Khơi dậy tinh hoa văn hóa Việt
Mới đây, kênh truyền hình CNN đã lần đầu tiên phát sóng bộ phim tài liệu “Destination Hanoi” - Điểm đến Hà Nội. Đáng chú ý, chương trình đã giới thiệu một buổi vấn đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu (Đạo Mẫu), bởi thanh đồng Nguyễn Đức Hiển. Đây là một tinh hoa trong những tinh hoa văn hóa - tín ngưỡng Đồng bằng Bắc Bộ nói riêng và của Việt Nam nói chung. Vì thế, nó đã gây được sự chú ý và những cảm xúc đặc biệt.
Bên cạnh những mặt được, những yếu tố tích cực thì không ít người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật cũng đã bày tỏ sự lo lắng. Đặc biệt là về những bất cập, xô bồ, lạm dụng những yếu tố kỳ quái, dị biệt. Nhiều người cho rằng, nếu cứ “phát huy di sản” theo cách đó thì cũng chính là sự tước bỏ giá trị đích thực của di sản; mà trên cơ sở đó UNESCO đã công nhận.
Biến tướng
Một trong những loại hình biểu diễn nghệ thuật đại chúng được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể, có thể kể đến Đờn ca tài tử Nam Bộ. Đây là loại hình nghệ thuật rộng rãi với con người sông nước miền Tây, tuy tuổi đời chưa dài nhưng sự lan tỏa của nó rất rộng rãi. Cũng chính từ hoạt động biểu diễn tài tử này đã hình thành lên nghệ thuật Cải lương.
Kể từ khi Đờn ca tài tử được UNESCO vinh danh, nó đã có sức sống mới, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, với tư cách là một sản phẩm văn hóa.
Nhưng cũng có thể lấy làm tiếc khi dần dà nó bị sân khấu hóa một cách “có ý thức” nhằm phục vụ khách du lịch. Về bản chất và khởi nguồn, Đờn ca tài tử là sự tự phát theo nhóm nhỏ, của những người dân bình dị thích ca nhạc (vừa đàn vừa hát). Họ tự nguyện đến với nhau mà không đòi hỏi bất cứ điều gì. Đam mê chung là sợi dây gắn kết duy nhất, và cũng chính từ sự đam mê “phi vật chất” ấy đã giúp cho nó tồn tại một cách tự nhiên trong đời sống cộng đồng.
Tới nay, hầu hết các tour du lịch đưa khách nước ngoài đến Đồng bằng sông Cửu Long đều được giới thiệu tiếp xúc với Đờn ca tài tử. Nhưng hầu hết các nhóm diễn này đều khá xuề xòa, không truyền cho người xem sự say mê bởi bản thân người thực hành văn hóa cũng không... say mê. Diễn như diễn khoán, như một cuộc làm công nhận thù lao trong khi đã nhận show. Chẳng lẽ Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại chỉ có thế thôi sao?
Những người sành văn hóa nói rằng, hôm nay, muốn thưởng thức Đờn ca tài tử thật sự thì phải vào các sóc, các làng, hay là theo một chiếc thuyền câu đêm trên các con rạch. Khi đó, vài ba người dân tay lấm chân bùn tụ tập lại, với cây đờn cò, đờn kìm tự diễn mà hát - người ta gọi đó là lối diễn tòng - có thể hiểu là tùy (tòng) tâm mà hát.
Hướng đi nào để bảo tồn
Một trong những lầm lạc lớn nhất chính là sự sân khấu hóa di sản phi vật thể, tách nó ra khỏi đời sống hồn hậu của cộng đồng. Có tiền để dàn dựng những chương trình biểu diễn cũng quý rồi, nhưng không hay, không bền; mà số tiền đó nếu dành cho việc chăm lo cho những nghệ nhân đã gần đất xa trời để họ truyền lại tinh túy cho cộng đồng còn quý hóa hơn. Giới văn hóa đánh giá những nghệ nhân ấy là “báu vật nhân văn”, vậy thì tại sao lại không chăm lo cho họ mà lại xây dựng những chương trình biểu diễn với muôn vàn ánh đèn màu xa lạ?
Lý do nữa, đó chính là tính thương mại trong hoạt động văn hóa - du lịch quá mạnh mẽ, lấn át cả sự hiểu biết văn hóa nguồn cội một cách buộc phải có. Khi văn hóa được coi là sản phẩm du lịch thì bên cạnh doanh thu cũng lại là sự mất mát. Kinh doanh văn hóa trong du lịch là cần, nhưng trước hết phải đúng, nếu không thì sự nhàm chán, mai một là điều đã được báo trước.