Theo TS Trịnh Thu Tuyết, GV môn Ngữ văn Hệ thống Giáo dục HOCMAI, đề bài hứa hẹn sự phân loại cao, phù hợp với kì thi tuyển sinh, các vấn đề khá quen thuộc mà vẫn hứa hẹn những khám phá mới mẻ.
Tuy nhiên, nếu rút bớt một câu nói phần nghị luận xã hội và một ý trong nhận định của phần nghị luận văn học, có thể bài làm của học trò sẽ sáng rõ và sâu sắc hơn.
Cấu trúc đề quen thuộc với học sinh đã chuẩn bị tâm thế và có cả 1 năm ôn luyện vào lớp chuyên văn ĐHSP.
Cụ thể, hai câu hỏi nghị luận xã hội và nghị luận văn học - câu nghị luận xã hội yêu cầu viết một bài văn ngắn; câu nghị luận văn học yêu cầu viết bài văn với nội dung bàn luận về một vấn đề thuộc lĩnh vực lí luận văn học.
Trong quỹ thời gian 150 phút, hai câu hỏi này cũng là thử thách xứng đáng dành cho các học trò chuyên văn tương lai của trường THPT chuyên ĐHSP.
Câu hỏi nghị luận xã hội yêu cầu viết về chủ đề “Ý nghĩa của những điều nhỏ bé” - trước hết, đây là vấn đề nghị luận không hề khó xác định khi đề bài đã định hướng tường minh qua hai ngữ liệu cho trước.
Thật ra, hoàn toàn có thể nâng thử thách với học trò chuyên văn bằng cách bớt đi câu nói trong hai ngữ liệu trên, điều đó sẽ giúp đề gọn hơn, tạo độ mở hơn cho suy nghĩ và sáng tạo của trò; vả lại, câu nói trong ngữ liệu cũng không thực cần thiết khi yêu cầu nghị luận đã được xác định trong câu lệnh của đề bài.
Nhìn chung, câu nghị luận xã hội hướng tới yêu cầu bàn luận một vấn đề khá gần gũi, thiết thực và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc cho học trò thời hiện đại; cũng là vấn đề quen thuộc, không khó cho sự triển khai ý của bài văn.
Câu nghị luận văn học đặt ra vấn đề về vai trò và cá tính sáng tạo của nhà thơ. Những vấn đề thuộc lĩnh vực lí luận văn học luôn là thử thách khó khăn không chỉ với học trò lớp 9, bài văn đòi hỏi học trò có nền tảng kiến thức lí luận văn học vững chắc, vận dụng uyển chuyển, sáng tạo, linh hoạt vào việc lí giải vấn đề và chứng minh ý kiến bằng thực tế văn học.
Nhận định khá tường minh với hai nội dung: Vai trò của nhà thơ với sứ mệnh phát hiện và thể hiện cái đẹp; cá tính sáng tạo của nhà thơ.
Tuy nhiên, dù tường minh, bài nghị luận văn học vẫn không hề dễ dàng với học trò lớp 9. Nên chăng bớt đi một nội dung trong nhận định, bài văn của học trò sẽ triển khai được sâu kĩ hơn, tránh dàn trải, và nhất là giúp các em không lúng túng khi xác định vấn đề nghị luận. Bởi thực ra, chỉ một trong hai nội dung nghị luận trên đã quá đủ cho một bài văn trình bày quan niệm về vai trò, sứ mệnh hoặc cá tính riêng của nhà thơ!
Đề thi môn Văn. |