Việc đi lại này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, thương tích cao. Không muốn con phải bỏ học, nhiều gia đình buộc phải “đi học cùng con” để tiết kiệm chi phí.
Chông chênh đường đến trường
Ngọc Hiển là một trong những địa phương của tỉnh Cà Mau hiện vẫn còn nhiều học sinh đi học bằng phương tiện đường thủy (đi đò hoặc gia đình có xuồng, vỏ máy tự đưa rước hàng ngày).
“Nhìn học sinh đi học bằng đò vừa tốn kém, vừa vất vả tôi thấy xót xa lắm. Mỗi ngày đi đò học 2 buổi tốn khoảng 50 - 60 nghìn đồng/em. Lúc nước ròng thì khó khăn lên, xuống, dễ té ngã. Còn vào những con nước lớn, chảy xiết thì nguy hiểm, nhiều em không biết bơi. Khó khăn hơn là đối với những gia đình có nhà xa trường, lại nằm ở khu vực ít dân cư, đò không đi ngang nhà. Để con em được đến trường, hàng ngày, tờ mờ sáng phụ huynh phải đưa con lội bộ vài cây số ra khu vực đường lớn đợi đò. Một số em phải di chuyển qua nhiều phương tiện mới đến được trường”, thầy Lý Văn Quỳ, giáo viên Trường Tiểu học 2 xã Đất Mũi, người có hơn 30 năm công tác tại huyện Ngọc Hiển bùi ngùi chia sẻ.
Trường Tiểu học 2 xã Viên An có hơn 500 học sinh, một nửa trong số đó đi học bằng đò. “Việc đi học bằng đò rất bất tiện cho học sinh. Vào những lúc con nước ròng, đò bị mắc cạn, lên xuống rất nguy hiểm, có lúc các em phải xắn quần lội sình mới lên được đến lớp.
Ở đây thường xuyên có tình trạng học sinh đến trường muộn, vắng học do trễ đò hoặc đò bị mắc cạn, nhất là tại các điểm trường lẻ”, cô Lục Thị Minh Ngọc, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Năm học này, Trường Tiểu học 2 xã Đất Mũi (một điểm chính, một điểm lẻ) có tổng số 350 học sinh, thế nhưng có khoảng 75 - 80% học sinh đi học bằng phương tiện thủy, chủ yếu bằng đò.
Nguyễn Trọng Nguyễn, học sinh lớp 3 của trường cho biết: “Từ nhà em đến trường phải mất 30 phút đi đò. Để kịp giờ học, em phải dậy từ lúc 5 giờ sáng để chuẩn bị. Nhiều hôm dậy trễ hoặc đò gặp sự cố giữa đường là em đến lớp muộn giờ, có hôm lên tới trường chưa kịp ăn sáng đã phải vào lớp, học được nửa buổi là thấy đói bụng, khó chịu lắm”.
Học cùng lớp, cũng đi học bằng đò như Trọng Nguyễn, Sơn Thị Tuyến kể chuyện: “Từ nhà em đi đò tới trường mất hơn 40 phút. Những hôm đi gặp trời mưa, sóng lớn em rất sợ đò chìm. Em luôn mong ước mình cũng được đi học bằng xe đạp như một số bạn gần trường”.
Bà Chem Mỹ Hiên, ấp Cái Xép (Đất Mũi, Ngọc Hiển) có một cháu nội học lớp 3 tại trường, hàng ngày cậu bé phải lên đò đi học. “Ở đây học sinh đi học rất khó khăn. Sông sâu, nước chảy xiết, cho cháu đi đò gia đình thấy rất bất an, nhất là trong mùa mưa bão, nhưng do không có lộ giao thông, nếu không đi đò thì tìm đâu ra phương tiện khác để cháu đi học?”, bà Hiên băn khoăn giải thích.
Bà Lê Thị Bạch Tuyết (ấp Khai Long, Đất Mũi) chia sẻ thêm: “Nhà chúng tôi ở xa trường, nhiều khi mới tờ mờ sáng đã thấy cháu phải thức dậy trong uể oải cũng thương lắm nhưng không thức sớm thì làm sao kịp đến trường đúng giờ quy định? Đi vỏ lãi đến trường, nhiều khi gặp trời mưa bất chợt không kịp mặc áo mưa hoặc quên đem theo áo mưa là ướt hết. Việc lưu thông trên sông nước rất nguy hiểm, nhưng nếu không cho cháu học thì chúng dốt, tội lắm!”.
Theo con, cháu đi học…
Trước cổng Trường Tiểu học 2 xã Đất Mũi (Ngọc Hiển) có vài quán kinh doanh dịch vụ ăn, uống có mắc võng cho khách nằm nghỉ ngơi. Những quán này, từ sáng đến chiều lúc nào cũng đông khách. Khách của quán chủ yếu là phụ huynh học sinh đưa, đón con đến trường.
Trên tay đang bồng cháu bé hơn 1 tuổi, chị Nguyễn Thị Vẹn (ấp Cái Mòi, xã Đất Mũi) cho biết, chị có ba đứa con đang theo học tại Trường Tiểu học 2 xã Đất Mũi. Từ nhà chị Vẹn tới trường phải đi xuồng máy hơn 30 phút. Nếu cho các con đi đò thì tốn kém, gia đình phải chi cho mỗi đứa khoảng 50 - 60 nghìn đồng/ngày. Vì thế chị Vẹn tự chở các con đi, để tiết kiệm chi phí.
“Do các con học 2 buổi nên sáng đưa, rồi ngồi đợi tới chiều con tan học rước về luôn, chứ mỗi buổi mỗi đưa, rước tốn kém thời gian, chi phí lắm”, chị Vẹn chia sẻ.
Cũng đang ngồi đợi đón cháu tan học, bà Mã Bé Em (ấp Cái Mòi, xã Đất Mũi) kể, có bốn đứa cháu đang học tại Trường Tiểu học 2 xã Đất Mũi. Cha mẹ chúng đi làm ăn xa, gửi cho ông bà chăm sóc. Hàng ngày, từ mờ sáng các cháu đi học thì bà cũng khăn gói đi theo. Khi nào cháu học về thì bà mới được về.
“Nhà xa, nếu chạy vô, chạy ra ngày bốn lần cực nhọc, tốn kém lắm, chẳng thà tôi ở đây đợi các cháu luôn. Ngày nào cũng tầm 16 – 17 giờ, năm bà cháu mới về tới nhà. Đúng là cháu đi học bà cũng theo đi học. Cực khổ, nhưng mình vẫn phải quyết tâm để cho các cháu được học hành, không để chúng dốt được”, bà Bé Em chia sẻ.
Giống như bà Mã Bé Em phải đi học cùng cháu, bà Trần Thị Nôi (ấp Cái Mòi, Đất Mũi) có một đứa cháu đang học lớp 3 và một cháu học lớp 1. Hàng ngày, ba bà cháu cùng xuống đò đến trường.
“Thấy cháu còn nhỏ đi sông nước, lên xuống tôi không yên tâm để các cháu tự đi nên đi theo chăm sóc. Sáng tôi thức dậy sớm để dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm mang theo cho ba bà cháu ăn buổi trưa cho đỡ tốn.
Sau đó, tôi ngồi ở cổng trường đợi đến chiều đón hai đứa về. Đi theo cháu cả ngày là xem như công việc ở nhà bỏ hết, không làm gì được, nhưng phải chịu thôi chứ không còn giải pháp nào. Nếu để chúng tự đi học một mình, có gì xảy ra mình hối hận không kịp”, bà Nôi tâm sự.
Mong muốn có một con đường...
Mặc dù các gia đình đã nỗ lực tìm giải pháp cho con, cháu đi học, thế nhưng, ở những khu vực không có đường giao thông nông thôn, phải đi bằng phương tiện thủy, học sinh có nguy cơ bỏ học rất cao. Lý do, phụ huynh phải đóng góp chi phí học tập cho con khá lớn, trong khi cuộc sống mưu sinh ngày càng khó khăn.
Chị Tô Thúy Kiều (ấp Khai Long, Đất Mũi) cho biết, nhà có ba đứa con trong độ tuổi đi học. Vợ chồng chị chỉ có thể cho hai đứa tiếp tục sự học, còn một đứa học đến lớp 5 thì cho nghỉ giữa chừng.
“Gia đình tôi rất khó khăn, không có đất đai phải ở nhờ trên đất người thân, nhà cửa tạm bợ. Nhà không có phương tiện chở con đi học nên phải quá giang người khác rồi chia tiền xăng, chứ không thể đi đò vì tiền đò rất tốn kém. Chồng tôi đi làm ở Bình Dương, còn tôi giờ theo con đi học, mất hết thời gian nên chẳng làm được việc gì ra tiền. Đành cố đến đâu hay đến đó, chỉ mong con biết chữ, chứ học cao thì không dám mơ ước tới”, chị Kiều nói.
Trở lại câu chuyện của chị Nguyễn Thị Vẹn ở ấp Cái Mồi (Đất Mũi). Chị Vẹn cho biết, dù đã tự lái xuồng máy đưa con đi học và ngồi đợi đến chiều đón con về, nhưng chi phí vẫn rất lớn. Mỗi ngày tiền xăng và ăn uống của bốn mẹ con ở trường hơn 200 nghìn đồng.
“Lúc trước tôi còn đi làm thuê, làm mướn, mò cua, bắt ốc kiếm thêm thu nhập, giờ đưa con đi học thì chuyên chú vào việc này, nhà chỉ còn một mình chồng đi làm. Bản thân tôi đã không biết chữ, thấy thua thiệt rất nhiều nên cũng muốn cho con đi học đến nơi đến chốn, nhưng hoàn cảnh khó khăn chỉ sợ không thể duy trì được lâu. Thôi thì bây giờ cứ cho con học, được tới đâu thì hay tới đó vậy”, chị Vẹn rơm rớm nước mắt nói.
Bà Trần Ngọc Huyền (ấp Cái Xép, Đất Mũi) nói rằng, cháu nào ham học, học giỏi thì mình động viên cho học tiếp. “Cháu nào muốn nghỉ thì cho nghỉ chứ điều kiện khó khăn quá. Chỉ mong Nhà nước sớm đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông đường bộ ở những nơi chưa có lộ giao thông nông thôn như khu vực dân cư này để người dân, học sinh đỡ vất vả. Chi phí đến trường giảm được thì các gia đình mới hy vọng con, cháu mình có thể học hành đến nơi đến chốn”, bà Huyền giãi bày.
Ở góc độ nhà trường, ngay từ đầu năm học, Trường Tiểu học 2 xã Đất Mũi tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, vận động những người chạy đò cố gắng đến những địa điểm xa, ít dân cư để đưa đón học sinh.
Đồng thời, trường vận động phụ huynh có vỏ máy hỗ trợ phụ huynh trên cùng tuyến đường, cho học sinh quá giang nhằm đảm bảo các em đều có phương tiện đến trường. Nhà trường cũng tranh thủ vận động các tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn về quần áo tập sách, đồ dùng học tập trong năm học mới.
“Về khoản chi phí tiền đò, đây là gánh nặng lớn đối với nhiều phụ huynh. Nhà trường và phụ huynh đều hy vọng Nhà nước sẽ sớm đầu tư, mở rộng hạ tầng giao thông đường bộ khu vực này để giảm số lượng học sinh phải đi đò.
Trong thời gian học sinh còn đi học bằng đò, trường cũng mong sẽ có tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ một phần chi phí tiền đò cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho các em được đến trường, không bỏ học giữa chừng”, thầy Lê Đức Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học 2 xã Đất Mũi bày tỏ mong muốn.
Nuôi ước mơ được học hết lớp 12, nhưng Lâm Huỳnh Chân, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học 2 xã Đất Mũi luôn canh cánh trong lòng nỗi sợ phải bỏ học giữa chừng do gia đình khó khăn, nhà xa, điều kiện đến trường không thuận lợi.