Gian nan một trường dân tộc bán trú xã nghèo

Gian nan một trường dân tộc bán trú xã nghèo

(GD&TĐ) - Đứng trước ngôi trường mới xây vẫn còn phảng phất mùi sơn mới, thầy Phạm Văn Dũng, Hiệu phó Trường  PTDTBT THCS Sơn Thủy (Quan Sơn, Thanh Hóa) tâm sự, năm học mới này các em sẽ được học ở trường mới, cả thầy cô và học trò đều vui lắm.

Căn phòng nhỏ trong khu bán trú của 15 học sinh Trường PTDTBT THCS Sơn Thủy
Căn phòng nhỏ trong khu bán trú của 15 học sinh Trường PTDTBT THCS Sơn Thủy

Thế nhưng, do điều kiện khó khăn của xã nên việc mua sắm bàn ghế, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học vẫn chưa thực hiện được. Trong khi đó, những bàn ghế và trang thiết bị cũ đã xuống cấp, lại không đủ để phục vụ cho các em học sinh học tập. Toàn trường có 183 học sinh, phải cần gần 100 bộ bàn ghế mới đủ để các em học tập. Thế nhưng, chỉ có 40 bộ bàn ghế cũ, vì vậy, học chính khóa nhà trường phải bố trí chia lớp ra, học 2 buổi mới đủ được. Trường cũng còn nhiều em học sinh yếu kém, cần phải phụ đạo thêm cho các em, vấn đề phòng học và thời gian học cũng là khó khăn với thầy trò nơi đây.

Ông Hà Văn Tân, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Thủy cho biết, toàn xã có 12 bản, thế nhưng chỉ có một trường THCS là Trường PTDTBT THCS Sơn Thủy. Vì vậy, các em học sinh ở đây phải đi học rất xa. Có em từ nhà đến trường cách xa hơn 20 km. Vậy mà, cuối tuần các em vẫn đi bộ về thăm nhà rồi đầu tuần lại đi đến trường. Có em còn mang theo cả gạo, thức ăn mà bố mẹ chuẩn bị sẵn cho tuần tiếp theo.

Một em học sinh cho biết, nhà em ở bản Xía Nọi, cách trường 24 km - một trong những bản xa nhất của xã Sơn Thủy - mỗi lần về thăm nhà em phải đi bộ mất 1 ngày. Xa xôi là vậy nhưng chúng em đi quen rồi, các bạn gần nhà nhau thì rủ nhau cùng đi nên cũng thấy vui.

Học sinh Trường PTDTBT THCS Sơn Thủy chủ yếu xa nhà, nên thường các em phải ở trọ lại. Tuy nhiên chỉ có 63 học sinh được ở khu bán trú nhà trường, còn lại các em phải ở trọ nhà dân. Khu bán trú có 4 phòng với tổng diện tích chỉ 60m2, được dựng lên từ những mảnh gỗ ghép lại, vẫn còn những khe hở rộng. Mái nhà được lợp bằng những tấm gỗ nhỏ đã mục nát. Đang mùa mưa bão, căn nhà ấy như trở nên chênh vênh hơn.

Cách khu nhà ở khoảng 200m là bếp nấu ăn của các em học sinh. Nếu không tận mắt nhìn các em nấu cơm hẳn chúng tôi không thể tin được túp lều lá xiêu vẹo đó lại là nơi 63 học sinh nấu ăn hàng ngày. Bếp chỉ khoảng hơn 10m2, nên các em phải thay phiên nhau để nấu.

Thầy Dũng nói: Khu nhà bán trú đó được chính quyền xã và dân đóng góp dựng lên từ hơn 10 năm nay. Mưa là dột tứ phía. Thầy cô giáo ở trường phải mua bạt đóng trần để mưa đỡ dột, nhưng cũng chỉ tránh được mưa nhỏ, những hôm mưa to các em lại phải chạy lên phòng học trú tạm. Là trường PTDTBT nhưng nhà trường vẫn chưa nhận được kinh phí để xây khu bán trú cho các em. Vì vậy, các em vẫn phải ở và sinh hoạt trong khu nhà cũ. 

Thương lắm cảnh sống vất vả của các em, thế nhưng các thầy cô ở đây cũng không thể giúp được nhiều. Bởi, cuộc sống của thầy cô nơi đây cũng còn nhiều khó khăn, dân trong xã lại nghèo cũng không thể đóng góp được. Nhà trường đã làm tờ trình lên UBND huyện Quan Sơn, mong các cấp chính quyền quan tâm để hành trình tìm chữ, gieo chữ của thầy trò Sơn Thủy bớt vất vả.

Nguyễn Quỳnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.