Ông Nguyễn Minh Tường - Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ - khẳng định như vậy khi trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại.
Với đề xuất giãn tiến độ 1 năm cho việc thực hiện chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý của Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Minh Tường đồng tình và cho rằng hết sức cần thiết với các lý do sau:
Thứ nhất: Việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới là một vấn đề lớn và hệ trọng và phải ổn định lâu dài. Vì vậy, việc triển khai chỉ thực hiện khi phải bảo đảm tính khả thi, chất lượng và nhất là các điều kiện phải đồng bộ như về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất hiện có và các điều kiện khác.
Thứ 2: Chất lượng giáo dục phổ thông chưa đến mức cấp bách để đổi mới ngay.
Tích cực chuẩn bị
Vẫn trên tinh thần khẩn trương, Sở GD&ĐT Phú Thọ đã tích cực tổ chức cho cán bộ, giáo viên toàn ngành tích cực nghiên cứu dự thảo và tổ chức các Hội thảo đóng góp ý kiến có chất lượng về chương trình, sách giáo khoa mới.
Các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh cũng được chỉ đạo điều chỉnh phương pháp dạy học hiện hành theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực thích ứng với những điểm mới chứ không chờ đến khi có chương trình, sách giáo khoa mới.
"Chúng tôi cũng tiến hành rà soát lại toàn bộ đội ngũ giáo viên ở các cấp học để đảm bảo số lượng và cơ cấu các bộ môn, tránh tình trạng dôi dư giáo viên.
Phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Hà Nội, Trường ĐH Hùng Vương tổ chức bồi dưỡng giáo viên các cấp học phổ thông.
Đồng thời, tham mưu với UBND tỉnh đẩy mạnh công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia để chuẩn bị về điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới" - ông Nguyễn Minh Tường chia sẻ.
Sở GD&ĐT Phú Thọ cũng đã chỉ đạo tất cả các nhà trường hàng năm rà soát lại chương trình các môn học hiện hành để tinh giản những kiến thức không cần thiết để xây dựng Kế hoạch giáo dục nhà trường một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp và hiệu quả.
Về phía các trường, Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho biết, cần chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong đội ngũ giáo viên nhận thức đúng về đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới. Đẩy mạnh đổi mới sinh hoạt chuyên môn, nhất là đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học.
Ngoài ra, cần tập trung đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Tổ chức các hội thảo để đội ngũ giáo viên quen dần với yêu cầu chuyển từ nặng về trang bị kiến thức lý thuyết trừu tượng sang nội dung giáo dục gắn liền với thực tiễn đời sống; chú trọng yêu cầu vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng sống.
"Việc thực hiện đánh giá thực chất đội ngũ giáo viên của từng bộ môn để có kế hoạch gửi đi đào tạo, bồi dưỡng giáo viên các môn học cũng là việc nhà trường cần quan tâm thực hiện để chuẩn bị triển khai chương trình mới" - ông Nguyễn Minh Tường cho hay.