Chông gai hành trình hồi hương cổ vật

GD&TĐ - Các bảo tàng lớn thường trưng bày cổ vật của quốc gia khác dù không thể chứng minh chúng bị cướp phá hay đánh cắp bất hợp pháp trong lịch sử.

Phòng trưng bày tại Bảo tàng châu Phi, Bỉ.
Phòng trưng bày tại Bảo tàng châu Phi, Bỉ.

Điều này dẫn đến nhu cầu thành lập các tổ chức hồi hương cổ vật bị đánh cắp. Không ít quốc gia từng yêu cầu các bảo tàng trao trả cổ vật nhưng bất thành.

Hy Lạp

Bức phù điêu trang trí đền Parthenon, thủ đô Athens, Hy Lạp.
Bức phù điêu trang trí đền Parthenon, thủ đô Athens, Hy Lạp.

Bảo tàng Anh dành vị trí tương đối lớn để trưng bày bức phù điêu từng được dùng để trang trí đền Parthenon, thủ đô Athens, Hy Lạp. Trong một thời gian dài, Hy Lạp muốn lấy lại bức phù điêu nhưng Anh tiếp tục nói không.

Theo National Geographic, năm 1803, bá tước Thomas Bruce, sứ giả của Anh tại Đế chế Ottoman từng muốn phá hủy đền Parthenon và các kiến trúc khác tại Hy Lạp. Thời điểm đó, ông nhận được sự đồng ý của các nhà cai trị Ottoman tại Athens.

Sau cuộc phá hủy, Thomas Bruce mang các mảnh còn sót lại của bức phù điêu về London, Anh và đặt trong Bảo tàng Anh vào năm 1832. Cùng năm đó, Hy Lạp giành được độc lập và cố gắng lấy lại bức phù điêu nhưng bất thành.

Tháng 6/2020, Bảo tàng New Acropolis, Hy Lạp, cho biết việc Bảo tàng Anh lưu giữ các cổ vật của Hy Lạp là bất hợp pháp, trái với nguyên tắc đạo đức. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhận xét cổ vật đã được Thomas Bruce “giải cứu” nên việc đặt chúng ở quốc gia này là “hoàn toàn đúng đắn”.

Congo

Năm 2018, hãng Marvel đã thành công với bộ phim điện ảnh Chiến binh báo đen (Black Panther), chứa đựng thông điệp giàu giá trị nhân văn về chủng tộc và sự bình đẳng của con người. Trong phim, nhân vật phản diện Killmonger do nam diễn viên Michael B. Jordan thủ vai, tiết lộ các bảo tàng tại Anh sở hữu nhiều hiện vật của châu Phi. So với thực tế, điều này là đúng với Bỉ.

Năm 2018, sau 5 năm tu sửa, Bảo tàng châu Phi tại Bỉ đã mở cửa trở lại. Quốc gia này đã tốn nhiều năm và khoảng 75 triệu USD để tu sửa bảo tàng, nơi lưu giữ các vật phẩm được lấy từ Congo trong thời gian Bỉ chiếm đóng. The New York Times đánh giá phần lớn trong số hơn 120.000 vật trưng bày tại bảo tàng được Bỉ lấy từ Congo trong suốt 80 năm xây dựng chủ nghĩa thực dân.

Hiện vật đại diện cho quá khứ thảm khốc của Congo. Hàng triệu người dân quốc gia này đã chết vì bị vắt kiệt sức trong các khu công nghiệp của Bỉ. Ngoài ra, Vua Leopold II của Bỉ đã “trưng bày” 267 người Congo tại Tervuren, nơi đặt Bảo tàng châu Phi trong một hội chợ quốc tế.

Sau khi thông tin này được công bố, các cuộc biểu tình đã diễn ra nhằm phản đối việc trưng bày các vật phẩm bị cướp bóc từ Congo. Nhóm cũng yêu cầu lập đài tưởng niệm 7 người Congo qua đời năm 1897 sau khi bị đưa đến Bỉ làm “vật trưng bày”.

Sư tử Tsavo trưng bày tại Bảo tàng Field, Mỹ.
Sư tử Tsavo trưng bày tại Bảo tàng Field, Mỹ.

Kenya

Nằm trong bộ sưu tập các loài động vật có vú từ châu Phi trong Phòng trưng bày Rice, hai con sư tử ăn thịt người ở Tsavo là vật trưng bày nổi tiếng nhất Bảo tàng Field, bang Chicago, Mỹ. Tháng 3/1898, người Anh xây dựng cầu đường sắt bắc qua sông Tsavo, Kenya nhưng dự án phải “giậm chân” trong 9 tháng vì hai con sư tử đực không bờm rình rập để ăn thịt công nhân.

Nhóm công nhân đã cố gắng nhưng không thể xua đuổi sư tử, phải rời khỏi khu vực và hoãn việc xây cầu. Trung tá John Henry Patterson, người quản lý dự án đường sắt, đã tự giải quyết vấn đề bằng cách bắn chết hai con sư tử vào cuối năm 1898. Tuyến đường sắt được hoàn thành vài tháng sau đó.

Ông đã kể lại câu chuyện này trong cuốn sách “The Man-Eaters of Tsavo and Other East African Adventures”, (Tạm dịch: Những kẻ ăn thịt người ở Tsavo và Những cuộc phiêu lưu tại Đông Phi). Patterson cho biết, bầy sư tử đã cướp đi sinh mạng của 135 công nhân đường sắt và người bản địa châu Phi.

Patterson đã biến hai con sư tử thành thảm sàn. Đến năm 1925, ông bán chúng cho Bảo tàng Field trong một chuyến du lịch tới bang Chicago. Các nhân viên bảo tàng đã cố gắng phục dựng dáng vẻ ban đầu của những con sư tử và trưng bày trong tủ kính.

Năm 2007, Bảo tàng Quốc gia Kenya đã yêu cầu đưa những con sư tử này trở về quê hương, trưng bày trong cuộc triển lãm Lịch sử Kenya của bảo tàng. Tuy nhiên, chúng hiện vẫn được trưng bày tại Bảo tàng Field.

Năm 2008, nhóm các nhà khoa học của Field đã kiểm tra xương và lông của sư tử, cụ thể là mức độ collagen trong xương và chất sừng trong lông, để kiểm tra chúng ăn gì trước khi chết. Nghiên cứu cho thấy, những con sư tử đã ăn khoảng 35 người, ít hơn so với lời kể của Patterson.

Tuy nhiên, bí ẩn lớn nhất là tại sao chúng lại ăn thịt người? Sử dụng công nghệ hiện đại để nghiên cứu hộp sọ của sư tử, họ phát hiện rằng kiểu mài mòn trên răng của chúng giống với tình trạng của sư tử trong vườn thú chuyên ăn thức ăn mềm.

Hình chụp X-quang cũng tiết lộ hai con sư tử gặp vấn đề răng miệng nghiêm trọng, trong đó một con bị áp xe răng. Như vậy, nhiều khả năng hai con sư tử Tsavo ăn thịt người vì dễ bắt và  nhai hơn.

Chile

Tượng Hoa Hakananai’a được tìm thấy trên đảo Phục Sinh.
Tượng Hoa Hakananai’a được tìm thấy trên đảo Phục Sinh.

Đảo Phục Sinh nổi tiếng với hơn 1.000 pho tượng đá moai, trong đó tượng lớn nhất cao khoảng 21m, bằng đá rắn. Chúng có niên đại từ năm 1200 đến 1600, được lấy cảm hứng từ tổ tiên của người bản địa Rapa Nui. Vào Lễ Phục Sinh năm 1722 (ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng 4/1722), những nhà thám hiểm người Hà Lan đã đặt chân lên hòn đảo này và quyết định đặt tên cho nó là đảo Phục Sinh. Hiện nay, đảo thuộc lãnh thổ Chile.

Đảo Phục Sinh là một trong bốn hòn đảo nằm cách nhất với thế giới, trong đó đảo cách Chile lục địa khoảng 3.600 km về phía Tây. Hòn đảo này nổi tiếng sở hữu nền văn minh đã mất với hàng trăm pho tượng, nhiều bức xếp đều tăm tắp nhìn ra đại dương. Vào thời kỳ đỉnh cao trên đảo có khoảng 20.000 người thổ địa Rapa Nui nhưng chưa ai biết rõ lý do tại sao dân số của họ dần thu hẹp.

Năm 1869, Phó đô đốc người Anh Richard Powell đã đến đảo Phục Sinh, đào một bức tượng nặng bốn tấn và chở về qua tàu hải quân HMS Topaz. Ông đã tặng bức tượng cho Nữ hoàng Victoria nhưng bà đã tặng nó cho Bảo tàng Anh. Kể từ đó, bức tượng được trưng bày trong Bảo tàng Anh để người Anh và du khách thế giới có cơ hội chiêm ngưỡng tạo tác tại một trong những hòn đảo xa xôi nhất hành tinh.

Năm 2019, một phái đoàn từ Bảo tàng Anh đến đảo Phục Sinh nhằm thảo luận phương án bảo tồn hơn 1.000 bức tượng moai. Họ cũng được yêu cầu trả lại bức tượng nổi tiếng đã nằm trong phòng trưng bày Wellcome suốt 150 năm qua.

Carlos Edmunds, Chủ tịch Hội đồng Người cao tuổi Chile cho biết: “Đây không phải là tảng đá. Nó thể hiện tinh thần của tổ tiên, gần giống như một người ông với chúng tôi. Chúng tôi muốn đem nó trở về hòn đảo của mình”.

Bức tượng đang được trưng bày có tên là Hoa Hakananai’a. Trong văn hóa của người Rapa Nui, Hoa Hakananai’a là người chịu trách nhiệm bảo vệ các bộ tộc trên đảo và khuyến khích họ làm việc cùng nhau.

Giải thích rằng khu vực các bức tượng tại đảo Phục Sinh đang bị xói mòn, Bảo tàng Anh cho biết sẽ tiếp tục giữ bức tượng Hoa Hakananai’a. Trong khi đó, Thống đốc đảo Phục Sinh, Tarita Alarcon Tapu cho biết: “Xin hãy để bức tượng trở lại. Người dân Anh đang nắm giữ linh hồn của chúng tôi”.

Ai Cập

Viên kim cương Koh-i-Noor.
Viên kim cương Koh-i-Noor.

Năm 1912, nhà khảo cổ học người Đức, Ludwig Borchardt, đã phát hiện bức tượng bán thân của nữ hoàng Nefertiti, vợ của Pharaoh Akhenaten, cách thủ đô Cairo khoảng 275km về phía Nam. Bức tượng được đưa đến Đức một năm sau đó và được trưng bày tại Bảo tàng Neues.

Năm 2009, Hội đồng Cổ vật Tối cao Ai Cập (SCA) đã yêu cầu Quỹ Di sản Văn hóa Phổ, nơi điều hành Bảo tàng Neus, trả lại bức tượng Nefertiti nhưng Quỹ tuyên bố, bức tượng “đang và sẽ là đại sứ của Ai Cập tại Berlin”.

Ngoài ra, Ai Cập còn muốn “hồi hương” viên kim cương Koh-i-Noor (nghĩa là “núi ánh sáng” trong ngôn ngữ người Ba Tư) nổi tiếng thế giới, nằm trên Vương miện Hoàng gia Anh và được trưng bày tại London.

Koh-i-Noor có kích thước bằng một quả trứng gà nhỏ. Nó được tìm thấy dưới một dòng sông ở phía Đông Nam Ấn Độ. Trong lịch sử, nó từng là chiến lợi phẩm của các cuộc chinh phục.

Tượng bán thân của nữ hoàng Nefertit.
Tượng bán thân của nữ hoàng Nefertit.

Vào thế kỷ 19, Huân tước người Anh, Dalhousie, được phong làm Toàn quyền Ấn Độ. Ông đã gửi viên kim cương Koh-i-Noor về Anh làm quà tặng Nữ hoàng Victoria. Năm 1851, Nữ hoàng cho trưng bày viên kim cương trong Đại Triển lãm tại công viên Hyde.

Tuy nhiên, viên kim cương trông tương đối thô kệch nên Hoàng thân Albert, chồng Nữ hoàng Victoria, đã cho người tạo hình lại viên kim cương, loại bỏ tì vết để nó có hình oval dễ nhìn. Sau đó, viên kim cương được đặt trên mũ miện của Nữ hoàng Victoria, sau đó truyền lại cho những thành viên nữ tại hoàng gia và đang được cất giữ ở Tháp London.

Bên cạnh vẻ đẹp lộng lẫy, viên kim cương được cho là lời nguyền rủa với bất kỳ người đàn ông nào sở hữu nó. Tại Ấn Độ, Vua Sher Shah Suri từng sở hữu viên kim cương và chết cháy vì pháo nổ. Hay Shah Jahan,Vua của Đế quốc Mogul người từng lấy viên kim cương khỏi kho báu hoàng gia Ấn cũng bị con trai lật đổ.

Năm 2005, chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu Anh trả lại viên kim cương. Pakistan cũng tuyên bố là chủ sở hữu của viên đá quý này trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, chính phủ Anh từ chối lời yêu cầu của cả hai quốc gia vì cho rằng Koh-i-Noor không bị đánh cắp mà do Hoàng đế Ấn Độ, Punjabi, trao cho Vương quốc Anh thay lời cảm ơn giúp họ đánh bại người Sikh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ