Giảng viên, sinh viên cùng chế phao cứu sinh điều khiển từ xa

GD&TĐ - Phao cứu sinh điều khiển từ xa bằng sóng vô tuyến dùng để phục vụ cứu hộ, cứu nạn người đuối nước là sản phẩm sáng tạo của giáo viên, sinh viên để ứng phó với tai nạn sông nước.

Giảng viên, sinh viên cùng chế phao cứu sinh điều khiển từ xa

Phao “chạy” đến người gặp nạn

Sáng chế “Phao cứu sinh điều khiển từ xa bằng sóng vô tuyến” là sản phẩm do nhóm sinh viên Bùi Hoàng Sơn, Huỳnh Trần Ngọc Thịnh, Nguyễn Minh Toàn, Hồ Đắc Nguyên và Trần Nhất Tri, sinh viên Đại học Giao thông Vận tải TPHCM phát triển. Sản phẩm được hình thành trên ý tưởng tạo ra một thiết bị hỗ trợ cứu nạn đuối nước, hoặc vận chuyển thực phẩm trong vùng lũ. Khi cần sử dụng, người tham gia cứu hộ có thể điều khiển để phao chạy tới bên người gặp nạn, hỗ trợ họ bơi vào bờ mà không cần trực tiếp bơi ra cứu như biện pháp phổ thông hiện nay.

Kể về lý do thực hiện sản phẩm, Bùi Hoàng Sơn, sinh viên ngành Thiết kế vỏ tàu, chia sẻ, nhiều lần đọc báo thấy mỗi năm tại Việt Nam có hàng nghìn trẻ em gặp tai nạn đuối nước. Ngoài việc dạy các em học bơi, quá trình cứu nạn cần được hỗ trợ bởi công nghệ để có thể cứu người nhanh, chính xác nhất. “Khi sản phẩm được ứng dụng thực tế, những người cứu hộ sẽ được huấn luyện kỹ năng điều khiển phao để xử lý tốt nhất giúp cứu người bị đuối nước”, Sơn nói. Sản phẩm của nhóm thiết kế dựa theo quy chuẩn quốc gia về an toàn hàng hải và một số quy chuẩn quốc tế về phao cứu sinh.

Phao cứu sinh điều khiển từ xa được thiết kế với dạng hình chữ U, kích thước 110 cm x 80 cm và đường kính ống đẩy 20 cm. Để đảm bảo độ nhẹ, độ bền, độ chống ăn mòn và nổi tốt trên mặt nước, nhóm sáng chế đã sử dụng vật liệu composite, được quét thêm một lớp nhựa polyester kết hợp sợi thủy tinh.

Với trọng lượng khoảng 15 kg, phao có tốc độ chạy 15 km mỗi giờ bằng động cơ điện, thời gian hoạt động tối đa 30 phút với bán kính 500m. Phao được điều khiển từ xa bằng sóng vô tuyến dài tần 2,4 GHz với độ ổn định cao. Trên thân có đèn led nhấp nháy giúp người bị nạn dễ nhận biết vào ban đêm.

Theo nhóm nghiên cứu, mỗi phao cứu sinh điều khiển từ xa có thể cứu 3 người lớn cùng lúc trong điều kiện khắc nghiệt, vận tốc dòng chảy lớn. Bên cạnh cứu người, sáng chế này còn có thể ứng dụng làm phương tiện vận chuyển lương thực tiếp tế đến người dân vùng lũ. Theo nhóm sáng chế, mỗi phao cứu sinh có thể mang được tới 20 kg nhu yếu phẩm. Ngoài ra, phao điều khiển từ xa cũng được sử dụng để hỗ trợ vận chuyển hàng hóa, vật tư y tế ở các khu cách ly trên tàu.

Trong thử nghiệm phao vận chuyển lương thực và cứu hộ ở môi trường ao hồ và sông Sài Gòn, phao cứu sinh điều khiển từ xa cho thấy nó có thể hoạt động ngay cả khi bị lật úp trong điều kiện khắc nghiệt, vận tốc dòng chảy lớn. Nhóm nghiên cứu hiện vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để có thể giảm tối đa trọng lượng của phao cứu sinh, đồng thời, tối ưu hóa hệ thống động lực và tăng thời gian vận hành để nâng cao hiệu suất của sản phẩm. Giá thành dự kiến sản phẩm khoảng 40 triệu đồng, rẻ hơn khoảng 2,5 lần so với các sản phẩm của nước ngoài với tính năng tương tự.

Phao cứu sinh tự tạo của thầy giáo làng

Nhận thấy tình trạng đuối nước ở học sinh rất đáng lo ngại, thầy giáo Võ Minh Tho cũng đã nghiên cứu sáng tạo phao cứu sinh điều khiển từ xa. Thầy Võ Minh Tho hiện là giáo viên Trường THCS Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Tại nhiều vùng nông thôn như huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang vẫn thường xuyên xảy ra những câu chuyện đau lòng liên quan đến tình trạng đuối nước ở trẻ em. Ngoài sự lơ là, chủ quan của người lớn thì việc trẻ không biết bơi cũng là nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ tử vong. Bên cạnh đó, một số trường hợp do ứng cứu chậm trễ, thiếu kỹ năng, phương tiện hỗ trợ. Theo thầy Võ Minh Tho, để hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ em, ngoài việc trang bị kỹ năng bơi cho trẻ, thì cần có những thiết bị hữu ích để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Thấy được thực trạng đó, thầy Võ Minh Tho đã nghiên cứu, tìm tòi và tạo ra sản phẩm “Phao cứu sinh điều khiển từ xa”. Sản phẩm này tuy không mới, nó đã được chế tạo và sử dụng ở một số nước trên thế giới nhưng giá thành rất đắt, người dân khó tiếp cận. Thầy Tho nghĩ đến tự chế tạo ra phao cứu sinh điều khiển từ xa sử dụng cho vùng sông nước Hậu Giang, có giá thành rẻ, ứng dụng được rộng rãi.

Từ tháng 9/2020, thầy Tho bắt tay vào quá trình nghiên cứu, chế tạo sản phẩm. Qua nhiều lần thử nghiệm và thất bại, sau hơn một năm, sản phẩm “Phao cứu sinh điều khiển từ xa” đã hoàn thiện và có thể đưa vào ứng dụng thực tế. Cấu tạo của phao gồm: Các board mạch của vi điều khiển từ xa, ống nhựa, chân vịt, pin, động cơ và các mô-đun... Phao có hình dạng chữ U, nhờ đó người đuối nước có thể dễ dàng bám vào phao. Dưới sự điều khiển của bộ điều khiển từ xa 3 kênh, phao sẽ di chuyển đến vị trí theo ý muốn của người sử dụng nhờ hai động cơ mạnh được gắn với chân vịt dài 60mm ở hai đầu chữ U. Phao có thể lướt nhanh trên mặt nước với vận tốc 20 km/giờ. Trong bán kính 100m quanh bộ điều khiển, phao có thể hoạt động nhanh nhạy và linh hoạt dưới nước.

Với chi phí chỉ khoảng 2 triệu đồng, chiếc “phao cứu sinh điều khiển từ xa” của thầy Võ Minh Tho có giá thành rẻ hơn nhiều lần so với sản phẩm tương tự của nước ngoài. Chiếc phao này có thể được trang bị ở hồ bơi, bến phà, bãi biển... hoặc những nơi có nguy cơ đuối nước cao, từ đó giúp ứng cứu kịp thời nạn nhân đuối nước trong trường hợp khẩn cấp mà không phải đặt thêm bất kỳ ai vào tình huống nguy hiểm. Đây thật sự là một sản phẩm hữu ích giúp chúng ta có thể chủ động kịp thời và hạn chế tối đa nhất các trường hợp đuối nước thương tâm có thể xảy ra. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...