Giảng viên sư phạm sẽ được xếp bậc năng lực theo 3 mức

GD&TĐ - Theo dự thảo Thông tư về Chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm, việc xếp bậc năng lực chung đối với giảng viên theo các mức: Tốt, Khá và Đạt.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Cụ thể, dự thảo Thông tư có nêu: Việc đánh giá giảng viên theo Chuẩn sử dụng các nguồn thông tin như: Báo cáo tự đánh giá; Các minh chứng trực tiếp của quá trình đào tạo và bồi dưỡng; Các sản phẩm của hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển chương trình đào tạo, giáo trình, học liệu, tổ chức hoạt động giáo dục và hoạt động xã hội; Kết quả đánh giá hàng năm (bao gồm cả quyết định khen thưởng, kỷ luật); Các ý kiến đánh giá và kết quả khảo sát các bên liên quan.

Thu thập và quản lý thông tin: Những thông tin này được thu thập, quản lý thường xuyên bằng phần mềm đánh giá trực tuyến của cơ sở đào tạo giáo viên. Bộ phận quản lý đào tạo thu thập, quản lý các thông tin liên quan tới hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Bộ phận quản lý nghiên cứu khoa học thu thập, quản lý các thông tin liên quan tới hoạt động, thành tích thực hiện và hướng dẫn nghiên cứu khoa học.

Bộ phận tổ chức cán bộ thu thập, quản lý các thông tin liên quan tới phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và hoạt động học tập, tự bồi dưỡng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ. Bộ phận khảo thí- kiểm định chất lượng của đơn vị tổ chức lấy ý kiến phản hồi của các bên liên quan (nhà quản lý-Phụ lục 3a, đồng nghiệp- Phụ lục 3b, người học-Phiếu phản hồi về giảng viên hàng năm).

Nguồn thông tin này là căn cứ cho hoạt động tự đánh giá và đánh giá mức độ đạt Chuẩn của giảng viên.

Cách đánh giá và xếp loại chung: Mỗi giảng viên được đánh giá theo từng tiêu chí và xếp loại chung. Mỗi tiêu chí được đánh giá theo 3 mức như sau: Mức Đạt; Mức Khá và Mức Tốt.

Về xếp loại chung: Căn cứ kết quả đánh giá theo từng tiêu chí, xếp bậc năng lực chung đối với giảng viên theo các mức như sau:

Mức Tốt: Có tất cả tiêu chí đạt mức Khá trở lên và tối thiểu 12 tiêu chí đạt mức Tốt, trong đó có ít nhất 05 tiêu chí của Tiêu chuẩn 2 và 2 tiêu chí của Tiêu chuẩn 3 phải đạt mức Tốt;

Mức Khá: Có tất cả các tiêu chí đạt mức Đạt trở lên và tối thiểu 12 tiêu chí đạt mức Khá trở lên, trong đó có ít nhất 05 tiêu chí của Tiêu chuẩn 2 và 2 tiêu chí của Tiêu chuẩn 3 phải đạt mức Khá trở lên;

Mức Đạt: Toàn bộ các tiêu chí ở mức Đạt trở lên.

Yêu cầu của việc đánh giá mức năng lực giảng viên:

- Việc đánh giá năng lực giảng viên phải đảm bảo khách quan, khoa học, công bằng và dân chủ phản ánh đúng phẩm chất, năng lực, hiệu quả công tác; phải đặt trong phạm vi công tác và điều kiện cụ thể của nhà trường.

- Việc đánh giá, xếp loại mức năng lực giảng viên phải căn cứ vào các các minh chứng phù hợp với các tiêu chí, tiêu chuẩn được quy định tại Chương II của văn bản này.

- Đánh giá năng lực giảng viên nhằm vào quá trình, nỗ lực và tiềm năng làm việc của giảng viên, khác với đánh giá kết quả, hiệu quả làm việc dựa trên thành tích, kết quả công tác gắn với sản phẩm đầu ra đã đạt được. Những nội dung ở từng mức được sử dụng như là công cụ đánh giá về năng lực, kết quả công việc của giảng viên.

- Việc so sánh giữa năng lực được phản ánh trên thực tế và yêu cầu giúp đánh giá được tính phù hợp và mức độ hoàn thành yêu cầu công việc của giảng viên. Từ kết quả hoạt động đánh giá năng lực nêu trên, giảng viên tự lập kế hoạch phát triển nghề nghiệp (phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu); khoa/bộ môn và trường xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ