Giảm “nhiệt” giao thông bằng nâng cao nhận thức

GD&TĐ - Một loạt các biện pháp mang dấu ấn giáo dục Hà Nội đã được triển khai và mang lại kết quả khả quan trong giáo dục an toàn giao thông trong trường học. Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm học mà Sở GD&ĐT Hà Nội đã thực hiện theo sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Nâng cao nhận thức về ATGT cho học sinh sẽ là nền tảng để xây dựng văn hóa giao thông đô thị
Nâng cao nhận thức về ATGT cho học sinh sẽ là nền tảng để xây dựng văn hóa giao thông đô thị

Cổng trường - Điểm “nóng” giao thông

Ngày nào cũng vậy, cứ đến 7 giờ sáng, cổng các ngôi trường tại Hà Nội đều chật kín người. Tại Trường Tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa), do nằm trên con phố hẹp, xung quanh là các khu tập thể đông dân nên lại ách tắc hơn bình thường. 

Phụ huynh, học sinh, người dân chen chúc nhau, ai cũng “phấn đấu” đặt một chân ở phía bên cổng trường để “điều hướng” giao thông “thả” con vào trường. 

Nhiều phụ huynh vì sợ con muộn học và mình muộn giờ đến cơ quan, đành liều dừng xe cách trường khoảng 500 mét, quẳng cả xe máy chỏng chơ giữa vỉa hè, một tay dắt con, một tay xách cặp cuống quýt rẽ sóng người để lao về cổng trường… 

Học sinh đi bộ cũng phải chen chúc, thậm chí còn lo sợ những phương tiện cố tình “leo” lên vỉa hè sẽ đâm vào mình… Có thể nói, hành trình để con vào được trường học như đấu tranh với đám đông!

Với những học sinh đã làm chủ được phương tiện đến trường cũng gây ra những “băn khoăn” lớn cho xã hội. Tại cổng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm), vào 5 giờ chiều, không khó để bắt gặp những hình ảnh học sinh ngồi trên xe máy điện, chở 3, 4 bạn phóng vèo vèo thách nhau vượt đèn đỏ ngã tư, đi ngược chiều đường Ngô Quyền. 

Và mốt của một số học sinh THPT khi “cưỡi xe máy” là 3 không: Không mũ bảo hiểm, không bằng lái xe, không… phanh! Chỉ một phút mất làm chủ tay lái, không biết những hệ lụy gì sẽ xảy ra không chỉ cho học sinh đó mà còn cả bạn bè và xã hội.

Hành động nhỏ đem lại kết quả lớn

Nắm bắt tình hình trên, trong những năm qua, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các trường thực hiện việc đảm bảo an toàn trong trường học, và một trong những nội dung quan trọng là nâng cao công tác giáo dục ý thức, trách nhiệm của học sinh trong việc đảm bảo an toàn giao thông cho chính mình.

Những bài học thông qua các môn học Giáo dục công dân, Đạo đức, hay những giờ học ngoại khóa, tiết chào cờ đã được các trường sát sao thực hiện. 

Thậm chí, Trường THPT Việt Đức còn tổ chức những buổi ngoại khóa đưa học sinh đến tận các bệnh viện để chứng kiến những bệnh nhân do bị tai nạn giao thông.

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức khác như lực lượng Công an, Đoàn thanh niên và chính quyền địa phương thường xuyên cử Công an phường, tổ dân phố đầu giờ và cuối giờ học phân công lực lượng đứng ra giữ gìn trật tự và lưu thông các tuyến phố, giảm thiểu ách tắc cũng như tránh được tình trạng tai nạn giao thông đáng tiếc.

Lan rộng các bài học về giáo dục ATGT

Không chỉ chú trọng các giáo dục an toàn giao thông cho học sinh trong nhà trường, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội còn nhận được sự vào cuộc tích cực của các kênh thông tin báo chí để lan tỏa hơn nữa hiệu quả giáo dục ATGT.

Theo ông Nguyễn Hiệp Thống – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, trong thời gian tới, các cơ sở giáo dục sẽ dành thêm nhiều tin bài tuyên truyền về tai nạn giao thông, những tấm gương an toàn giao thông, tăng mật độ đưa tin và thời lượng phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền sâu rộng đến người dân cùng nhau bảo vệ chính mình, giảm tổn thất cho xã hội, có được môi trường giao thông đẹp, văn minh. 

Và chính mỗi học sinh cũng là một tuyên truyền viên tích cực về ATGT, để kiến thức, kỹ năng trong mỗi giờ học đi vào cuộc sống, vào cộng đồng. Có như vậy mới tăng hiệu quả, tăng sức lan tỏa của giáo dục ATGT trong trường học.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp cùng Công an thành phố, các sở, ban, ngành liên quan quản lý, kiểm tra sát sao các điểm trông, giữ xe nhằm tránh hiện tượng học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy tới trường; tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong các khu dân cư, tổ dân phố để cha mẹ học sinh nắm vững các quy định về đảm bảo trật tự giao thông, an ninh trường học có liên quan đến học sinh.

“Đối tượng quyết định và cũng được hưởng lợi đầu tiên từ thành công của chương trình này là chính các em học sinh. Các em là những người cần được tuyên truyền giáo dục để nâng cao ý thức trách nhiệm của chính mình về an toàn giao thông. 

Đồng thời, vai trò của các nhà trường, đặc biệt là cha mẹ học sinh rất quan trọng trong việc giáo dục, nhắc nhở, con em mình bảo vệ an toàn cho chính bản thân. 

Từ những hành động nhỏ như đội mũ bảo hiểm, dừng xe khi có đèn đỏ… sẽ đem lại kết quả lớn là bảo vệ sự sống của chính mình” – Phó Giám đốc Nguyễn Hiệp Thống tâm huyết chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ