Chơi cũng phải có tầm
Dương Phú Hiến là một nhà sưu tầm đầy bản lĩnh và trí tuệ. Tất nhiên, đó là trong lĩnh vực mà ông theo đuổi bấy lâu nay: Cổ vật. Sự theo đuổi của ông đối với cổ vật không đơn thuần chỉ là yêu thích hay đam mê. Ông gọi đó là “nghiệp”, một thứ duyên nợ vô hình nhưng gắn chặt vào ông trong mọi hoàn cảnh.
Dương Phú Hiến ít xuất hiện trên các diễn đàn của giới chơi cổ vật, nhưng mỗi lần ông cho ra mắt một bộ sưu tập thì dường như đều tạo nên một “cú sốc” nào đó. Đơn giản bởi những món đồ của ông đều thuộc hàng quý hiếm, có những món được cho là có một không hai trên thế giới mà bất cứ nhà sưu tập nào cũng hằng ao ước.
Ông nói rằng, đã không dính vào cổ vật thì thôi chứ đã dính tới cổ vật, đã “kết duyên” với nó thì người chơi cũng phải có tầm có hạng. Cha ông thường nói “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, nghĩa là quý cái tinh xảo, hiếm có chứ không quý cái có nhiều. Chơi cổ vật ngoài những nghĩa lý đơn thuần, thì làm sao phải tìm cho ra những thứ độc nhất vô nhị.
Chơi cổ vật, cũng có nghĩa là đem tinh túy văn hóa của đất nước quảng bá tới thế giới. Thông qua cổ vật, thế giới sẽ nhìn nhận đánh giá một đất nước về tầm mức văn minh, và sự phát triển của quá khứ cũng như hiện tại.
Bởi vậy, đến với cổ vật, nhà sưu tập Dương Phú Hiến luôn tâm đắc gắn lợi ích hình ảnh văn hóa đất nước, để làm sao cho người khác biết đến những tinh hoa trong quá khứ mà cha ông ta đã tạo dựng. Thậm chí để thế giới biết rằng, ở phương Đông có những bàn tay khéo léo không thua kém bất kỳ vùng đất nào.
Cha truyền con nối
Trước khi có kinh phí để bước vào con đường sưu tầm cổ vật, xuất phát là một sinh viên sử học nên Dương Phú Hiến đã có ý thức nghiên cứu về cổ vật.
Trong thời gian chiến tranh, ông tham gia vào nhiều trận chiến từ Bắc vào Nam, nơi nào đi qua ông cũng để ý đến các cổ vật đang được lưu trữ trong dân.
Ông ghi chép tỉ mỉ vào một cuốn sổ tay với hy vọng có ngày trở lại và mua được nó. Chính bởi lòng say mê cổ vật mà sau này khi trở lại, có khi ông được gia chủ tặng hoặc bán rẻ gần như cho.
Tuy nhiên cũng không ít người thấy ông quá ham mê mà bắt chẹt với giá cao hàng chục lần giá trị thực của cổ vật. Với sự đam mê đến mất ăn mất ngủ, dường như ông đều mua cho bằng được những món đồ ưng ý, chỉ trừ khi gia chủ không có ý định bán.
Xuất thân trong gia đình chơi cổ vật “cha truyền con nối” nên hiện vật mà ông Hiến sưu tập được rất khó tính bằng con số. Ông bảo rằng, nếu ướm thử thì đa số là đồ gốm sứ và tượng nhỏ, tổng cộng cũng khoảng trên 1 vạn hiện vật, do các cụ để lại từ ngày xưa.
Còn một số lượng cổ vật khổng lồ hơn thì do Dương Phú Hiến sưu tầm trong mấy chục năm qua. Số lượng ước tính tới 4 vạn hiện vật và chưa bao giờ được giám định, trừ khi theo yêu cầu từng đợt như dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và đưa đi triển lãm.
“Một số đợt Bảo tàng Lịch sử Việt Nam qua chọn để trưng bày cũng có giám định. Còn đồ Lý, Trần của gia đình thì họ cứ đến là lấy thôi chứ chẳng cần phải giám định gì, vì là đồ thật, đồ tốt cả”, ông Hiến cho biết.
Nhiều người trong giới chơi cổ vật thắc mắc, tiền ở đâu ra mà ông Hiến có thể sưu tầm được nhiều hiện vật quý giá như vậy? Thắc mắc này ông Hiến cũng nghe được từ lâu, nhưng những ai thân quen với ông đều biết việc sưu tập cổ vật của ông cũng chỉ thực sự mạnh mẽ khoảng 30 năm nay. Còn tiền dành cho thú chơi tốn kém này chính là việc ông phải bán đất.
“Có thời gian tôi sinh sống ở nước ngoài, dành dụm được đồng nào là tôi về nước mua đất trồng rừng. Khi mua thì rẻ thôi, nhưng khi bán thì rất có giá trị. Đam mê là một chuyện, còn nuôi dưỡng đam mê thì dứt khoát phải có tiền. Nếu không, sự đam mê mãi chỉ nằm trong mơ ước không thực hiện được”, nhà sưu tập Dương Phú Hiến chia sẻ.
Đổi sắn lấy cổ vật
Có những bí mật mà người khác không thể biết, đó là ông Hiến từng đổi những cổ vật mà bây giờ giá hàng triệu USD chỉ với 1 tạ sắn.
“Như những pho tượng điêu khắc. Tôi nghĩ rằng nó là vô giá nhưng ngày xưa đổi cho người Trung Quốc, họ đói mình cũng đói thì đổi chỉ thế thôi, hàng tạ sắn khô”, ông Hiến nói.
Giới chuyên gia cổ vật cho rằng, người chơi cổ vật hiện nay có 3 loại: Loại thứ nhất là thật sự say mê, được gia truyền từ đời nọ sang đời kia, chơi mang tính hệ thống, bài bản, khoa học. Loại thứ hai là những trí thức uyên thâm, không có nhiều điều kiện để sưu tầm nhưng rất am hiểu và rất có tâm.
Loại thứ ba đông nhất: Vừa giao lưu vừa buôn bán. Tuy nhiên, không nên đánh giá thấp, vì họ cũng góp phần xã hội hóa thú chơi cổ vật, họ có chân rết thu gom ở khắp mọi nơi. Nhưng nhiều khi, vì mưu sinh các món đồ của họ thật giả lẫn lộn, làm mất đi cái “thiêng”, cái “tín” của cổ vật Việt Nam với thế giới.
Ông Hiến không tự nhận mình là loại thứ nhất, nhưng ai cũng biết gia đình ông có bao nhiêu tiền chỉ dồn vào chơi cổ vật. “Các cụ nói là “nhất cận chi, nhì cận thủ”, tức là cái gì tay sờ mắt thấy mới là của mình, còn lại những cái ta nghĩ trong đầu thì chưa phải là của mình. Ông nội tôi dạy như vậy. Tất cả đồ của gia đình tôi đều giữ lại không bán, kể cả những mảnh vỡ”, ông Hiến cho hay.
Nhà sưu tầm Dương Phú Hiến cho rằng, mỗi cổ vật cũng giống như một cuốn sách, nếu cuốn sách ấy chỉ được một người đọc thì chỉ một người hiểu nhưng nếu được nhân ra thì nó sẽ giúp cho nhiều người được biết, được hiểu.
Đồng thời, trong thú chơi tao nhã lẫn tốn tiền này, ông Hiến cũng muốn cuộc sống của mình được hòa nhập cùng cộng đồng. Cho nên, để cổ vật đến với tất cả mọi người là điều rất cần thiết.
“Ai rồi cũng đến lúc phải chết, sinh thì có hạn, tử thì bất kỳ. Cho nên tôi muốn các con mình có ý thức giữ gìn những gì mà nhiều đời nay gia đình đã dày công sưu tầm, với điều kiện những thứ đó có phát huy được tác dụng với xã hội”, ông Hiến tâm sự.
Những quan niệm vì cộng đồng, vì một nền văn hóa cổ vật nên ông Hiến cũng như gia đình không ngần ngại khi đưa bộ sưu tập của mình cho các tổ chức, bảo tàng mượn để trưng bày. Điều đó đã góp phần làm giàu và dầy thêm vốn văn hóa vật thể mà cha ông ta đã tạo dựng từ nghìn đời nay.