Gian lận thi ở Sơn La: 6 bị can đối diện khung hình phạt đến 10 năm tù

Ông Trần Xuân Yến và 5 bị can khác bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điểm b, khoản 2 Điều 356 BLHS.

Gian lận thi ở Sơn La: 6 bị can đối diện khung hình phạt đến 10 năm tù

Viện KSND tỉnh Sơn La đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án gian lận thi, trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 sang Tòa án nhân dân tỉnh chờ xét xử.

6 bị can bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điểm b, khoản 2 Điều 356 BLHS, với khung hình phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.

Đó là: Trần Xuân Yến - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La; Nguyễn Thị Hồng Nga - chuyên viên phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục; Lò Văn Huynh - Trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục; Đặng Hữu Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu; Cầm Thị Bun Sọn - Phó trưởng phòng chính trị- tư tưởng Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh; Đinh Hải Sơn- Cựu cán bộ phòng bảo vệ chính trị nội bộ, Công an tỉnh.

2 bị can: Nguyễn Thanh Nhàn- Phó trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục và Đỗ Khắc Hưng - cựu cán bộ phòng bảo vệ chính trị nội bộ, Công an tỉnh bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo khoản 1 Điều 356 BLHS. Khung hình phạt mà các bị can này đối diện là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

vu gian lan thi o son la: 6 bi can doi dien khung hinh phat den 10 nam tu hinh 1
Ông Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở Giáo Dục - Đào Tạo tỉnh Sơn La (áo trắng) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.” (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Theo cáo trạng, nhân vật quan trọng nhất trong vụ án này là ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Sơn La.

Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, ông Yến được phân công là ủy viên Ban chỉ đạo thi của tỉnh, Phó chủ tịch Hội đồng thi, Trưởng Ban vận chuyển và bàn giao đề thi, Phó trưởng ban thường trực Ban coi thi, Phó trưởng ban thường trực Ban chấm thi, Tổ trưởng Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm.

Trong vụ án gian lận thi cử, bị can Trần Xuân Yến đã nhận sửa giúp bài thi để nâng điểm cho 13 thí sinh. Đây là những trường hợp do cấp trên, do đồng nghiệp, người quen nhờ vả.

Cụ thể, ngày 28/6/2018 ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, gọi Trần Xuân Yến đến phòng làm việc của ông Đức. Tại đây, ông Đức đưa choYến hai tờ giấy ghi thông tin cá nhân của 8 thí sinh nhờ nâng điểm.

Cùng ngày 28/6, ông Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng Phòng giáo dục trung học của Sở cũng đến gặp Yến tại phòng làm việc, đưa thông tin của 4 thí sinh để nhờ nâng điểm. Trong số này có hai trường hợp trùng với danh sách Giám đốc sở đã nhờ trước đó.

Ngoài 2 người này, Yến còn nhận lời giúp nâng điểm cho 3 cá nhân (mỗi người nhờ giúp 1 thí sinh), trong đó có trường hợp ông Phan Ngọc Sơn, Chánh Thanh tra Sở Giáo dục - Đào tạo nhờ nâng điểm toán, vật lý, hóa học cho con trai để thí sinh này đạt tổng 24 điểm.

Sau khi có thông tin của 13 thí sinh, Trần Xuân Yến tổng hợp thành một danh sách, trong đó ghi rõ họ tên thí sinh, số báo danh, địa điểm thi, các môn thi cần nâng điểm, các mã đề, tổng số điểm cần phải đạt được của từng thí sinh. Sau đó trực tiếp đưa danh sách này cho Nguyễn Thị Hồng Nga, thành viên Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm để Nga xử lý điểm cho các thí sinh.

Theo cáo trạng, hành vi của bị can Trần Xuân Yến là lợi dụng chức vụ được giao để làm trái công vụ, không chỉ đạo niêm phong các lô bài thi sau khi quét để tạo điều kiện cho các đối tượng liên quan rút bài ra sửa.

Đồng thời, bị can này đồng thuận cho các bị can Nguyễn Thị Hồng Nga, Đặng Hữu Thủy, Cầm Thị Bun Sọn rút sửa bài thi, nâng điểm cho nhiều thí sinh, trong đó có 13 thí sinh mà ông Yến trực tiếp nhận giúp.

Đáng chú ý, khi có thông tin Bộ Giáo dục - Đào tạo cử tổ công tác lên kiểm tra tại tỉnh Sơn La, bị can Trần Xuân Yến lo sợ việc sửa, nâng điểm bị lộ nên đã gọi Nga đến nhà riêng trao đổi, yêu cầu Nga xóa dữ liệu file ảnh quét bài thi gốc của thí sinh trên máy tính tại Sở Giáo dục - Đào tạo Sơn La.

Yến dặn Nga lên mạng tìm kiếm công cụ phần mềm có thể xóa triệt để toàn bộ dữ liệu file ảnh bài thi gốc trên máy tính (xóa cả trong phần "Thùng rác" trên máy tính), để nếu cơ quan chức năng có nghi ngờ cũng không thể khôi phục được dữ liệu file ảnh bài thi gốc của thí sinh.

Nga lo sợ sử dụng phần mềm như vậy có nguy cơ xóa hết các dữ liệu trong máy tính nên bàn với Trần Xuân Yến trước khi chạy phần mềm trên thì sao lưu các dữ liệu file ảnh bài thi ra đĩa CD để đề phòng. Yến đồng ý nên Nga đã thực hiện sao lưu toàn bộ dữ liệu ảnh bài thi trắc nghiệm của thí sinh ra 16 đĩa CD.

Sau khi sao lưu xong, Nga xóa toàn bộ dữ liệu file ảnh bài thi trên máy tính lưu tại Sở Giáo dục - Đào tạo và chuyển 16 đĩa CD này cho ông Yến trực tiếp cất giữ.

Khi tổ công tác của Bộ Giáo dục - Đào tạo tới, qua kiểm tra đã phát hiện có dấu vết của việc in sao dữ liệu trên máy tính ở thời điểm cụ thể. Để hủy bằng chứng, bị can Trần Xuân Yến đã đem 16 đĩa CD này đến nghĩa trang thành phố Sơn La đốt tiêu hủy.

Trong quá trình điều tra vụ án này, dù hành vi, tính chất, mức độ rất nghiêm trọng, nhưng bị can Trần Xuân Yến vẫn được cơ quan công an cho tại ngoại.

Theo Luật sư Dương Hường, Công ty Luật TNHH Tài Trung tại Hà Nội, việc bị can Trần Xuân Yến tiêu hủy đĩa CD lưu giữ điểm gốc các bài thi là hành vi xóa dấu tích của hành vi phạm tội, gây khó khăn cho công tác điều tra và đây có thể là tình tiết tăng nặng.

Theo VOV.VN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ