Giảm thiểu tình trạng HS bỏ học sau Tết

GD&TĐ - Tình hình HS bỏ học sau Tết là nỗi lo của ngành Giáo dục vùng đồng bằng sông Cửu Long trong nhiều năm qua. Đến năm nay, nỗi lo này đã được giải tỏa khi tỷ lệ HS trở lại lớp đạt cao và sĩ số lớp ổn định ngay từ những ngày đầu đi học trở lại. 

Giảm thiểu tình trạng HS bỏ học sau Tết

Đây là kết quả khi ngành Giáo dục đã nỗ lực tuyên truyền, vận động, giúp đỡ HS trong suốt cả năm học chứ không riêng gì thời điểm Tết về.

Nhanh chóng ổn định trường lớp

Theo ghi nhận của chúng tôi ở một số địa phương trước đây là địa bàn “nóng” về tỷ lệ HS bỏ học sau Tết; năm nay số HS huy động sau Tết đều đạt cao.

Như huyện Tam Nông (Đồng Tháp), nhờ làm tốt công tác vận động nên sau Tết tình hình HS đi học đầy đủ, không còn tình trạng HS bỏ học ồ ạt sau kỳ nghỉ Tết như trước đây.

Theo Phòng GD&ĐT huyện Tam Nông: Ngày mùng 6 Tết trên toàn huyện có đến 2.242 HS cấp MN và TH chưa ra lớp; đến ngày mùng 10 chỉ còn 222 HS vắng.

Tỷ lệ HS trở lại lớp sau Tết đạt trên 99% ở khối TH và trên 96% khối MN; khối THCS tỷ lệ cũng trên 98%. Theo Phòng GD&ĐT huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), đến hết ngày mùng 10, tỷ lệ HS ra lớp các cấp từ MN đến THCS đạt trên 99%.

Riêng cấp THPT, theo Sở GD&ĐT Đồng Tháp, toàn tỉnh có 38.757/38.984 HS ra lớp sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu (đạt tỷ lệ 99,42%). So với năm học 2015 - 2016, tỷ lệ HS ra lớp sau Tết duy trì mức cao, ổn định, đạt trên 99%.

Chúng tôi đến một điểm “nóng” khác là Trường TH Văn Giáo (huyện Tịnh Biên, An Giang), theo thông tin của nhà trường, ngày đầu đi học sau Tết, trường có 32 HS chưa ra lớp.

Trong đó, 28 em nhập học trễ vì còn đi tham quan, chúc Tết cùng gia đình hoặc còn ham chơi, chưa chịu đến trường. Số còn lại, nhà trường nhận được tin từ gia đình là các em sẽ bỏ địa phương theo cha mẹ đi làm ăn xa.

Theo thầy Ngô Quốc Việt - Hiệu trưởng, trường đã lập danh sách, gửi về UBND xã Văn Giáo để kịp thời tìm giải pháp hối thúc gia đình sớm đưa 28 HS còn chơi Tết nhanh chóng trở lại trường.

Riêng 4 trường hợp còn lại, nhà trường kết hợp cùng địa phương cố gắng liên lạc với gia đình bằng điện thoại và trao đổi với cha mẹ các em để vận động đi học trở lại…

Theo thông tin từ Phòng GD&ĐT TP Long Xuyên (An Giang), không khí ngày đầu trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết khá sôi nổi và phấn khởi. Chỉ có một số trường hợp HS vào học muộn vì quê ở xa về chưa kịp.

Để nắm tình hình HS các trường học trong thành phố nhập học sau Tết, Phòng GD&ĐT đã thành lập 4 đoàn kiểm tra (mỗi đoàn từ 3 - 4 người) đến tất cả các trường thăm hỏi và kiểm tra sĩ số HS.

Từ trước Tết, các trường học đều lập kế hoạch duy trì sĩ số HS trước và sau kỳ nghỉ Tết. Nhờ thực hiện nhiều giải pháp nên sĩ số HS sau Tết trên đại bàn được đảm bảo.

Hiệu quả từ những giải pháp đồng bộ

Theo chia sẻ từ các địa phương, để kéo giảm tỷ lệ HS bỏ học sau Tết, ngành Giáo dục phải vào cuộc cùng với địa phương thực hiện nhiều giải pháp từ trước Tết.

Sau Tết, sẽ phân công giáo viên đứng lớp, giáo viên chủ nhiệm bám sát lớp học, khi phát hiện HS vắng, HS có nguy cơ bỏ học phải báo cáo ngay. Song song đó là các trường phân công giáo viên phụ đạo, bồi dưỡng HS học lực yếu, kém có nguy cơ bỏ học…

Đơn cử như tỉnh Đồng Tháp, năm nay tỷ lệ HS trở lại lớp sau Tết đạt cao là do địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Từ thời điểm trước Tết, Hội Khuyến học tỉnh, Hội Khuyến học cơ sở, nhiều điểm trường đã tổ chức các sự kiện gây quỹ ủng hộ, giúp đỡ HS nghèo đón Tết.

Hội Khuyến học tỉnh, Hội Khuyến học TP Cao Lãnh cũng chuẩn bị các phần quà, suất học bổng để hỗ trợ, giúp đỡ HS nhân dịp cuối năm (suất học bổng trị giá 1 triệu đồng).

Nhằm khuyến khích các trường chăm lo cho HS nhân dịp Tết, Sở GD&ĐT Đồng Tháp đã yêu cầu các trường tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, hội trại giao lưu một cách vui vẻ, phấn khởi, lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện của đơn vị.

Cũng ngay từ trước Tết, ngành Giáo dục tỉnh An Giang đã chú trọng việc vận động HS trở lại lớp sau Tết ở khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống.

Thực hiện chỉ đạo này, các trường học đều xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm duy trì sĩ số HS. Nói về giải pháp, ông Nguyễn Văn Dương - Bí thư Đảng ủy xã An Phú (huyện Tịnh Biên) - cho biết:

Từ trước Tết, nhà trường và địa phương chỉ đạo các trường học có biện pháp duy trì, đảm bảo sĩ số HS sau Tết. Giáo viên chủ nhiệm sẽ quan tâm HS của lớp, nhất là đối với các em HS có hoàn cảnh khó khăn, HS có ý định bỏ học.

Nhà trường cũng có biện pháp phù hợp với từng HS để các em yên tâm đi học. Thường xuyên nhắc nhở các em phải có mặt tại trường sau khi nghỉ Tết. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng HS bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn…

Ông Lê Thanh Long - Phó phòng GD&ĐT huyện Tam Nông (Đồng Tháp) - cho biết: Từ thời điểm trước tết, ngành Giáo dục huyện chỉ đạo cụ thể cho các trường học phải tiến hành phân loại HS để giúp đỡ kịp thời.                                                                                                                                                                                                       Đối với trường hợp HS khó khăn thì trường phối hợp với Hội Khuyến học địa phương có biện pháp hỗ trợ để các em có điều kiện đến trường.                                                                                                                                                                                                             Đối với HS học lực yếu, kém, có nguy cơ bỏ học, nhà trường sẽ phân công giáo viên bồi dưỡng, giúp các em lấy lại kiến thức, phấn khởi, học tập tốt hơn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.