Giảng viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân được công nhận ‘Nhà giáo tiêu biểu’ 2023

GD&TĐ - Hơn 27 năm trong nghề, với khá nhiều danh hiệu, song việc được công nhận 'Nhà giáo tiêu biểu' của năm 2023 là một niềm vinh dự lớn với tôi.

PGS.TS Phạm Thị Huyền - Trưởng Bộ môn Khoa Marketing, Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Ảnh: NVCC.
PGS.TS Phạm Thị Huyền - Trưởng Bộ môn Khoa Marketing, Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Ảnh: NVCC.

PGS.TS Phạm Thị Huyền - Trưởng Bộ môn Khoa Marketing, Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội) bộc bạch khi là 1 trong 200 nhà giáo tiêu biểu của cả nước được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT dịp 20/11.

Đóng góp không ngừng nghỉ

“Một lần nữa, cảm xúc tự hào lại dâng trào trong tôi, bởi đây là sự ghi nhận không chỉ của người học, đồng nghiệp, nhà trường, mà là của Bộ GD&ĐT, của ngành Giáo dục Việt Nam cho những đóng góp không ngừng nghỉ của tôi trong gần 10 nghìn ngày sống và làm việc với danh xưng “Nhà giáo” - PGS.TS Phạm Thị Huyền trải lòng.

Công tác tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, một trường đại học ngành khoa học xã hội, nên việc có được các đề tài với sản phẩm được ứng dụng ngay vào thực tiễn thực sự không dễ dàng.

Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Thị Huyền nhận thấy mình may mắn khi được chủ trì và tham gia một số đề tài đặt hàng của Bộ GD&ĐT. Sản phẩm là căn cứ chính để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, điển hình; trong đó là các đề tài liên quan tới Nghị định 77 về tự chủ giáo dục đại học, đề tài liên quan tới giáo dục ngoài công lập (từ mầm non đến đại học), được ứng dụng trong xây dựng Nghị quyết 35 của Chính phủ về xã hội hóa giáo dục.

Đề tài liên quan tới hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học, được ứng dụng trong quá trình xây dựng Nghị định 109 của Chính phủ về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học…

PGS.TS Phạm Thị Huyền phát biểu tại Diễn đàn Người Lao động năm 2023 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn”.
PGS.TS Phạm Thị Huyền phát biểu tại Diễn đàn Người Lao động năm 2023 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn”.

Tương tự, đề tài cấp quốc gia mà PGS.TS Phạm Thị Huyền tham gia liên quan tới phát triển thị trường khoa học và công nghệ cũng được ứng dụng làm cơ sở khoa học để Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1158/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 ban hành Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030.

“Mỗi đề tài được nghiệm thu và ứng dụng, luôn là niềm tự hào của người làm nghiên cứu và cá nhân tôi cũng không ngoại lệ” - PGS.TS Phạm Thị Huyền bộc bạch.

Giáo dục đại học nơi tạo nguồn tri thức mới

Trăn trở với vấn đề tự chủ đại học, PGS.TS Phạm Thị Huyền khẳng định rằng, đây là chủ trương đúng để huy động được các nguồn lực của toàn xã hội cho phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Chính nhờ tự chủ mà các trường có thể phát triển các chương trình đào tạo riêng biệt trên cơ sở tiếp thu các tri thức, phân tích bối cảnh mới, nhằm đáp ứng nhanh nhạy nhu cầu của thị trường lao động với các kiến thức và kỹ năng mà các chương trình đào tạo cũ không đáp ứng được.

Nhờ tự chủ mà các trường đại học có thể chủ động thực hiện các hoạt động khoa học, trao đổi học thuật, liên kết nghiên cứu và chuyển giao công nghệ và thương mại hoá các sản phẩm khoa học công nghệ, tạo cơ hội cho người học được tham gia, trải nghiệm và thực hành thực tế ngay khi còn trên ghế nhà trường, từ đó thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Chính nhờ tự chủ mà các trường có thể mời các chuyên gia thực tế, các nhà khoa học thành danh ở nước ngoài về làm việc để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học…

Nhờ tự chủ mà các trường có thể chủ động hơn trong đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, từ xã hội cho đầu tư phòng thí nghiệm, thư viện, các công trình hỗ trợ đào tạo, qua đó tạo nên các không gian học thuật đạt chuẩn quốc tế.

Các trường tự chủ có thể chủ động liên doanh, liên kết để đa dạng hoá các dịch vụ cung cấp cho người học nhằm đáp ứng tốt hơn các nhu cầu khác nhau, từ học tập chính khoá, bồi dưỡng kỹ năng, giải trí… Tất cả những điều đó tạo nên một hệ thống cung cấp dịch vụ giáo dục đại học chất lượng đẳng cấp quốc tế.

Với chất lượng đó, việc thu đúng, thu đủ học phí là cần thiết bởi ngân sách nhà nước ta còn hạn hẹp trong khi các ngành đều cần đầu tư. Do đó, việc huy động nguồn lực của xã hội qua công cuộc tự chủ hóa các trường đại học là điều cần thiết. Tự chủ, chắc chắn không gắn liền với tự do không có khuôn khổ.

PGS.TS Phạm Thị Huyền: Giáo dục đại học cũng được xem là trung tâm của khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo

PGS.TS Phạm Thị Huyền: Giáo dục đại học cũng được xem là trung tâm của khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo

“Tự chủ không có nghĩa là các trường muốn làm gì thì làm, đặc biệt là có thể tăng học phí một cách vô tội vạ. Tự chủ, không gắn liền với việc nâng cao chất lượng đào tạo, tạo môi trường cho nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo thì làm sao có được người học mà thu học phí?” - PGS.TS Phạm Thị Huyền nêu vấn đề.

Khi chất lượng đào tạo đảm bảo, tạo điều kiện cho người học và người dạy có môi trường và có động lực cho nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, người học ra trường được thị trường lao động đón nhận thì người học và xã hội sẽ không còn nghi ngờ, phàn nàn về học phí hay tư duy tự chủ là tự do, hay tự chủ là tự lo ở các trường đại học chưa tự chủ hiện nay.

“Tôi đồng ý với nhận định rằng, đầu tư hiện nay cho giáo dục đại học là chưa tương xứng. Trong hơn 30 năm qua, giáo dục đại học đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - PGS.TS Phạm Thị Huyền nhìn nhận và cho rằng, giáo dục đại học cũng được xem là trung tâm của khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, là nơi tạo ra nguồn tri thức mới cho sự phát triển của xã hội, nơi tập trung nguồn nhân lực trình độ cao, có nhiệm vụ thực hiện các hoạt động khoa học, công nghệ.

“Tôi tin chắc chắn rằng, danh hiệu này chính là niềm cảm hứng lớn lao nhất để các lớp thầy cô tiếp tục phấn đấu để trở thành người “khơi dậy niềm cảm hứng sáng tạo” cho các thế hệ học sinh, sinh viên, hướng tới mục tiêu xây dựng một đất nước hùng cường, một quốc gia khởi nghiệp- PGS.TS Phạm Thị Huyền.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ