Giám đốc Tổ chức y tế thế giới nhận định đại dịch Covid-19 sẽ bị đánh bại trong năm nay

GD&TĐ - Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, ông lạc quan rằng đại dịch Covid-19 sẽ bị đánh bại vào năm 2022 với điều kiện các nước hợp tác để ngăn chặn sự lây lan của nó.

Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo chống lại “chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và tích trữ vắc xin” trong một tuyên bố nhân dịp năm mới.

Những bình luận của ông được đưa ra sau 2 năm kể từ khi WHO lần đầu được thông báo về các ca mắc một loại bệnh viêm phổi không xác định ở Trung Quốc.

Số ca mắc toàn cầu hiện ở mức 287 triệu, trong khi gần 5,5 triệu người đã chết. Trên khắp thế giới, mọi người đang đón năm mới nhưng các hoạt động ăn mừng bị hạn chế, nhiều quốc gia ngăn cản đám đông tụ tập.

Covid-19 vẫn là một phần của cuộc sống hàng ngày, nó khiến quốc gia phải đóng cửa biên giới, chia rẽ gia đình và ở một số nơi người dân không được ra khỏi nhà nếu không đeo khẩu trang.

Bất chấp tất cả những điều trên, Tiến sĩ Tedros đã đưa ra điều tích cực trong bài phát biểu của mình, ông nhấn mạnh rằng hiện nay thế giới đã có thêm nhiều công cụ để điều trị Covid-19. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng việc phân phối vắc xin không công bằng tiếp tục diễn ra đang làm tăng nguy cơ virus tiến hóa.

“Chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và việc tích trữ vắc xin của một số quốc gia đã làm suy yếu sự công bằng và tạo điều kiện lý tưởng cho sự xuất hiện của biến thể Omicron. Sự bất bình đẳng càng kéo dài thì nguy cơ virus phát triển theo những cách chúng ta không thể ngăn chặn hoặc sẽ dự đoán sẽ càng tăng cao” – ông nói.

Theo Giám đốc WHO, nếu chúng ta chấm dứt sự bất bình đẳng, chúng ta sẽ chấm dứt đại dịch.

Một số thông tin về dịch bệnh trên thế giới:

Tại Nam Phi – nơi Omicron được báo cáo lần đầu tiên – nhà chức trách đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm qua đêm sau khi thông báo quốc gia này có thể đã vượt qua đỉnh dịch.

Tại Đức, nhà virus học Christian Drosten cho biết ông mong đợi một mùa đông “tương đối bình thường” khi số liệu cho thấy các ca mắc Omicron không chuyển bệnh nghiêm trọng.

Một số quốc gia như Anh, Italy, Hy Lạp, Bồ Đào Nha đang báo số ca mắc cao kỷ lục.

Hàng nghìn chuyến bay khác đã bị hủy, gần một nửa trong số đó ở Mỹ. Nguyên nhân là do các hãng hàng không phải vật lộn với tình trạng phi hành đoàn bị ốm.

Các quan chức y tế Pháp cho biết Omicron hiện là biến thể thống trị của nước này. Tổng thống Macron cho biết vài tuần tới sẽ khó khăn nhưng ông “lạc quan cho năm tới”.

Israel đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới chấp thuận việc tiêm chủng Covid-19 lần thứ 4.

Trong bình luận của mình, Giám đốc WHO cũng ám chỉ đến tỷ lệ tiêm chủng thấp. Trong khi hầu hết dân số châu Âu và châu Mỹ được tiêm ít nhất 1 liều, mục tiêu của WHO về tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 40% ở mọi quốc gia vào cuối năm 2021 đã bị bỏ lỡ ở hầu hết các quốc gia châu Phi.

Ông Tedros từng chỉ trích các quốc gia giàu có hơn vì đã “ngốn” nguồn cung cấp vắc xin toàn cầu, tiêm chủng đầy đủ cho phần lớn dân số của họ trong khi những người khác chờ đợi liều đầu tiên của mình.

WHO đặt ra mục tiêu mới cho năm 2022: tiêm chủng cho 70% người dân ở tất cả các quốc gia vào tháng 7 để chấm dứt đại dịch.

Theo Graphic

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.