Từ đó, giúp cho sinh viên có tình yêu đối với khoa học, kích thích và phát triển sự chủ động, năng lực tư duy sáng tạo trong nghiên cứu khoa học.
“Có thể khẳng định rằng, cùng với hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học là thước đo năng lực chuyên môn của người giảng viên. ĐH là nơi thể hiện rõ rệt và sâu sắc nhất sự kết hợp giữa GD&ĐT với khoa học công nghệ; trong đó, khoa học công nghệ thực sự là động lực thúc đẩy sự phát triển GD&ĐT. Chất lượng đào tạo được quyết định một phần lớn từ chất lượng nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên” - TS Nguyễn Ngọc Linh nêu quan điểm.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Ngọc Linh cho rằng, thực trạng hiện nay cho thấy, còn có sự tách rời giữa giảng dạy với nghiên cứu khoa học của giảng viên, do trình độ nghiên cứu khoa học còn hạn chế, cũng như thiếu động lực thúc đẩy nghiên cứu khoa học.
Giảng viên dành phần lớn thời gian cho giảng dạy, còn phần nghiên cứu khoa học dường như luôn được xếp sau. Không chỉ ở giảng viên, tại nhiều trường, phần nghiên cứu khoa học rất mờ nhạt, mà thời gian phần lớn dành để bàn về quy chế tuyển sinh, đào tạo quá nhiều. Đó là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm giảm sút chất lượng nghiên cứu khoa học và đào tạo đại học.
Để giảng viên coi nghiên cứu khoa học là nhu cầu tự thân, đòi hỏi sự thống nhất đồng bộ của rất nhiều yếu tố. Trong đó, sự nỗ lực và chủ động, sáng tạo của đội ngũ giảng viên, đội ngũ các nhà quản lý giáo dục đại học là một nhân tố quan trọng.
Đưa ra quan điểm này, TS Nguyễn Ngọc Linh cho rằng, các trường đại học cần dành thời gian, công sức xây dựng chiến lược nghiên cứu khoa học một cách bài bản. Các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cần gắn với quy hoạch công tác đào tạo. Từng bước đưa hoạt động nghiên cứu khoa học một cách có chiến lược và thiết thực, đưa ra được cơ chế tạo nguồn lực và động lực cho giảng viên.
Cùng với đó, cần hình thành các nhóm nghiên cứu của các giảng viên trong từng trường và với các trường với nhau. Mặt khác, Bộ GD&ĐT cần có quy định để các trường đại học (kể cả ngoài công lập) được sử dụng chung các phòng nghiên cứu do nhà nước đầu tư nhằm vừa tăng hiệu quả nghiên cứu khoa học, hướng tới sản phẩm đầu ra đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí của nhà nước đặt ra, vừa tránh thiệt thòi cho các trường ngoài công lập.
Thay đổi phương thức tổ chức các nhiệm vụ khoa học công nghệ (các đề tài, dự án cấp bộ) trong các trường đại học cũng là điều cần làm để góp phần tăng cường hiệu quả nghiên cứu khoa học trong trường ĐH nói chung, với mỗi giảng viên nói riêng.