Giảng viên phải coi nghiên cứu khoa học là nhu cầu tự thân

Giảng viên phải coi nghiên cứu khoa học là nhu cầu tự thân

Nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ không thể thiếu của GV

Vai trò của NCKH đối với GV được đưa ra thông qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Cùng với hoạt động giảng dạy thì NCKH là một nhiệm vụ không thể thiếu của GV ở cơ sở GDĐH. Giảng dạy và NCKH là hai nhiệm vụ cơ bản chiến lược, hai hoạt động có mối quan hệ gắn bó hữu cơ chặt chẽ và hỗ trợ cho nhau.

Nhấn mạnh điều này, TS Phan Thị Thanh Thảo, Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Đô, cho rằng, tham gia NCKH sẽ giúp GV củng cố kiến thức chuyên môn, lựa chọn thông tin, kiến thức, bổ sung thêm lượng kiến thức mới để hoàn thiện những kiến thức của mình từ kiến thức chuyên ngành khác.

NCKH cũng giúp GV có điều kiện đào sâu, nắm bắt chặt chẽ hơn kiến thức chuyên môn mà mình đang trực tiếp giảng dạy, kịp thời điều chỉnh, bổ sung nội dung kiến thức chưa chuẩn xác trong bài giảng của mình.

GV NCKH một mặt vừa củng cố lại kiến thức chuyên môn, mặt khác có điều kiện mở rộng, hiểu biết nhiều hơn từ những kiến thức từ các chuyên ngành khác.

Tham gia NCKH góp phần phát triển tư duy, năng lực sáng tạo, khả năng làm việc độc lập, trau dồi tri thức và các phương pháp nhận thức khoa học của GV, đồng thời hình thành ở GV phẩm chất của nhà khoa học. Giúp GV tìm hiểu, cập nhật những thông tin, kiến thức mới, bổ trợ cho bài giảng của mình sinh động hơn, làm cho bài giảng có tính thời sự, tính khoa học và tính thực tiễn.

“Tham gia NCKH tạo điều kiện cho GV tìm ra phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất. Đối với GV trẻ, NCKH sẽ làm cho họ trưởng thành nhanh chóng, góp phần vào nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường...

NCKH còn góp phần khẳng định uy tín của các cơ sở GDĐH. Mỗi bài viết tham gia hội thảo được đánh giá cao, mỗi công trình NCKH ở các cấp, mỗi bài viết đăng trên tạp chí chuyên ngành gắn với tên cơ sở GDĐH là một lần thương hiệu và uy tín nhà trường được thể hiện” – TS Phan Thị Thanh Thảo chia sẻ.

Giảng viên phải coi nghiên cứu khoa học là nhu cầu tự thân ảnh 1
TS Phan Thị Thanh Thảo - Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Đô.

Cần đổi mới nhận thức, tư duy, phương pháp tiến hành NCKH

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của NCKH ở cơ sở GDĐH nói chung, đối với GV nói riêng, nên thời gian gần đây, việc đẩy mạnh NCKH đã được các cơ sở GDĐH xác định là một trong những hoạt động chủ yếu để nâng cao chất lượng đội ngũ GV, đồng thời nâng cao chất lượng giảng dạy.

Vì vậy, lãnh đạo các cơ sở GDĐH đã quan tâm sâu sát hơn, đầu tư nhiều hơn cho hoạt động NCKH của đội ngũ GV. Nhờ đó NCKH ở các cơ sở GDĐH mà nòng cốt là đội ngũ GV đã có những chuyển biến bước đầu và khởi sắc. Tuy nhiên, phải nghiêm túc thừa nhận rằng, NCKH của GV còn nhiều hạn chế.

Một số hạn chế cụ thể được TS Phan Thị Thanh Thảo đưa ra, trong đó có việc NCKH của đội ngũ GV chưa tương xứng với năng lực và yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao ở các cơ sở GDĐH.

NCKH chưa thu hút được nhiều GV tham gia NCKH thể hiện ở số lượng bài viết đã công bố, chất lượng các công trình khoa học đã nghiệm thu, chủ yếu là vì trách nhiệm, làm cho xong, mang tính đối phó.

GV ngại tham gia NCKH nên chưa chú tâm đến NCKH mà chỉ quan tâm đầu tư nhiều hơn cho công tác giảng dạy.

NCKH được đặt ra như một nhiệm vụ bắt buộc và là một tiêu chuẩn quan trọng hàng đầu để đánh giá GV.

NCKH của đội ngũ GV ở không cơ sở GDĐH còn khá tẻ nhạt, thậm chí còn “quên”, chứa đựng nhiều hạn chế, bất cập, chưa được quan tâm đúng mức, chưa ngang tầm với nhiệm vụ chuyên môn của GV.

GV chưa nhận thức được tầm quan trọng của NCKH, do vậy, hầu hết các bạn GV đều chưa thực sự chủ động đưa ra các đề tài nghiên cứu.

Ở một số cơ sở GDĐH còn tồn tại tình trạng khác biệt về chương trình đào tạo trong một cấp học, ngành học. Vẫn còn một số cơ sở GDĐH không đưa môn phương pháp NCKH vào giảng dạy cho GV. Do vậy, tồn tại một bộ phận GV chưa nắm được phương pháp NCKH, cách tìm tài liệu tham khảo, thậm chí, chưa nắm được cách xây dựng đề cương, cách trình bày một công trình NCKH.

Nguồn thu nhập chính yếu của các GV hầu hết đến từ việc giảng dạy. NCKH tốn nhiều thời gian, công sức, trong khi thu nhập lại ít ỏi. Vì thế, nhiều GV dạy vượt quá số giờ quy định nhiều lần, cá biệt một số GV còn đi dạy thêm vì thù lao mỗi tiết dạy cao hơn. Do vậy, GV “lãng quên” NCKH là điều không hề khó hiểu.

Ngoài ra, chưa có một chế tài đủ đối với đối với GV không tham gia NCKH.. Thậm chí nhiều GV (có trình độ TS, PGS) ở không ít cơ sở GDĐH không có công trình khoa học nào trong thời gian dài nhưng vẫn được giảng dạy đang là tình trạng phổ biến.

Kinh phí phục vụ cho NCKH của GV không nhiều, thậm chí nhiều năm không có. Đây cũng là điểm bất cập, gây khó khăn cho hoạt động NCKH các GV.

Hội đồng khoa học ở nhiều cơ sở GDĐH mới chỉ hoạt động ở việc tổ chức đánh giá nghiệm thu, chưa đưa ra được những định hướng NCKH hàng năm cho GV.

Chính sách khuyến khích NCKH đối với GV còn thiếu đồng bộ và chưa tạo được động lực cho GV.

Để GV coi NCKH là nhu cầu tự thân, theo TS Phan Thị Thanh Thảo, các cơ sở GDĐH cần tự giác thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật về KHCN, về khuyến khích hoạt động khoa học công nghệ.

GV cần đổi mới cả về nhận thức, tư duy và phương pháp tiến hành nghiên cứu khoa học.

Cùng với các chế tài mạnh hơn, là sử dụng các biện pháp khuyến khích GV tham gia NCKH như khen thưởng đối với các cá nhân, tổ chức có thành tích nghiên cứu khoa học nhằm tạo động lực và kích thích tính tích cực tự giác tham gia NCKH của GV.

Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho GV NCKH cũng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy hoạt động NCKH của GV.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ