Tìm ra nguyên nhân lũ quét tại bản Na Sá, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa

GD&TĐ - Các chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân gây lũ quét trên suối Son, khiến cho 12 người dân bị thiệt mạng, toàn bộ hơn 30 nóc nhà của dân bản Na Sá bị lũ cuốn trôi.

Bản Na Sá tan hoang sau lũ quét
Bản Na Sá tan hoang sau lũ quét

Lưu vực suối Son

Ngày 10/8, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản tiến hành điều tra, khảo sát thực tế tại suối Son, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Các chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân gây lũ quét trên suối Son, khiến cho 12 người dân bị thiệt mạng, toàn bộ hơn 30 nóc nhà của dân bản Na Sá bị lũ cuốn trôi. Đặc biệt, do địa hình,Na Sá luôn tiềm ẩn nguy cơ bị ảnh hưởng nặng khi khi xảy ra lũ quét trên suối Son.

Suối Son là một nhánh của sông Luồng (một chi lưu của sông Mã), được bắt nguồn từ Lào chảy vào Việt Nam trên địa phận xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Điểm cao nhất của lưu vực có độ cao 1722m và điểm thấp nhất của lưu vực suối có độ cao 281m. Độ dốc trung bình lưu vực khoảng 4,7%, dốc cao nhất là 20,7%.

Suối Son chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam với các thung lũng hẹp hai bên suối. Do ảnh hưởng của bão số 3, bắt đầu từ chiều ngày 1/8 trên địa bàn xã Na Mèo đã có mưa và kéo dài đến ngày 4/8. Tại trạm đo mưa tự động Na Mèo là 214,7mm - 440,3mm.

Lũ trên suối Son bắt đầu lên từ chiều ngày 2/8/2019, mực nước trên suối lên dần cao hơn mức nước bình thường khoảng 2,0-2,5m, đến 6h ngày 3/8 nước tràn vào nhà một số hộ dân ở gần suối, đến 6h30 thì nước suối rút rất nhanh (nước rút khoảng 2,0m trong 40 phút).

Đường vào Na Sá hiểm trở.
Đường vào Na Sá hiểm trở.

Đến 7h15 thì lũ lớn đột ngột đổ về mang theo cây to và đất đá tạo ra trận lũ quét qua bản Sa Ná gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân. Theo điều tra, khi đó mực nước đỉnh lũ cao hơn mức nước suối lúc bình thường khoảng 4m.

Lũ quét duy trì trong khoảng thời gian 15 phút, sau đó xuống nhanh. Tại vị trí điều tra, ngày 10/8 khi mức nước suối Son trở về mức bình thường của mùa mưa, đã đo được tốc độ dòng chảy trên suối Son là 3,6m/s.

Đâu là nguyên nhân?

Các chuyên gia chỉ ra rằng có 5 nguyên nhân gây ra lũ quét như sau:

Thứ nhất, do điều kiện địa hình của lưu vực suối Son. Suối Son có điều kiện địa hình thuận lợi cho việc gây lũ quét. Do độ dốc lưu vực lớn, thời gian tập trung nước nhanh; lòng suối co hẹp và mở rộng liên tục, qua một số khe đá tạo ra các nút thắt dễ gây nghẽn dòng tạo nên lũ quét nghẽn dòng (Hình 1 và 2 - phụ lục đính kèm).

Thứ hai, mưa lớn trong thời gian ngắn. Theo quan sát thực tế và phân tích ảnh mây vệ tinh, ra đa thời tiết thì lượng mưa ở phần thượng lưu suối Son trên đất Lào là rất lớn. Chỉ có lượng mưa rất lớn mới mang được những cây gỗ lớn có đường kính trên 1,5m, dài từ 15-20m từ các cánh rừng của Lào về Việt Nam.

Trên địa bàn bản Sa Ná nơi lũ quét qua còn rất nhiều cây gỗ Pơ Mu, Sa Mộc lớn còn mắc lại, những cây này đã khô. Theo điều tra những loại gỗ lớn, đặc hữu thế này chỉ còn ở các cánh rừng thuộc đất Lào và biên giới Việt Lào.

Dân bản Na Sá rất cần sự sẻ chia của những tấm lòng hảo tâm
Dân bản Na Sá rất cần sự sẻ chia của những tấm lòng hảo tâm 

Theo số liệu thực đo trên khu vực Na Mèo, mưa lớn tập trung từ 3h đến7h ngày 03/8, với tổng lượng mưa trong 5 giờ trên 200mm, cường độ tăng cao từ 06-07h (70,3mm/h).

Thứ ba, nghẽn dòng tại vị trí bản Son. Tại vị trí đầu bản Son cách bản Sa Ná về phía thượng lưu 1,9km (theo đường chim bay), theo hướng dòng chảy là 2,4km có một vị trí lòng suối thắt lại, độ rộng lòng suối 4m, độ sâu 6m (đây là độ rộng và độ sâu khi bị lũ phá ra). Khi chưa bị phá độ rộng lòng suối rất nhỏ. Vị trí mặt cắt nơi này hẹp, hai bên có hai khối đá rất lớn và chắc như thành đập.

Qua điều tra, vào khoảng 6h30 phút ngày 03/8/2019 lượng cây gỗ và đá trôi về rất nhiều đã gây nghẽn dòng suối tạo thành đập tạm (từ vị trí đập đến bản Sa Ná chênh cao 57m). Lượng cây và đất đá trôi về ngày càng nhiều, có những cây dài tới 15-17m, đường kính lên tới 2m nên làm nước dâng rất nhanh. Đến khoảng 06-07h ngày 3/8 thì đập tạm bị phá vỡ, tạo nên một đợt sóng lũ, tốc độ rất lớn mang theo cây to chảy về hạ lưu.

Thứ 4, do dòng chủ lưu chuyển hướng chảy thẳng vào bản Sa Ná. Tại vị trí bản Son hạ lưu điểm nghẽn dòng 320m mặt cắt ngang được mở rộng ra đến 85m.

Đoạn sông mở rộng này dài 1,1km đường chim bay (khoảng 1,4km chiều dài suối). Đến đây lòng suối thu hẹp lại chỉ còn rộng 20m (đoạn này dài 200m), đoạn suối nhỏ hẹp đã làm gia tăng tốc độ của dòng chảy, đồng thời làm cho dòng chủ lưu chuyển hướng, hướng thẳng vào bản Sa Ná, cùng lượng cây và đất đá mang theo.

Đây là nguyên nhân chính gây nên thiệt hại nặng nề tại bản Sa Ná. Nhận định này phù hợp với các video ghi nhận được khi dòng lũ mang cây cối đâm thẳng vào các ngôi nhà của bản.

Thứ 5, bản Sa Ná được xây dựng ven suối nơi thường xuyên bị ngập khi có lũ. Khu vực bị lũ quét ở bản Sa Ná và các công trình xây dựng như nhà trẻ và nhà văn hóa ở bản Son được xây dựng trên trên bãi bồi cao hay còn gọi là “Foodplain” của một con suối. Vào mùa lũ, bản Sa Ná thường xuyên bị ngập nước.

Những năm trước đây lũ lớn đã từng ngập vào các ngôi nhà trong bản nhưng không gây ra hậu quả nghiêm trọng do không phải là lũ quét và không mang theo các cây lớn như trận lũ này. Với vị trí hiện tại của bản Sa Ná luôn tiềm ẩn nguy cơ bị ảnh hưởng nặng khi khi xảy ra lũ quét trên suối Son.

Các chuyên gian thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phân tích mẫu địa chất cho thấy, ở đây đã từng xảy ra trận lũ quét lớn (tương đương hoặc lớn hơn trận lũ quét vừa xảy ra). Tuy nhiên thời điểm đã xảy ra lũ quét chưa thể xác định do cần thời gian phân tích mẫu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.