Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quỹ hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) vừa tổ chức lễ tổng kết và trao giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17 (2022 - 2023).
Báo động về rối loạn trầm cảm trẻ vị thành niên
Trong số các sản phẩm nghiên cứu tham gia Hội thi, nhóm giảng viên của Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế gồm PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Bé cùng các thành viên là PGS.TS Đậu Minh Long, TS Hồ Văn Dũng, ThS Mai Thị Thanh Thủy, ThS Nguyễn Thị Hà, ThS Nguyễn Việt Dũng thực hiện đề tài “Rối loạn trầm cảm ở trẻ vị thành niên thành phố Huế” đã đoạt giải Nhì.
Công trình được áp dụng tại Khoa Tâm lý và Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm. Cùng giải thưởng chung PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Bé và PGS.TS Đậu Minh Long đã được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tặng Bằng khen.
Trầm cảm là một rối loạn tâm thần thường gặp trong cộng đồng, là một trong những vấn đề phổ biến, ảnh hưởng đến gần như tất cả mọi người thông qua trải nghiệm cá nhân. Hiện nay, đã có rất nhiều đề tài của các nhà khoa học Việt Nam cũng như trên thế giới nghiên cứu về lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc nghiên cứu cụ thể trên lứa tuổi vị thành niên vẫn còn rất hạn chế và chưa đi sâu vào phân tích các yếu tố liên quan đến rối loạn trầm cảm. Vì vậy, việc nghiên cứu về rối loạn trầm cảm ở trẻ vị thành niên thành phố Huế là rất cần thiết.
Đại diện nhóm nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Bé chia sẻ, đề tài được thực hiện trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng, nghiên cứu đề xuất các biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu các tác nhân có liên quan đến trầm cảm ở học sinh THPT hiện nay. Mặt khác, nghiên cứu cũng đề xuất các hướng trị liệu trầm cảm cho trẻ vị thành niên phù hợp và hiệu quả. Điều này sẽ giúp các em có một sức khỏe tâm thần tốt và phát triển bình thường, có thể ứng phó một cách tự tin và hiệu quả trước những thách thức, khó khăn trong cuộc sống.
Theo đó, công trình đã hệ thống hóa những vấn đề lý luận về rối loạn trầm cảm ở trẻ vị thành niên; khảo sát và phân tích, đánh giá thực trạng rối loạn trầm cảm ở trẻ vị thành niên thành phố Huế và các yếu tố liên quan.
Từ kết quả thực hiện, nhóm nghiên cứu đề xuất được hệ thống biện pháp phòng ngừa và hỗ trợ tâm lý cho trẻ vị thành niên có rối loạn trầm cảm và tiến hành thực nghiệm để đánh giá tính hiệu quả của biện pháp hỗ trợ tâm lý cho trẻ vị thành niên. Kết quả thực nghiệm cho thấy, các kỹ thuật về kích hoạt hành vi mang lại hiệu quả tích cực và phù hợp với độ tuổi.
Tiếp tục phát triển, mở rộng nghiên cứu
Đề tài “Rối loạn trầm cảm ở trẻ vị thành niên thành phố Huế” có thể được áp dụng tại các trung tâm tư vấn tâm lý, cung cấp dữ liệu cho giảng viên, sinh viên ngành Tâm lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh, học sinh, các nhà quản lý trường học ở các cơ sở giáo dục phổ thông và những người làm ở lĩnh vực tâm lý lâm sàng, trị liệu.
Kết quả nghiên cứu sẽ giúp học sinh vượt qua được rối loạn trầm cảm một cách hiệu quả nhất, từ đó, sẽ tiết kiệm được chi phí điều trị đồng thời tác động làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng cường chất lượng các dịch vụ chăm sóc, phòng ngừa trầm cảm.
Bên cạnh đó, đề tài cũng góp phần nâng cao nhận thức về rối loạn trầm cảm cho cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh; góp phần xây dựng chương trình phòng ngừa và can thiệp về các vấn đề sức khỏe tâm thần cho trẻ vị thành niên.
Nghiên cứu cũng cung cấp các kỹ thuật, bài tập về liệu pháp kích hoạt hành vi trong can thiệp cho trẻ vị thành niên có rối loạn trầm cảm, và các kỹ thuật, bài tập về liệu pháp kích hoạt hành vi đã được thực nghiệm trên 2 trường hợp có rối loạn trầm cảm nặng.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển đề tài và nghiên cứu trên phạm vi rộng hơn, có sự đa dạng về độ tuổi, nghề nghiệp và địa bàn nghiên cứu. Đặc biệt, sản phẩm của đề tài sẽ được áp dụng rộng cho các cơ sơ sở giáo dục, nhằm nâng cao năng lực tư vấn học đường về vấn đề rối loạn trầm cảm của học sinh cho đội ngũ giáo viên”, PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Bé chia sẻ.
Được biết, những công trình đoạt giải được Hội đồng giải thưởng lựa chọn trong số 587 hồ sơ tham gia. BTC đã trao 6 giải Nhất, 12 giải Nhì, 24 giải Ba và 42 giải Khuyến khích. Niềm vui chồng niềm vui, ĐH Huế có 2 công trình đoạt giải cao nhất là giải Nhất và Nhì.
Đạt được thành quả trên là niềm tự hào và vinh dự của nhóm nghiên cứu song đây cũng là minh chứng sinh động khẳng định vị trí, vai trò của Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế là đơn vị có sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ khoa học và quản lí giáo dục có trình độ đại học, sau đại học theo chuẩn quốc gia và quốc tế; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tư vấn giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục khu vực duyên hải miền Trung và cả nước; phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Giải Nhất thuộc về đề tài: “Ứng dụng kỹ thuật cộng hưởng từ khuếch tán Tensor khảo sát bó sợi thần kinh trung ương và ngoại biên tại Bệnh viện Trường ĐH Y Dược Huế” do Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế chủ trì, PGS.TS Nguyễn Thanh Thảo là chủ nhiệm cùng các cộng sự.