Giám tuyển nghệ thuật khi nào chuyên nghiệp?

GD&TĐ - Các giám tuyển hiện nay đa phần tự học, tự thực hành và về cơ bản họ là những người có uy tín trong giới.

Minh họa/INT.
Minh họa/INT.

Dù chưa có tên chính thức trong bảng chức danh nghề nghiệp nhưng Curator hay giám tuyển nghệ thuật là một vị trí đang được nhắc đến nhiều trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác ở nước ta.

Các giám tuyển hiện nay đa phần tự học, tự thực hành và về cơ bản họ là những người có uy tín trong giới. Điểm xuất phát có thể là người sáng tác, người phê bình, người quản lý, trong quá trình làm việc họ va chạm, tích lũy kinh nghiệm để có thể đảm đương nhiệm vụ dẫn dắt, kết nối, giám sát và định hướng cho các dự án nghệ thuật.

Công việc giám tuyển tương đương với công việc của một giám đốc nghệ thuật, nhưng trên thực tế thì lại có vẻ “ôm đồm” hơn, cũng bởi chưa có sự phân định rõ ràng về vị trí, vai trò. Những thực hành cũng như những công nhận vẫn theo hướng tự làm với nhau, tự thỏa thuận với nhau.

Khi chưa có sự phân định thì cũng dễ dẫn đến tình trạng có những giám tuyển tự phong, chất lượng giám tuyển không được kiểm chứng, hay “loạn” giám tuyển.

Để thị trường nghệ thuật vận hành theo hướng chuyên nghiệp, mở rộng ra là câu chuyện phát triển công nghiệp văn hóa, thì vai trò của giám tuyển rất cần thiết không chỉ ở lĩnh vực nghệ thuật thị giác, mà còn ở tất cả các lĩnh vực khác. Giám tuyển là cầu nối giữa người sáng tạo với thị trường. Uy tín và tầm nhìn của giám tuyển sẽ góp phần định vị giá trị, giá cả cho tác phẩm nghệ thuật.

Điều này cũng đòi hỏi một cơ chế hoạt động cho giám tuyển. Giống như mọi lĩnh vực nghề nghiệp khác, giám tuyển cần phải trải qua các khóa học đào tạo, có chứng chỉ hành nghề, được sự công nhận của một hội đồng thẩm định… Như vậy sẽ hạn chế, sàng lọc được những giám tuyển ảo, giám tuyển tự phong.

Có một thực tế là trong đào tạo nghệ thuật ở nước ta chưa có ngành nghề liên quan. Ngay ngành Lý luận - Phê bình nghệ thuật tại chính cái nôi đào tạo là Đại học Mỹ thuật Việt Nam với tuổi đời cả trăm năm thì hàng năm cũng khó tuyển sinh đủ chỉ tiêu.

Bù lại, nhiều giám tuyển trẻ thế hệ cuối 8X và 9X đã chủ động, nỗ lực theo đuổi các khóa học chuyển giao kinh nghiệm hay các chương trình đào tạo về quản lý nghệ thuật ở nước ngoài. Họ có thể mất nhiều năm để xác lập vị trí cho mình nhưng khi đã có nền tảng lý luận cơ bản, các thực hành có tính thống nhất và tập trung hơn.

Bên cạnh đó, một số đơn vị nghệ thuật tư nhân cũng đã tuyển dụng những vị trí giám tuyển độc lập. Khi hoạt động giám tuyển được tổ chức thành mạng lưới chắc chắn sẽ tác động tích cực tới đời sống sáng tác và thị trường nghệ thuật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ