GS.TS Đặng Văn Minh phân tích:
Nhiều trường sẽ tuyển sinh theo hình thức xét tuyển học bạ
Phổ điểm năm nay thấp hơn so phổ điểm các năm trước, đặc biệt một số môn xã hội như Lịch sử, Ngoại ngữ hay môn tự nhiên như môn Hóa học, phổ điểm rất thấp. Điểm thi như năm nay có tính phân tầng, chọn lọc rất cao, điểm từ 5-7 rất khác điểm từ 7 – 8 và điểm 10 thì ít. Theo tôi, phổ điểm này phản ánh đúng thực tế đào tạo.
Phổ điểm này tác động rất lớn tới công tác tuyển sinh. Với các trường có thế mạnh về tuyển sinh như các trường Y Dược sẽ ít bị ảnh hưởng hơn, họ sẽ vẫn tuyển được thí sinh với phổ điểm khá cao. Tuyển sinh ở các trường tốp trên sẽ ít bị tác động, các trường tốp dưới thì xét học bạ, nhưng sẽ tác động nhiều đến các trường tốp giữa.
Các trường phải xem xét tình hình để có những điều chỉnh hợp lý trong công tác tuyển sinh. Với phổ điểm này, tuyển sinh hình thức xét học bạ sẽ chiếm nhiều.
Và bài toán tuyển sinh năm nay thuộc về các trường tốp giữa. Những trường này phải căn cứ vào số lượng hồ sơ đăng ký đồng thời xem xét mức độ cạnh tranh trong ngành nghề đào tạo. Nếu các ngành nghề đào tạo mức độ hấp dẫn trung bình, thí sinh chủ yếu ở khu vực miền núi, vùng xa xôi hẻo lánh thì điểm sẽ thấp. Theo đó, cần điều chỉnh điểm chuẩn xuống để tuyển sinh cho phù hợp. Ví dụ như có những ngành năm 2017 lấy 17 – 18 điểm thì năm nay chắc chắn phải xem xét lại điểm chuẩn này.
ĐH Thái Nguyên giao cơ chế tự chủ cho các trường quyết định trước, sau khi các trường cân đối được rồi sẽ có công bố trong lộ trình quy định của Bộ GD&ĐT. Với các trường thành viên ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Y Dược sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng một số trường thành viên khác có thể sẽ tuyến sinh bằng cả hai hình thức: Xét điểm thi THPT quốc gia và xét học bạ. Cả hai hình thức này phải được chú trọng như nhau.
GS.TS Đặng Văn Minh - Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên |
Thách thức trong công tác tuyển sinh năm 2018
Đây là thách thức chung của các trường ĐH nhưng ĐH Thái Nguyên sẽ bị tác động nhiều nhất vì nằm trong khu vực miền núi, vùng khó khăn.
Thứ nhất: Phân tầng trong học sinh phổ thông. Nhiều học sinh học hết lớp 12 lập tức có các công ty tuyển dụng đi làm luôn, như công ty Samsung ở Thái Nguyên một năm tuyển hàng chục nghìn công nhân, học sinh tốt nghiệp xong là bị hút vào đấy hết với mức lương ổn định và khá cao. Ngoài Samsung, nhiều công ty khác cũng tuyển dụng theo cách thức này.
Thứ hai, các trường tốp trên tuyển sinh với các chính sách rất hấp dẫn, thậm chí nếu chưa tuyến sinh đủ, họ còn hạ thấp điểm tuyển xuống, tiếp tục thu hút thí sinh, và nguồn tuyển của các trường tốp giữa lại ít đi.
Thứ ba, “đầu ra” của sinh viên đang là một bài toán thách thức. Hiện nay theo đề án bố trí việc làm, một số ngành nghề ngoài xã hội giảm rất nhiều lao động, lực lượng dôi dư đó cạnh tranh với sinh viên mới ra trường. Sinh viên mới ra trường chưa tiếp nhận công việc lại trở thành gánh nặng cho xã hội. Nhiều “đầu ra” không có việc làm, chắc chắn “đầu vào” sẽ không có hoặc sẽ giảm đi rất nhiều. Một số ngành như Nông lâm nghiệp, ngành xã hội hiện nay là khó khăn trong tuyển sinh.