Giáng châu xứ Huế mất mùa

GD&TĐ - Ở Huế măng cụt thường gọi với cái tên thân mật là măng. Ngoài ra, nó còn được gọi là Giáng châu (tên này do vua Minh Mạng đặt) đây là cách gọi đài các ở Huế, hiểu như ngọc trên trời ban xuống. 

Giáng châu xứ Huế mất mùa
Giáng châu xứ Huế mất mùa ảnh 1Giáng châu xứ Huế mất mùa ảnh 2Giáng châu xứ Huế mất mùa ảnh 3Giáng châu xứ Huế mất mùa ảnh 4Giáng châu xứ Huế mất mùa ảnh 5Giáng châu xứ Huế mất mùa ảnh 6Giáng châu xứ Huế mất mùa ảnh 7
Giáng cũng có nghĩa là đỏ tía, châu chỉ định một cây có lòng đỏ, một màu đỏ thắm như trong châu sa, châu tử, châu thần. Đây là loài cây di thực từ miền Nam ra. Mặc dù đặc sản nổi tiếng là vậy nhưng mấy năm trở lại đây thời tiết không thuận lợi, nhiều vườn cây thiếu sự chăm sóc đã khiến mùa măng cụt năm nay của bà con hai phường Kim Long và Hương Long (TP Huế) mất mùa.

Sương gió khiến trái măng đậu ít

Theo chân ông Lê Xuân Huế - Phó chủ tịch UBND phường Hương Long, chúng tôi “lang thang” đến những miệt vườn măng cụt nổi tiếng ở xứ sở một thời đã đi vào thơ văn vì “có gái mỹ miều”, tận mắt chứng kiến giống cây mà có khi cả đời người trồng chỉ tận hưởng được quả lúc về già mới thấy hết giá trị của trái cây thuộc dòng “ vương giả” này. 

Bên hàng cây măng cụt có “niên đại” gần cả trăm ở khu vườn nhà ông Thái Công Nguyên, nguyên giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế nằm khuất sau đường Nguyễn Hoàng, phường Hương Long anh Trần Nghĩa, người chăm sóc vườn cây tại nhà ông Nguyên cứ thấp thỏm lo lắng sợ khách đến “hái trộm đặc sản măng cụt”. 

Anh tâm sự: “Ngó ri đây eng (anh) vườn ni mỗi bữa mình siêng bòn cũng được 4 đến 5kg, ngày mô giá cao cũng bán được 150 nghìn/kg. Tui làm vườn ở đây hơn 5 năm mà chưa thấy năm mô măng cụt mất mùa “nặng” như năm ni. Nhiều ngày thương lái điện thoại tới tấp, có khi họ còn trả 1kg giá 130-150 nghìn/kg nhưng không có bán.” 

Theo anh Nghĩa, nếu được mùa chủ vườn thu bình quân từ 5-6 triệu đồng/cây là chuyện thường bởi giá măng cụt Huế gấp đôi, gấp ba măng cụt miền Nam. Tuy mất mùa nhưng như năm ngoái (2014), một cây cũng được chục ký quả, chứ năm nay hoa trái chỉ lèo tèo.

Đến thăm nơi trồng măng cụt nổi tiếng có số lượng nhiều ở Kim Long tại khách sạn nhà vườn mang tên Giáng Châu. Nguyên sơ nhà vườn này của của một vị quan Thượng Thư, giờ do UBND phường Hương Long quản lý nhằm tái tạo lại vườn cây, tạo nguồn thu, địa phương này cho một cá nhân thuê lại để kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà vườn. 

Tại khu vườn này còn với 69 cây măng cụt, tuy nhiên 5 năm trở lại đây tình trạng mất mùa càng thê thảm hơn khi vườn cây năm nay gần như không cho quả. 

Anh Lê Trọng Vũ, người chăm sóc vườn cho biết: “Năm nay, do giai đoạn măng cụt ra hoa gặp tiết sương gió nên trái đậu rất ít, cả vườn cây gần như không có quả. Phần nữa, giai đoạn quả sắp chín bị chuột cắn phá khá nhiều; quả cứ đơ ra, cứng đanh lại rụng nên không bán được.”

Chính quyền “sợ” mất cây đặc sản

Qua thống kê hiện tại toàn phường Kim Long hiện nay còn chưa tới 200 gốc măng cụt Huế, chủ yếu tập trung ở các nhà vườn, phủ đệ còn trồng trong các hộ dân rải rác rất ít. Là giống cây truyền thống của địa phương, nhưng liên tục nhiều năm qua, măng cụt Huế mất mùa. 

Đặc biệt năm nay, giá măng cụt rất cao, thương lái lùng mua với giá trên 100.000 đồng/kg, gấp 3 lần giá măng cụt miền Nam đưa ra bán ở chợ Đông Ba, An Cựu nhưng các chủ vườn vẫn không có bán. Nguyên nhân do vườn cây lâu năm, bà con thiếu sự chăm sóc và năm nay, tiết trời không thuận lợi.

Tại phường Kim Long, ông Hoàng Xuân Tiệp - Chủ tịch UBND phường Kim Long - cho biết: “Thực tế loài cây măng cụt cùng cây dâu tây, tuy không phải loại cây chủ lực kinh tế tại địa phương, nhưng nó là loài cây quý với vùng đất Kim Long vốn nhiều phủ đệ, đất vườn của các quan lại từ xưa để lại. 

Những năm 80-90 của thế kỷ trước, do điều kiện cuộc sống khó khăn, cần diện tích đất để canh tác cây lương thực (trong khi cây măng cụt chiếm diện tích đất rất lớn, bình quân từ 50-70m2/cây), nên số măng cụt bị chặt bỏ dần; trận bão 1985 cũng làm nhiều vườn cây bị thiệt hại. Phần nữa đa số vườn cây đều sử dụng giống cũ, đã trồng từ 50-70 năm nay (mỗi cây trồng từ 25-30 năm mới có trái), nên vườn cây thoái hóa. 

Trong khi đó, khoảng 10 năm trước, có đưa giống cây măng cụt mới từ TP Hồ Chí Minh ra, loại cây này trồng khoảng 10 năm thì cho quả nhưng rất ít hộ dân trồng. Đến nay toàn phường chỉ còn hơn 200 gốc măng cụt đúng nghĩa măng cụt Huế mà thôi”. 

“Sợ nhất là người dân đốn hạ măng cụt để chuyển đổi sang trồng cây khác, như thế thì vùng Kim Long cũng không còn cây đặc sản chi nữa mà “ khoe” với thiên hạ” - ông Tiệp lo lắng.

Quá trình tìm hiểu của chúng tôi, tại hai phường Kim Long, Hương Long, lãnh đạo của hai địa phương đều cho biết, trong nhiều năm qua, do nhiều nguyên nhân khách quan, lẫn chủ quan cho nên đến nay chưa có một lớp tập huấn nào cho người dân về quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và phòng trừ sâu bệnh cũng như đưa giống cây măng cụt mới vào sản xuất cho bà con nông dân cũng như chủ vườn cả vì thế việc trồng cây măng cụt tại đây chỉ mang tính chất mạnh ai nấy làm.

Tại phường Thủy Biều, cây măng cụt một thời không cho quả, bà con nông dân đã chuyển đổi sang trồng cây thanh trà.

Ông Hoàng Trọng Di - Chủ nhiệm HTX Thủy Biều - cho biết: “Thực tế cây thanh trà cho hiệu quả kinh tế cao hơn cây măng cụt nhiều. Bình quân 1ha thanh trà cho thu nhập 130 triệu đồng, cá biệt có vườn lên đến 200 triệu đồng. 

Trong khi cây măng cụt bà con thu từ 5-7 triệu đồng/cây, nhưng không thường xuyên, vài năm nó mới ra hoa, cho quả một lần. Cây măng cụt là loài cây “khó tính” và choán đất nên việc chuyển đổi cây trồng là phù hợp.”

Điểm khác giữa măng cụt Huế và măng cụt được trồng trong Nam đó là nhìn hoa măng cụt bao nhiêu cánh thì sẽ biết được bên trong có bao nhiêu múi. Quả khi chín có vỏ ngoài dày, dùng tay nắn và dùng dao nhọn khứa nhẹ thì bên trong xuất hiện ruột trắng ngà, chia thành nhiều múi nhỏ xếp theo hình những cánh hoa rất đẹp. Càng thưởng thức lại càng cảm nhận được hình như trong trái măng cụt ở miệt vườn Kim Long và Nguyệt Biều kia vẫn còn lưu lại hương thơm và vị ngọt của dòng nước Hương Giang.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ