Gian nan lối về của cổ vật

GD&TĐ - Sự kiện cặp đôn gốm cây mai hồi hương về đến sân bay Tân Sơn Nhất thì bị tịch thu, khiến giới sưu tầm ngán ngẩm.

Thông tin cặp đôn gốm cây mai trên trang web của nhà đấu giá Asium (Paris – Pháp).
Thông tin cặp đôn gốm cây mai trên trang web của nhà đấu giá Asium (Paris – Pháp).

Trong khi Nhà nước khuyến khích hồi hương cổ vật thuộc văn hóa Việt Nam thì vẫn còn những rào cản mang tính quy định rất rõ ràng – ngăn cản cổ vật trở về Việt Nam.

Hai kết luận “đá” nhau

Mới đây, Hội đồng xét xử phiên phúc thẩm Tòa án cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên hủy bản án sơ thẩm vụ cặp đôn gốm cây mai. Đây là một sự vụ được đánh giá là phức tạp, khi nhập nhằng giữa hai khái niệm “hàng tiêu dùng đã qua sử dụng” và “đồ giả cổ”.

Theo đơn kiện của ông Phạm Hoàng Việt (Phường 8, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh), ông mua cặp đôn gốm cây mai (thuộc dòng gốm Sài Gòn xưa - từ thế kỷ 19) của nhà đấu giá Asium (Paris – Pháp). Giá rao bán cặp đôn này trên trang web là 1.500 - 2.000 euro.

Vì muốn lưu giữ những hiện vật văn hóa của đất nước, tháng 6/2018 ông mua và nhờ người chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 13/8/2018, khi hàng chuyển về đến sân bay Tân Sơn Nhất, Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh không cho thông quan do “hàng tiêu dùng đã qua sử dụng, cấm nhập khẩu”.

Tháng 8/2018, kết quả trưng cầu giám định của Phòng kiểm tra Văn hóa phẩm xuất nhập khẩu (Sở Văn hóa - Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh) xác định “cặp đôn bằng gốm men nhiều màu, kiểu gốm Sài Gòn xưa dùng để trang trí, đồ giả cổ, mô phỏng một ngôi miếu, có thể hiện hình người và tượng thần hộ pháp là hàng hóa được phép nhập khẩu, không vi phạm Nghị định 32/2012/NĐ-CP…”.

Vài tuần sau, Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh lại có công văn yêu cầu trưng cầu giám định lần 2 tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3. Theo kết luận của trung tâm này: “…hàng đã qua sử dụng, thuộc phụ lục danh mục hàng tiêu dùng, thiết bị y tế, phương tiện đã qua sử dụng cấm nhập khẩu được ban hành kèm theo Thông tư số 12/TT-BCT…”.

Sau đó, Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh ra quyết định tạm giữ hai chiếc đôn. Ông Việt khởi kiện Chi cục trưởng Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh, yêu cầu TAND Thành phố Hồ Chí Minh hủy bỏ các quyết định tạm giữ tài liệu, tang vật; quyết định tịch thu tang vật và yêu cầu cho thông quan cặp đôn gốm.

Tháng 6/2020, các yêu cầu của ông Việt bị toà bác bỏ, bởi căn cứ vào kết quả giám định của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, cặp đôn ông Việt nhập khẩu là “hàng đã qua sử dụng thuộc danh mục cấm”.

Tại phiên phúc thẩm ngày 14/3/2021, các bên vẫn giữ nguyên quan điểm. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, HĐXX đã chấp nhận đơn kháng cáo của ông Việt, tuyên hủy bản án sơ thẩm, giao cho tòa sơ thẩm giải quyết lại.

Hội đồng đưa ra ba lý do, trong đó có việc tòa sơ thẩm chưa giải quyết rốt ráo sự mâu thuẫn dẫn đến trái ngược của hai bản giám định hiện vật. Đồng thời cần trưng cầu giám định ở cơ quan giám định cấp cao hơn.

Cặp đôn gốm cây mai có đến 2 kết luận khác nhau.
Cặp đôn gốm cây mai có đến 2 kết luận khác nhau.

Gian nan chưa hồi kết

“Ở Việt Nam, hoàn cảnh lịch sử đã khiến các cổ vật bị thất tán, theo các nhân vật lịch sử hoặc theo con đường chảy máu cổ vật. Việc xây dựng chiến lược quốc gia nhằm đưa trở lại những di sản văn hóa vật thể về Tổ quốc là vấn đề cấp bách.
Việc đó không chỉ có ý nghĩa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, mà còn khẳng định chủ quyền quốc gia, niềm tự hào dân tộc và nền tảng để phát triển kinh tế, xã hội, du lịch”. TS Phạm Quốc Quân Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia

Mặc dù sự việc chưa ngã ngũ, nhưng giới sưu tập cổ vật đã ngán ngẩm bởi những rào cản mang tính quy định rất rõ ràng – ngăn cản cổ vật trở về Việt Nam, trong khi chủ trương của Nhà nước khuyến khích hồi hương cổ vật.

Nhà nghiên cứu văn hóa cổ vật Trần Đình Sơn cho rằng, cặp đôn gốm cây mai bị xem là đồ dùng thông thường đã qua sử dụng. Cũng có thể nó chưa phải là đồ cổ, nhưng ai cũng có thể nhận ra đây là đồ mỹ nghệ, có giá trị văn hóa.

Theo TS Đinh Bá Hòa - Hội Khảo cổ học Việt Nam, cho dù cặp đôn có là đồ “giả cổ” thì vẫn là sản phẩm văn hóa. Đã là sản phẩm văn hóa thì phải được trân trọng, đối xử tử tế, công bằng. Không thể cứ cho là đồ đã qua sử dụng là tịch thu.

Gốm cây mai là dòng gốm Sài Gòn xưa, nổi lên như một hiện tượng của vùng Sài Gòn - Chợ Lớn vào đầu thế kỉ 19. Đây là dòng gốm thiên về mỹ thuật do nghệ nhân người Hoa ở Chợ Lớn chế tác.

Gốm cây mai có hai dòng phổ biến: Gia dụng (lu, hũ, chậu, nồi, bát, đĩa, ấm...) và mỹ thuật (đôn, tranh tượng thờ, linh vật, lư hương, bài vị...).

“Ban đầu, khi ngành văn hóa giám định, xác định không phải cổ vật thì phải trả lại. Nếu là cổ vật, mua hợp pháp thì cũng phải trả lại. Điều này nằm trong chủ trương của Nhà nước – khuyến khích đưa cổ vật thuộc văn hóa Việt Nam trở về”, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn khẳng định.

Tuy nhiên, như đã nêu ở trên thì sự nhập nhằng giữa hai khái niệm và “độ vênh” giữa hai bản giám định đã khiến việc hồi hương của cặp đôn gốm cây mai trở nên gian nan chưa hồi kết.

Hồi hương cổ vật bằng cách nào là câu hỏi rất khó trả lời. TS Phạm Quốc Quân - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, từng khẳng định “Đấu giá trực tiếp hay trực tuyến, vẫn là phương cách hữu hiệu và đơn giản nhất để hồi hương cổ vật… Hồi hương cổ vật bằng hình thức mua đấu giá vẫn là thông lệ quốc tế, là một trong những con đường ngắn nhất để di sản trở về với quê hương”.

Tuy nhiên lật lại vấn đề, cặp đôn gốm được ông Phạm Hoàng Việt mua của nhà đấu giá Asium (Paris – Pháp), nhưng đến sân bay thì bị tịch thu. Điều này đặt ra những băn khoăn lẫn hoài nghi trong công tác hồi hương cổ vật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ