Giám đốc Sở Nội vụ lúng túng, chưa đưa ra câu trả lời thỏa đáng tại Kỳ họp HĐND tỉnh

GD&TĐ - Chiều ngày 12/12, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII tiếp tục phiên chất vấn, trả lời chất vấn. Về những vấn đề bất cập của ngành giáo dục Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Phi Quang lúng túng và chưa đưa ra được câu trả lời thỏa đáng.

Tranh luận nảy lửa tại nghị trường về tinh giản biên chế, vấn đề thừa thiếu giáo viên, và dạy học tiếng Anh trong phiên họp chiều ngày 12/12
Tranh luận nảy lửa tại nghị trường về tinh giản biên chế, vấn đề thừa thiếu giáo viên, và dạy học tiếng Anh trong phiên họp chiều ngày 12/12

“Điều chuyển giáo viên Tiểu học lên THCS!”

Đó là câu trả lời chất vấn của GĐ Sở Nội vụ trong phiên họp chiều ngày 12/12. “Điều chuyển giáo viên Tiểu học lên Trung học. Nếu không điều chuyển được thì phải chấp nhận tồn tại việc tham mưu chưa chu đáo, chứ không có cách khác. Và chấp nhận dôi dư một thời gian, số tiết thấp hơn so với định mức của các giáo viên khác”.

Nói về vấn đề thừa thiếu giáo viên, và dạy học tiếng Anh, bà Nguyễn Thị Nguyệt - Đại biểu TP. Hà Tĩnh cho rằng: Việc giao chỉ tiêu biên chế cho năm học 2017 - 2018, đặc biệt chỉ tiêu biên chế Tiếng Anh cho bậc tiểu học đang còn nhiều bất cập chưa đúng với quy định.

Quyết định 1400 của TTCP cũng như Quyết định 3422 của UBND tỉnh về việc tổ chức triển khai thực hiện “Đề án Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục phổ thông tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2012 - 2020”, đối với học sinh Tiểu học được học 4 tiết tiếng Anh/tuần. Tuy nhiên, hiện nay chưa có sự phân bổ giáo viên tiếng Anh đáp ứng yêu cầu.

Đại biểu Nguyệt đề nghị Giám đốc Sở Nội vụ làm rõ tiêu chuẩn để phân bổ chỉ tiêu giáo viên tiếng Anh và giải pháp của ngành trong thời gian tới.

Đồng tình với quan điểm đó, ông Trần Nhật Tân - Đại biểu huyện Thạch Hà cho biết: Theo thông báo số 358 ngày 31/12/2015 của Sở Nội vụ, biên chế viên chức để dạy Ngoại ngữ bậc tiểu học ở Thạch Hà 45 chỉ tiêu và thực tế năm 2016 đã sử dụng 43 chỉ tiêu. Đến ngày 13/2 năm nay, trong khoảng hơn 1 năm có thông báo 358 của Sở Nội vụ, thì có một thông báo mới giao biên chế cấp Tiểu học ở Thạch Hà còn 18 chỉ tiêu.

“Có nghĩa rằng tại thời điểm mà thông báo trước với thông báo sau chúng tôi có sử dụng 43 chỉ tiêu, bây giờ chỉ còn 18. Vậy có 25 giáo viên không nằm trong diện được sử dụng, và theo chỉ đạo của tỉnh thì không được sử dụng hợp đồng. Đến nay biên chế vẫn không giao. Hiện các quy định còn bất cập nên huyện không thể ký hợp đồng lao động.

Nếu như không có kinh phí để thực hiện thì nên xem xét dừng Đề án Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ”, ông Tân nói.

Mở rộng vấn đề, ông Đoàn Đình Anh - Đại biểu huyện Cẩm Xuyên chất vấn: Không chỉ ở môn tiếng Anh mà nhiều năm nay, tình trạng thiếu giáo viên văn hóa cũng chưa được giải quyết. Những huyện như Hương Khê và một số huyện miền núi thừa giáo viên Tiểu học. Nhưng một số nơi như TX. Kỳ Anh thiếu hơn 30% giáo viên văn hóa để đứng lớp. Ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng dạy và học giáo dục. Đề nghị làm rõ trách nhiệm và phương hướng giải quyết trong thời gian tới.

Tiếp nhận các ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ dù rất cầu thị, nhận trách nhiệm trước nhân dân về những bất cập này. Tuy nhiên lại không đưa ra được những câu trả lời và giải pháp thỏa đáng với các đại biểu chất vấn.

Giáo viên dôi dư… không thể đưa con bỏ chợ!

Chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng, bà Nguyễn Thị Nguyệt tiếp tục chất vấn: Nếu như ở các địa bàn khác, giáo viên dôi dư rơi vào giáo viên hợp đồng, thì ở thành phố lại rơi vào giáo viên đã được tuyển dụng.

Năm học 2016 - 2017, giáo viên Ngoại ngữ ở bậc Tiểu học ở thành phố được giao 29 biên chế, đảm bảo dạy đủ 4 tiết/tuần, sang năm 2017 - 2018 thì số lớp tăng lên 261 lớp so với năm trước là 242 lớp. Tăng lên nhưng số giáo viên chỉ được giao 13 biên chế. Vậy chỉ đủ dạy 2 tiết/tuần. Và trong thời gian tới ngành tham mưu cho tỉnh nên dạy 4 tiết/tuần hay 2 tiết/tuần như hiện nay.

Không có biên chế, quỹ lương không được bố trí mong muốn xin phép một phần kinh phí để tạm thời chi trả, đảm bảo giảng dạy. Đối với Thạch Hà, hàng năm, mất khoảng 850 triệu để chi trả lương cho giáo viên hợp đồng. Ông Tân - Đại biểu huyện Thạch Hà cho biết thêm.

Cùng tham gia giải trình về thực trạng thừa, thiếu giáo viên với Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Trung Dũng cho rằng: “Trước những bất cập của các trường, về mặt chuyên môn đã thống nhất chỉ đạo đối với Tiểu học thống nhất 2 tiết/tuần. Vì vậy ở thành phố có giảm số tiết so với các trường khác.

Thực tế, với tình trạng có trường dạy 2 tiết, có trường dạy 4 tiết như hiện nay, khi bước vào cấp THCS đối với những trường ghép liên xã xảy ra tình trạng bất cập về trình độ tiếng Anh của học sinh từ đầu vào. Thẩm quyền tuyển dụng tinh giản thuộc Chủ tịch UBND cấp huyện. Cho nên ngành cũng đã tham mưu kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn thực hiện chưa hiệu quả”.

Hầu hết các giáo viên đã ổn định ở các huyện, nên việc điều chuyển giáo viên từ huyện này qua huyện khác càng gây thêm khó khăn cho đội ngũ. Đề nghị tại địa bàn trách nhiệm các huyện phải bố trí thật hợp lý, không đề ra phương án chuyển giáo viên từ huyện này qua huyện khác. Xác định rõ các chỉ tiêu dôi dư, bảm đảm cân đối trên các địa bàn.

Trước sự lúng túng của các ngành chuyên môn, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn nhấn mạnh: “Câu trả lời của GĐ Sở Nội vụ như thế là không thỏa đáng. Điều đó chứng tỏ vận hành kém, trách nhiệm thuộc về GĐ Sở Nội vụ.

Chỉ đạo từ đầu năm học, nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết. Đề nghị GĐ Sở Nội vụ tiếp thu một cách nghiêm túc và phải làm đúng theo quy định. Mà quy định ở đây là của luật pháp của Luật công chức, viên chức, chứ không phải thừa, thiếu là phải chấp nhận. Bởi đã có định mức 1,17 đối với giáo viên văn hóa, giờ đã lên 1,3 và 1,4, tại sao vẫn chưa giải quyết được. Vậy, vị trí việc làm phải xử lý một cách thỏa đáng, công bằng, triệt để chứ không thể bỏ giáo viên dôi dư như đem con bỏ chợ được”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ