Qua phổ điểm toàn quốc, ông Nguyễn Minh Tường nhận xét, hầu hết các đề thi có tính phân loại và độ phân hóa rõ ràng, đánh giá được năng lực của thí sinh, đạt được mục đích, yêu cầu đặt ra của kỳ thi.
Giá trị điểm trung bình của hầu hết các bài thi, môn thi gần bằng với điểm trung vị, điều đó chứng tỏ tính chuẩn hóa của các đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Điểm trên trung bình của hầu hết các bài thi, môn thi đều chiếm tỉ lệ khoảng từ 50 - 70% (ngoại trừ môn Lịch sử và Tiếng Anh). Điều này cho thấy phổ điểm được phân tán tương đối rộng, đánh giá đúng năng lực của các thí sinh, giảm thiểu đáng kể hiện tượng đoán mò trong các bài thi trắc nghiệm khách quan.
So sánh phổ điểm các môn của tỉnh Phú Thọ với toàn quốc, ông Nguyễn Minh Tường cho biết: Nếu xét theo điểm trung bình các môn, ngoài môn Toán và Ngoại ngữ, các môn còn lại của Phú Thọ đều có điểm trung bình cao hơn điểm trung bình của toàn quốc.
Ông Nguyễn Minh Tường |
Nếu so sánh điểm trung vị với điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất thì thấy rằng: 2 giá trị này khá gần nhau (toàn quốc môn chênh nhiều nhất là môn Ngữ văn với độ chênh là 0,5đ; tỉnh Phú Thọ chênh nhiều nhất là môn Lịch sử với độ chênh là 0,5đ).
Điều này một lần nữa khẳng định tính chuẩn hóa của các đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 là phù hợp với toàn quốc và với các vùng miền (tỉnh Phú Thọ có đủ các vùng miền: Thành phố, thị xã, đồng bằng, trung du và miền núi);
Đối với môn ngoại ngữ, Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho rằng, đây là thực trạng chung của toàn quốc, hằng năm điểm trung bình môn ngoại ngữ đều thấp hơn điểm trung bình các môn khác, đặc biệt là các tỉnh miền núi.
Đối với Phú Thọ, môn ngoại ngữ có điểm trung bình thấp nhất, tuy nhiên vẫn có 04 học sinh đạt điểm 10, tỉ lệ điểm giỏi là 2,24% (thấp hơn tỉ lệ điểm giỏi của toàn quốc là 0,47%).
Điều này chứng tỏ không phải đề thi quá khó mà do chất lượng dạy và học ngoại ngữ từ cấp THCS đã có những bất cập mà tất cả các tỉnh, thành trong cả nước phải nỗ lực đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ để theo kịp quá trình hội nhập