Tính tỷ lệ số trường đạt chuẩn quốc gia trên tổng số trường học, TP đầu tàu về kinh tế này còn đứng xa các địa phương vùng sâu, vùng xa, và quy định của Bộ. Điều đáng nói, ngay cả các trường đạt chuẩn hiện cũng không được vững chắc, mà luôn trong tình trạng ngay ngáy lo... rớt chuẩn, phá chuẩn.
Vấn đề nổi cộm nhất của TPHCM là diện tích đất có hạn, trong khi dân số ngày một tăng dẫn đến các trường thiếu diện tích bình quân/HS. Mặc dù năm năm gần đây, bình quân mỗi năm TPHCM xây thêm 55 trường học, trong đó số trường công lập là 13 trường, nhưng dân số tăng bình quân 1 triệu người, vì vậy toàn bộ hệ thống trường lớp phải đi kèm để hỗ trợ lực lượng này. Hầu hết các trường tiểu học, cả những trường đã đạt chuẩn quốc gia khó mà đảm bảo được số lớp (vượt quá 30 lớp), sĩ số HS trên lớp (vượt quá 35 HS). Có trường, năm trước đạt chuẩn, năm sau phá chuẩn ngay...
Lãnh đạo ngành GD-ĐT TPHCM chia sẻ: Nếu căn cứ vào đội ngũ, trang thiết bị, chất lượng GD đều có thể đạt được chuẩn, nhưng nếu căn cứ theo điều kiện tiêu chuẩn (quy định số lớp/trường, số m2/HS ở các trường) thì TP sẽ không bao giờ đạt được, nhất là ở các trường nội thành. TPHCM cũng tiến hành kiểm định công nhận các trường đạt chuẩn, nhưng đa phần là ở ngoại thành. Con đường đến mục tiêu đến năm 2025 TPHCM có 20% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia quả là gian nan.
Không chỉ có TPHCM, Hà Nội cũng rơi vào cảnh đau đầu tương tự. So với năm 2008, đến năm học 2018 - 2019, toàn TP này tăng gần 1.000 trường đạt chuẩn quốc gia, tuy nhiên số tăng này phần nhiều trong nhóm ngoại thành. Còn ở không ít trường thuộc các quận nội thành như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa... không thể kiềm chế được tình trạng số HS tăng nhanh. Câu chuyện lớp tiểu học có 70 HS ở Hà Nội đã từng làm nóng dư luận vào kỳ đầu năm học. Thực tế những năm qua, vì vướng quỹ đất, vướng sĩ số, một số quận, huyện ở đô thị lớn đã phải xin giảm chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia.
Xây dựng trường chuẩn quốc gia là mong ước của GV, HS và phụ huynh. Những quy chuẩn về trường quốc gia là mục tiêu để các cơ sở phấn đấu, nỗ lực trong tiến trình nâng cao chất lượng, đó là điều cần thiết. Tại TPHCM, trong điều kiện áp lực HS tăng cao mỗi năm, TP một mặt nỗ lực đáp ứng đủ chỗ học cho HS trên địa bàn, mặt khác chủ trương tăng cường đầu tư.
Nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc mở rộng quy mô trường, đáp ứng chuẩn, thành phố cũng đã kiến nghị Trung ương cho phép xây trường cao tầng đối với những trường ở khu vực đông dân cư để đáp ứng số phòng học. Nhưng nhiều hiệu trưởng vẫn trăn trở với câu hỏi: Liệu một chuẩn chung về diện tích đất, “cào bằng” giữa các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM với nhiều địa phương khác? Trong một lần làm việc với Trung ương về thực hiện Nghị quyết 29, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM cũng day dứt: Nên chăng xem lại tiêu chí về đất đai, diện tích trong xây dựng trường chuẩn quốc gia ở thành phố?