Quan Sơn (Thanh Hóa): Gian nan ngày tựu trường vùng lũ

GD&TĐ - Xã biên giới Na Mèo (Quan Sơn, Thanh Hóa) vừa trải qua trận lũ lịch sử, khó khăn chất chồng... nhưng các thầy, cô giáo Trường Tiểu học và Mầm non Na Mèo vẫn nỗ lực tổ chức thành công buổi tựu trường đón năm học mới 2019 - 2020.

Sau trận lũ dữ tại Quan Sơn (Thanh Hóa) cô giáo Vi Thị Chuyên cùng học trò điểm trường Cha Khót, xã Na Mèo dọn vệ sinh sân trường để đón năm học mới.	Ảnh: Thế Lượng
Sau trận lũ dữ tại Quan Sơn (Thanh Hóa) cô giáo Vi Thị Chuyên cùng học trò điểm trường Cha Khót, xã Na Mèo dọn vệ sinh sân trường để đón năm học mới. Ảnh: Thế Lượng

Băng rừng, lội suối tới điểm trường

Trong năm học mới này, nhà trường đón 408 học sinh. Riêng điểm trường chính có 141 học sinh, trong đó có 36 học sinh lớp 1 nhập học.

Theo thầy giáo Chung Trường Thành - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Mèo, tất cả các điểm lẻ của trường, gồm: Na Mèo, Cha Khót, Ché Lầu, Xộp Huối và Son - Sa Ná đều tổ chức đón học sinh tựu trường trong buổi sáng 19/8. Riêng điểm trường Son - Sa Ná, các em học sinh sẽ bắt đầu chương trình ôn tập kiến thức vào thứ 4 (ngày 21/8), sau khi 4 phòng học lắp ghép hoàn thành và đưa vào sử dụng.

“Trong thời gian từ ngày tựu trường đến lúc khai giảng năm học mới (ngày 5/9), các thầy, cô giáo sẽ tập trung ôn tập môn Toán và Tiếng Việt cho học sinh khối lớp 2 đến lớp 5. Riêng khối lớp 1, nhà trường sẽ tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số”, thầy Thành cho biết.

Dù không thiệt hại nặng nề như bản Sa Ná, nhưng bản Cha Khót, xã Na Mèo cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đợt mưa lũ vừa qua, khiến cô trò của điểm trường này vô cùng vất vả trong ngày tựu trường. Từ điểm trường chính (xã Na Mèo) đến bản Cha Khót chưa đầy 20km nhưng hai cô giáo Vi Thị Chuyên (Trưởng khu) và cô Hà Thị Hằng phải di chuyển bằng xe máy từ sáng tinh mơ, vì đường vào bản bị sạt lở rất nặng.

“Cha Khót là điểm trường xa xôi, hẻo lánh, đường đi lại khó khăn, nên việc hai giáo viên nữ phải vào cắm bản lại càng thêm vất vả. Dẫu biết rằng, nếu có giáo viên nam vào cắm bản thì đỡ nhọc nhằn hơn cho các cô giáo, nhưng hiện nay nhà trường đang thiếu giáo viên so với định biên của trường chuẩn quốc gia, nên Ban giám hiệu mới phải bố trí giáo viên nữ vào khu lẻ như vậy. Cũng may, phụ huynh học sinh ở các điểm trường lẻ đều quý mến thầy, cô nên sẵn sàng giúp đỡ anh chị em lên cắm bản”, thầy Hiệu trưởng chia sẻ.

Hiện tại, điểm trường Cha Khót có 25 học sinh được chia thành 2 lớp, gồm 1 lớp 2 trình độ (lớp 1 - 3) và 1 lớp 3 trình độ (lớp 2 - 4 và 5). Cắm chốt tại điểm trường Cha Khót có 2 cô giáo Chuyên và Hằng. Ngày 18/8, là ngày tựu trường nên hai cô giáo phải đến trường từ rất sớm, để đón học sinh và nhờ phụ huynh dọn dẹp phòng học, sân trường, nơi ở của giáo viên.

Còn cô giáo Lương Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Na Mèo, cho biết: Ngoài điểm trường chính ở trung tâm xã Na Mèo, nhà trường cũng có các điểm lẻ, gồm: Ché Lầu, Son - Sa Ná, Cha Khót, Bo Hiềng, trong đó Ché Lầu là điểm xa nhất. Nơi đây cũng đón nhận tình cảm của hai nữ giáo viên là cô Lữ Thị Nưng (xã Trung Thượng) và cô giáo Trương Hồng Quan (xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn) tình nguyện lên cắm bản.

Cô Lữ Thị Nưng tâm sự: “Nhà tôi cách điểm trường Ché Lầu gần trăm cây số. Vì thế, khi nhận nhiệm vụ cắm bản, tôi phải ở lại trường để đồng hành với các con. Hậu quả do trận lũ lịch sử gây ra, khiến con đường từ trung tâm xã Na Mèo lên Ché Lầu bị hư hỏng, sạt lở rất nặng, không thể đi xe máy được. Vì vậy, chúng tôi phải đi bộ gần 10km đường rừng, men theo lối tắt từ bản Sa Ná lên Ché Lầu để tổ chức ngày tựu trường cho các con”.

Công trình nhà lắp ghép điểm trường tiểu học tại bản Sa Ná đang hoàn thiện, đưa vào sử dụng
 Công trình nhà lắp ghép điểm trường tiểu học tại bản Sa Ná đang hoàn thiện, đưa vào sử dụng

Dốc sức cho ngày tựu trường

Ở điểm trường lẻ bản Son, xã Na Mèo, trước đây là nơi học tập của 71 học sinh bản Son và Sa Ná. Thế nhưng, trận lũ lịch sử đã xô sập cả hai điểm trường mầm non và tiểu học ở đây. Do đó, UBND huyện Quan Sơn đã quyết định xây dựng khẩn cấp 4 phòng học lắp ghép tại điểm trường mầm non bản Sa Ná, để đón học sinh tiểu học bản Son và Sa Ná kịp có phòng học mới trong ngày tựu trường theo đúng kế hoạch.

Ông Vũ Văn Đạt - Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, cho biết: “Công trình có vốn đầu tư gần 400 triệu đồng, với quy mô 4 phòng học được dựng bằng khung sắt, vách ngăn và lợp mái tôn. Sau khi dựng khung, vách, lợp xong mái tôn, các phòng học sẽ được trang bị hệ thống điện chiếu sáng, quạt mát cho học sinh yên tâm học tập. Hiện nay, nhà thầu khẩn trương thi công và hoàn thiện để bàn giao cho nhà trường trong thời gian sớm nhất.

Sau khi các phòng học được đưa vào sử dụng, nhà trường sẽ đưa bàn ghế, sách vở, đồ dùng học tập do các nhà hảo tâm tài trợ vào phục vụ việc học tập của các em. Về lâu dài, hai điểm trường mới cho học sinh tiểu học và mầm non của khu Son - Sa Ná sẽ được huyện xây dựng kiên cố ở khu tái định cư thuộc đồi Pom Ngồ, bản Sa Ná, cách điểm trường cũ khoảng 1km. Dự kiến, chậm nhất ngày 20/8, công trình 4 phòng học lắp ghép sẽ được nhà thầu bàn giao cho Trường Tiểu học Na Mèo đón học sinh đến lớp”.

Theo ghi nhận của Báo GD&TĐ, mặc dù hệ thống giao thông vào bản Sa Ná còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng huyện Quan Sơn đã nỗ lực hết mình để tạo điều kiện tốt nhất cho việc vận chuyển trang thiết bị, vật liệu vào xây dựng phòng học cho học sinh. Ngoài việc dựng 4 phòng học lắp ghép, huyện Quan Sơn cũng sẽ sửa chữa 4 phòng học mầm non tại khu Sa Ná để đón 54 cháu của hai bản Son và Sa Ná vào học tạm trong thời gian chờ xây dựng trường mới.

Năm học mới 2019 - 2020 đang cận kề, sự quan tâm kịp thời của các cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà hảo tâm là hết sức cần thiết, để thầy và trò nhà trường vững tin bước vào năm học mới; giúp các em học sinh nơi vùng cao biên giới có thêm động lực phấn đấu vươn lên vì một tương lai tươi sáng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ