Nơi vùng sơn thủy cách trở này, tuy chưa đến nỗi khó khăn gian khổ như những vùng cao, nhưng việc đến trường của học sinh cũng không dễ dàng gì. Các thầy cô giáo cũng phải nỗ lực rất nhiều, ngay từ việc vận động học sinh bám trường, bám lớp...
Vượt khó bám trường, gieo chữ
Men theo con đường độc đạo uốn lượn bám theo triền núi nối giữa các xã trong vùng lòng hồ Cấm Sơn sau gần 2 giờ di chuyển từ trung tâm thị trấn Chũ chúng tôi mới đến Trường Tiểu học Sơn Hải. Do ảnh hưởng của mưa bão nên buổi sáng ở Sơn Hải trời mưa như trút. Các con đường dẫn đến 4 điểm trường lẻ ở thôn: Đấp, Cổ Vài, Cầu Sắt, Đồng Mậm và khu chính thôn Tam Chẽ nhiều đoạn lầy thụt, trơn trượt bởi sống trâu, ổ voi. Cô giáo Nguyễn Thị Thạo đón chúng tôi bằng cái bắt tay thật chặt, nụ cười thân thiện rồi giải thích do thời tiết mưa gió khiến sóng điện thoại chập chờn nên việc liên lạc với chúng tôi liên tục bị gián đoạn.
Cũng do đường sá xa xôi, cách trở nên đến năm học này, Trường Tiểu học Sơn Hải vẫn là nơi cuối cùng của huyện chưa kéo được cáp quang kết nối Internet. Để khắc phục, trường phải sử dụng mạng 3G, tuy nhiên chất lượng không tốt nên việc tiếp nhận văn bản vẫn có lúc gián đoạn. Những năm trước một số doanh nghiệp đến đây đo đạc để kéo mạng cho trường nhưng sau vì quá khó khăn nên họ không trở lại. Hiện nay, ở mỗi thôn đều có điểm trường lẻ nên số học sinh hằng ngày phải đi thuyền qua hồ đến trường không còn nhiều như trước. Một số tổ chức, doanh nghiệp còn tặng thuyền máy, áo phao, cặp phao cứu sinh giúp việc đi lại của giáo viên, học sinh cũng như người dân địa phương được thuận tiện, an toàn hơn. Tuy vậy, khó khăn vẫn hiện hữu trên con đường hằng ngày các em đến trường.
Năm học 2017 - 2018, Trường Tiểu học Sơn Hải có 328 học sinh, chủ yếu là dân tộc Nùng. Dù mưa lớn song qua nắm bắt nhanh ở các điểm lẻ, giáo viên vẫn lên lớp bình thường, học sinh ham học nên đến lớp đông đủ. Trường có 33 cán bộ, giáo viên, nhân viên nhưng chỉ có 5 đồng chí là người địa phương còn lại đều ở dưới xuôi hoặc các xã trung tâm lên công tác. Do cách xa hàng chục cây số nên những giáo viên dạy ở khu xa nhất cách trung tâm xã khoảng 15 km như Đồng Mậm phải đi - về theo tuần. Những thầy cô khác tuy nhà xa nhưng vẫn hằng ngày vượt đèo dốc, qua đò đến trường.
Chắp cánh bay cao những ước mơ
Không nơi nào việc dạy và học lại khó khăn như ở vùng hồ Cấm Sơn. Nhưng cũng trong gian khó ấy thắm tình thầy trò. Giáo viên không những hết lòng vì học trò mà còn thay cha mẹ chăm sóc, che chở, dạy bảo điều hay, lẽ phải để các em tự tin bước vào cuộc đời. Tại Trường Tiểu học Sơn Hải, có học sinh Vi Tuấn Khanh, lớp 4A ở điểm lẻ Cầu Sắt gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do mẹ bị liệt, nhà nghèo, đông con. Để em không bị dang dở ước mơ đến trường, hai năm qua các thầy giáo, cô giáo Trường Tiểu học Sơn Hải đã tự nguyện tiết kiệm một phần chi tiêu để chu cấp cho em số tiền 200.000 đồng/tháng và nhiều sách vở, quần áo.
Chúng tôi đến Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Sơn Hải khi trời gần về trưa. Những ngày đầu năm học, trường ổn định sĩ số các lớp, tập trung vệ sinh trường, lớp, khu nhà ở bán trú. Thầy giáo Diêm Công Quyền, Hiệu trưởng cho hay, năm 2014 nhà trường thành lập từ Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục vùng đặc biệt khó khăn. Từ đó, thay vì phải đi lại bằng xuồng trên sông nguy hiểm như những năm trước, học sinh ở các “ốc đảo” được sinh hoạt tại khu bán trú. Trường có nhân viên cấp dưỡng nấu ăn 3 bữa/ngày nên các em dành thời gian cho việc học, tham gia các hoạt động ngoại khóa. Những năm gần đây, trường xác định mục tiêu phát triển toàn diện nên bên cạnh duy trì chất lượng giáo dục văn hóa còn tổ chức sân chơi rèn kỹ năng sống, thể thao. Các câu lạc bộ cầu lông, bóng chuyền hơi, bóng bàn, cờ vua có sự tham gia cả thầy và trò hoạt động khá sôi nổi.
Bà Nguyễn Thị Sử, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lục Ngạn cho biết: 4 xã vùng lòng hồ gồm: Cấm Sơn, Hộ Đáp, Tân Sơn, Sơn Hải hiện có 13 trường mầm non, tiểu học, THCS với 16 điểm lẻ. 430 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 340 là giáo viên, chủ yếu là người miền xuôi hoặc các xã gần trung tâm lên dạy học. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên những năm gần đây cơ sở vật chất các trường học được đầu tư đã góp phần tạo sự chuyển biến về chất lượng giáo dục. Có 8 trường đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm đáng kể, đa số các em sau tốt nghiệp THCS tiếp tục học THPT và học nghề. Các thầy cô đã vượt lên trên tất cả khó khăn để bám lớp, bám trường.