Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, tình hình thiên tai, bão, lụt, lũ quét, sạt lở đất, cháy rừng, sập đổ công trình, hạ tầng... diễn biến rất phức tạp và khó lường. Bên cạnh đó, hạn chế về nhận thức, thiếu kỹ năng phòng ngừa, ứng phó của một bộ phận người dân... là những nguyên nhân làm gia tăng rủi ro thiên tai, thiệt hại về người và tài sản.
Thiếu kỹ năng ứng phó
Thời gian gần đây, thiên tai diễn biến rất phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam. Năm 2020, thiên tai ở nước ta diễn ra dồn dập và khốc liệt, vượt mức lịch sử trên khắp các vùng miền cả nước. Đặc biệt vào nửa cuối năm, nhiều tình huống thiên tai cực đoan như bão chồng bão, lũ chồng lũ, lũ quét, sạt lở đất đồng thời xảy ra ở khu vực miền Trung gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhà nước và nhân dân.
Chú thích ảnh: Mưa bão gây ra ngập úng khiến người dân vất vả khi di chuyển. Ảnh Thế Đại
Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên vấn đề đặt ra của các cấp chính quyền, các nhà quản lý và người dân là làm thế nào để có những giải pháp, những phương án sẵn sàng chủ động để giảm thiểu thiệt hại trong tình huống xảy ra nguy cơ “khủng hoảng kép” thiên tai và dịch bệnh.
Kiến thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai, ứng phó với từng tình huống cụ thể của người dân còn hạn chế Nhiều người tỏ ra lúng túng và không biết các kỹ năng như nhanh chóng trở về nhà hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn, tránh xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt, không nên dùng điện thoại, tuyệt đối không trú mưa dưới cây...
Theo bà Lê Thị Hảo, người dân xã đảo Minh Châu, huyện Ba Vì (Hà Nội), một số người dân tại đây thường xuyên đối diện với nguy cơ xảy ra đuối nước, nhất là trong mùa mưa bão, nước sông Hồng dâng cao. Nguyên nhân là do những người này chưa biết bơi, thiếu kỹ năng cứu người đuối nước trên sông...
Hay như vụ việc thương tâm xảy ra gần đây ngày 15/9, tại Hà Nội xảy ra mưa giông diện rộng, anh Đặng Càn L. (28 tuổi, trú xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang) đi xe máy chở theo chị Lý Thị Gh. (18 tuổi, trú xã Hùng Mỹ) di chuyển trên đường 179, hướng huyện Văn Giang (Hưng Yên) đi Quốc lộ 5. Khi di chuyển qua khu vực thuộc thôn Trung Dương (xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm) thì cả hai bất ngờ bị sét đánh tử vong tại chỗ. Tại hiện trường, một mũ bảo hiểm của nạn nhân bị cháy đen, biến dạng; chiếc xe máy cũng bị hư hỏng.
Tuy nhiên, khi được hỏi: “Gặp mưa dông kèm lốc, sét, gió giật mạnh, ông, bà sẽ làm gì khi đang ở ngoài trời” thì nhiều người tỏ ra lúng túng và không biết các kỹ năng như nhanh chóng trở về nhà hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn, tránh xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt, không nên dùng điện thoại, tuyệt đối không trú mưa dưới cây...
Theo ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão thành phố Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, để giảm rủi ro, hạn chế tổn thất thiệt hại, Hà Nội xác định công tác phổ biến, tuyên truyền kiến thức và tập huấn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thiên tai cho người dân là giải pháp quan trọng.
Tăng cường truyền thông, tập huấn
Tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm năm 2021 của thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu, các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp phải thường xuyên xuống cơ sở để kịp thời phát hiện, chỉ đạo bổ sung, khắc phục những mặt còn khiếm khuyết, chưa sát thực tế...
Để chủ động ứng phó mùa thiên tai năm 2022, Các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố đã tập trung rà soát, bổ sung phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai gắn với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương nằm trong vùng thường xuyên xảy ra úng ngập, lũ lụt, sạt lở đất như: Sóc Sơn, Ba Vì, Phúc Thọ, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa... đã lập kế hoạch phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thành phố tổ chức các lớp tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng tránh thiên tai cho người dân; diễn tập ứng phó, khắc phục hậu quả một số loại hình thiên tai thường xảy ra trên địa bàn... UBND quận Hà Đông chú trọng tổ chức tập huấn cho các lực lượng kỹ thuật và tìm kiếm cứu nạn, lực lượng hộ đê, lực lượng xung kích; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh các phường và phát tờ rơi các nội dung về vấn đề phòng tai nạn điện trong mùa mưa bão và an toàn điện
Tương tự, tại huyện Quốc Oai, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Quang Tuấn, huyện đã giao Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ năng phòng tránh các loại hình thiên tai có khả năng xảy ra hằng ngày trên địa bàn.
Ngày 6/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 553/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030”.
Mục tiêu chung của Đề án là nâng cao nhận thức về thiên tai, năng lực ứng phó thiên tai cho đội ngũ làm công tác phòng, chống thiên tai; góp phần xây dựng cộng đồng an toàn, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; hình thành văn hóa phòng ngừa, chủ động và tích cực tham gia vào công tác phòng chống thiên tai của đại đa số người dân, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, môi trường do thiên tai gây ra.
Nội dung của Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030” gồm 3 hợp phần: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, tài liệu hướng dẫn tổ chức thực hiện nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, cán bộ chính quyền các cấp về quản lý, triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức; tăng cường năng lực, kỹ năng cho cộng đồng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
----
Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021