tục xây dựng trong nhiều năm tới”, nữ Hiệu trưởng Clare Higgins cho biết.