Tính phân hóa, phân loại rõ rệt của từng môn thi
Số lượng thí sinh có điểm trên trung bình của hầu hết các bài thi, môn thi đều chiếm tỉ lệ khoảng từ 50 - 70% (ngoại trừ môn Lịch sử và Tiếng Anh). Điều này cho thấy phổ điểm được phân tán tương đối rộng, đánh giá đúng năng lực của các thí sinh, giảm thiểu đáng kể hiện tượng đoán mò trong các bài thi trắc nghiệm khách quan.
Đặc biệt, kết quả phân tích điểm thể hiện tính khách quan, trung thực, công bằng trong công tác tổ chức thi THPT quốc gia năm 2018. Đồng thời đây cũng là một kênh thông tin để phân loại chất lượng GD phổ thông ở các vùng miền.
Trước đó, thực hiện quy định của Bộ GD&ĐT, từ 0 giờ ngày 11/7, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã mở cổng tra cứu điểm thi THPT quốc gia 2018 để thí sinh tra cứu kết quả. Sau khi công bố điểm thi, Bộ đã phân tích và công bố thông tin rộng rãi về phổ điểm thi các môn thi, bài thi. Đây là dữ liệu cần thiết để các thí sinh có thể tham khảo điều chỉnh nguyện vọng khi đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Các trường phổ thông sẽ hoàn thành việc xét công nhận tốt nghiệp THPT; cập nhật vào phần mềm quản lý thi và gửi báo cáo kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT sơ bộ về Bộ; đồng thời, công bố kết quả tốt nghiệp THPT tới thí sinh chậm nhất là 17/7.
Cụ thể theo phổ điểm các môn thi THPT quốc gia năm 2018 do Bộ GD&ĐT công bố, sau khi phân tích dạng phổ điểm và các thông số thống kê, kết quả cho thấy:
Dạng phổ điểm của tất cả các bài thi, môn thi gần với phân phối chuẩn, trong đó phổ điểm một số môn thi có dạng phân phối chuẩn như vật lí, hóa học, sinh học... Kết quả cho thấy, các đề thi có tính phân loại và độ phân hóa rõ ràng, đánh giá được năng lực của thí sinh, đạt được mục đích, yêu cầu đặt ra của kỳ thi.
Giá trị của điểm trung bình của hầu hết các bài thi, môn thi, gần bằng với điểm trung vị, điều đó chứng tỏ tính chuẩn hóa của các đề thi trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Nhìn chung, có thể thấy rằng, từ dạng phổ điểm của các bài thi, môn thi cho thấy tính phân hóa, phân loại rõ rệt của từng môn thi, thể hiện tính ưu việt của phương án đổi mới thi THPT quốc gia hướng tới đánh giá năng lực toàn diện của người học, tránh hiện tượng đoán mò, học lệch, học tủ, đảm bảo công bằng khách quan, thuận lợi cho thí sinh, tạo sự ổn định cho xã hội.
Trên cơ sở phân tích sâu hơn về phổ điểm sẽ làm cơ sở để Bộ GD&ĐT tiếp tục xây dựng, hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, phục vụ Kỳ thi THPT quốc gia những năm tiếp theo ngày càng tốt hơn.
Đối với một số khối thi (A, A1, B, C, C01, D): Tổng điểm của các khối thi đều có phân phối tiệm cận gần tới phân phối chuẩn, điểm trung bình và trung vị của các khối thi gần như nhau.
Tổng điểm theo các khối thi có độ phân tán cao, phân hóa tốt hơn so với tổng điểm theo các khối thi của năm 2017. Điểm trung bình của tổng điểm của các khối thi được phân tích đều lớn hơn 15.
Về phổ điểm môn thi của thí sinh đăng kí xét tuyển ĐH, CĐ 2018; theo nhận định của Bộ GD&ĐT, dạng phổ điểm của tất cả các môn thi, bài thi đều tiệm cận gần với phân phối chuẩn. Điểm trung bình và trung vị của các môn gần như nhau.
Điểm thi có sự phân hóa cao, điều này tạo điều kiện cho các trường ĐH, CĐ xây dựng điểm chuẩn vào các ngành khác nhau.
Các môn Toán, Ngữ văn, Vật lý, Địa lí có điểm trung bình trong khoảng (5; 6). Các môn Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Tiếng Anh có điểm trung bình trong khoảng (4; 5). Các môn Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Địa lí, số lượng thí sinh có điểm trên trung bình đều trên 50%.
Những lưu ý đối với thí sinh mong muốn thay đổi nguyện vọng
Sau khi biết được điểm thi của mình, nghiên cứu phổ điểm các môn thi THPT quốc gia và phổ điểm môn thi của thí sinh đăng kí xét tuyển ĐH, CĐ 2018, các thí sinh cũng cần nắm vững các thông tin cần thiết để phục vụ cho việc đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào ĐH, CĐ; đặc biệt là đối với các thí sinh muốn thay đổi nguyện vọng ĐKXT.
Theo đó, Bộ GD&ĐT đã có những lưu ý cho thí sinh khi thay đổi nguyện vọng ĐKXT bằng hình thức trực tuyến như sau:
Thứ nhất: Tài khoản và mật khẩu. Thí sinh lưu ý sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để truy cập vào Hệ thống thực hiện điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT bằng phương thức trực tuyến, dùng mã OTP để xác nhận thực hiện việc điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT.
Mật khẩu để đăng nhập Hệ thống của thí sinh là mật khẩu được cấp khi đăng ký dự thi, trường hợp đã thay đổi mật khẩu sau khi được cấp thì dùng mật khẩu đã thay đổi. Nếu thí sinh quên mật khẩu thì đến điểm tiếp nhận (ĐTN) hồ sơ để xin cấp lại. Thí sinh tự chịu trách nhiệm bảo mật tài khoản và mật khẩu Hệ thống của mình.
Thứ hai: Thí sinh muốn điều chỉnh NV ĐKXT trực tuyến phải đăng ký số điện thoại. Nếu thí sinh chưa khai số điện thoại hoặc đổi số điện thoại thì khi đăng nhập vào Hệ thống để điều chỉnh NV ĐKXT có thể khai báo lại.
Thứ ba: Lịch điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT. Theo đó, thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT theo phương thức trực tuyến trong thời gian từ 8 giờ ngày 19/7 đến 17 giờ ngày 26/7.
Thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT bằng Phiếu điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT trong thời gian từ 19/7 đến 17 giờ ngày 28/7.
Thí sinh kiểm tra kết quả điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT và đề nghị điều chỉnh sai sót nếu có (chỉ áp dụng đối với thí sinh điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT bằng phiếu) trước 17 giờ ngày 30/7.
Thứ tư: Mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh NV ĐKXT 1 lần trong thời gian quy định và chỉ được sử dụng một trong hai phương thức: Trực tuyến hoặc bằng Phiếu điều chỉnh NV ĐKXT.
Thứ năm: Phương thức điều chỉnh NV ĐKXT trực tuyến chỉ áp dụng cho thí sinh KHÔNG tăng thêm số nguyện vọng ĐKXT và KHÔNG điều chỉnh ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng (nếu thí sinh có điều chỉnh ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng phải đến ĐTN hồ sơ để điều chỉnh qua Phiếu điều chỉnh NV ĐKXT).
Thứ sáu: Thí sinh muốn điều chỉnh NV ĐKXT tăng so với đăng ký ban đầu hoặc có điều chỉnh ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng phải điều chỉnh bằng phiếu và thực hiện tại ĐTN.
Thứ bảy: Điều chỉnh bằng Phiếu điều chỉnh NV ĐKXT: Thí sinh được điều chỉnh tăng thêm số lượng nguyện vọng so với số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong Phiếu ĐKDT và phải nộp bổ sung lệ phí cho số nguyện vọng tăng thêm theo quy định hoặc thí sinh có điều chỉnh ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng.
Thí sinh phải điền đầy đủ thông tin vào Phiếu điều chỉnh NV ĐKXT và gửi trực tiếp về ĐTN để cán bộ máy tính cập nhật vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Lưu ý thí sinh ghi đúng mã trường, mã ngành/nhóm ngành, mã tổ hợp xét tuyển theo quy định của trường. Nguyện vọng nào ghi không đúng sẽ không được Hệ thống chấp nhận và bị loại. Thí sinh phải kiểm tra kết quả điều chỉnh NV ĐKXT trong thời gian quy định và đề nghị điều chỉnh sai sót, nếu có.
Thứ tám: Thí sinh có thể đến các ĐTN để được hướng dẫn và hỗ trợ điều chỉnh NV ĐKXT bằng phương thức trực tuyến.