Vậy ở những quốc gia có quy trình nghiêm ngặt hơn, việc lấy bằng lái khó khăn thế nào?
Ngặt nghèo
Việc trải qua các bài sát hạch lái xe dường như đều để lại ấn tượng mạnh và ai cũng ghi nhớ nó, xem như một thành công đáng kể trong đời.
Ở một số quốc gia, bằng lái xe là kết quả của quá trình nỗ lực đáng kể của các thí sinh khi tỷ lệ đỗ trong mỗi đợt sát hạch có khi chưa tới 50%.
|
Trong những năm gần đây, tỷ lệ đỗ (P) luôn cao hơn trượt (L) trong các cuộc sát hạch bằng lái ở Anh. |
Theo Worldatlas, trang mạng chuyên thống kê, việc thi bằng lái ở châu Âu khó hơn rất nhiều so với Mỹ. Trong số các quốc gia châu Âu, Anh được cho là một trong những nơi khó lấy bằng nhất.
Về cơ bản, để có bằng lái xe ở Anh cần trải qua 3 giai đoạn. Đầu tiên, người thi phải có giấy phép lái xe tạm thời, giấy phép này được cấp cho công dân Anh; trên 17 tuổi nếu thi bằng ô tô và trên 16 tuổi nếu thi bằng xe máy; vượt qua bài kiểm tra về mắt; có hộ chiếu Anh hợp lệ và sau khi trả mức phí 34 Bảng (khoảng 1 triệu đồng).
Sau đó, các thí sinh sẽ trải qua các bài kiểm tra về lý thuyết lái xe, bài thi trắc nghiệm và đánh giá rủi ro trên đường. Cuối cùng sẽ là bài kiểm tra lái xe thực tế, nếu vượt qua được thì sẽ được cấp bằng.
Ra đời từ năm 1935 với mục tiêu giảm thiểu số thương vong do tai nạn giao thông. Đến nay, bằng lái và quá trình thi sát hạch ở Anh đã trả qua nhiều thay đổi, tiến bộ dần theo nhu cầu của thực tế.
Thi lý thuyết để lấy bằng ở Anh gồm 2 phần, đầu tiên là trắc nghiệm 50 câu, cần trả lời đúng ít nhất 43/50 và sau đó là bài kiểm tra phản xạ, phát hiện mối nguy từ 14 video, tổng điểm cho phần này là 75 và thí sinh cần ít nhất 44 điểm để vượt qua.
Với phần thi thực hành, đầu tiên thí sinh phải vượt qua được bài kiểm tra thị lực, trả lời câu hỏi vấn đáp với giám khảo trước khi bước vào phần lái xe. Bài thi lái xe thường kéo dài trong 40 phút, trong đó có nhiều thao tác hỗn hợp và độc lập.
Gần đây, phần thi lái xe của Anh mới được bổ sung thêm bài lùi xe ra khỏi chỗ đậu dọc và khả năng sử dụng bản đồ ảo. Theo tờ The Week của Anh, trung bình, sau hàng loạt quá trình trên, chỉ có 46% số người tham gia thi sát hạch được cấp bằng.
Mất trăm triệu, học trăm lần vẫn trượt
Bên cạnh các bài thi khó, việc không giới hạn số lần thi khiến nước Anh có nhiều thí sinh vô cùng kiên nhẫn khi lấy bằng lái.
|
Arthur Ries, ngồi nhìn kết quả sau khi thi trượt lái xe lần thứ 17 ở Anh năm 1966. |
“Nếu chưa thành công, hãy thử lại”, quan điểm này luôn được khuyến khích, tuy nhiên với nhiều người, bỏ cuộc sẽ tốt hơn là tiếp tục, nhất là với những người muốn lấy bằng lái ở quốc gia có bài sát hạch ngặt nghèo như Anh. Janine Mars, 34 tuổi, được cho là tài xế tệ nhất nước Anh là một trường hợp như vậy.
Người phụ nữ này phải học lại lý thuyết đến 250 lần nhưng vẫn không có bằng lái. Quá trình thi bằng của Janine kéo dài trong 14 năm, tiêu tốn đến 5.000 Bảng Anh (khoảng 150 triệu đồng) với 4 bài thi thực hành và 250 lần học lý thuyết.
Mặc dù có số lần học lại lý thuyết cực nhiều nhưng số lần thi trượt thực hành của Janine vẫn chưa là gì so với người đàn ông giấu tên đến từ Stoke-on-Trent, trượt liên tục 36 lần thi và chỉ có bằng sau khi kết thúc kỳ thi thứ 37.
Bên cạnh đó, một phụ nữ đến từ Southwark cũng trượt lý thuyết đến 110 lần hay có người đàn ông ở Peterborough cũng trượt lý thuyết đến 86 lần.
Theo thống kê của cơ quan sát hạch bằng lái Anh, dường như giới tính liên quan đến tỷ lệ vượt qua các bài thi. Trong số 20 người liên tục trượt lý thuyết có 15 đàn ông và 5 phụ nữ. Tuy nhiên, tỷ lệ này thay đổi hoàn toàn với bài thi thực hành, nếu có 20 người trượt thì có tới 14 là phụ nữ.
Tuy nhiên, các nghiên cứu cho rằng, tuổi tác và giới tính không ảnh hưởng quá nhiều đến khả năng lái xe. Điều quan trọng là nỗi sợ lái xe và khả năng tư duy không gian.
Có những người có học vấn cao nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc lái xe. Albert Einstein chưa bao giờ học lái xe và cho rằng việc này quá phức tạp hay một chuyên gia toán học của Đại học Edinburgh vẫn không thể vượt qua các bài kiểm tra lái xe và bị điều này ám ảnh.
Chính vì vậy, ở một số quốc gia như Áo, kiểm tra tâm lý là một phần trong quá trình sát hạch cấp bằng lái xe.