Vì vậy, các vị trí việc làm cũng bị giảm theo, đây cũng là một trong những tác động lớn gây áp lực cho sinh viên năm cuối hoặc vừa tốt nghiệp trong quá trình tìm kiếm việc làm.
Tích luỹ “năng lượng” để tìm kiếm cơ hội
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của thế giới cũng như nước ta. Kéo theo đó, các công ty, doanh nghiệp cắt giảm nhân sự nhằm tiết kiệm chi phí. Hiện nay, số lượng các vị trí tuyển dụng tại các ngân hàng, doanh nghiệp, nhà máy… giảm so với các năm trước.
TS Phạm Thu Thuỷ, Phó Trưởng khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng cho biết: “Thời điểm hiện tại, sinh viên ra trường phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình tìm việc bởi ít vị trí tuyển dụng. Chưa kể quá trình ứng tuyển, nhà tuyển dụng đưa ra các yêu cầu chuyên môn, kinh nghiệm cao hơn nhiều so với trước đây.
Cụ thể, các ứng viên không chỉ phải vững về mặt kiến thức mà cần có rất nhiều năng lực khác như kỹ năng giải quyết công việc, giao tiếp, làm việc độc lập, làm việc nhóm, khả năng sử dụng công nghệ, ngoại ngữ, sáng tạo… Đặc biệt, một ứng viên có thể phải làm ở nhiều vị trí khác nhau do đó đỏi hỏi các bạn phải đa năng, thích nghi linh hoạt trong môi trường làm việc để hoàn thành công việc hiệu quả nhất”.
Trong bối cảnh nền kinh tế hậu Covid-19, sinh viên sắp ra trường cần tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm việc làm, ngoại ngữ, kiến thức xã hội… và các kiến thức mới liên quan đến xã hội, kinh tế, tài chính… Nhiều bạn biết lo xa đã tranh thủ tích luỹ kinh nghiệm làm việc thông qua các vị trí như thực tập sinh, cộng tác viên, nhân viên bán thời gian, tham gia các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng… qua đó rèn luyện các kỹ năng và sẵn sàng cho khởi đầu mới sau khi ra trường.
Để sinh viên thích ứng nhanh với môi trường mới, Học viện Ngân hàng đã thường xuyên tổ chức các buổi định hướng nghề nghiệp, giới thiệu phương pháp học tập, rèn luyện hướng tới chuẩn đầu ra cho sinh viên ngay từ năm nhất và định kỳ vào những năm tiếp theo.
Đặc biệt, nhà trường luôn đổi mới cách thức đào tạo từ đào tạo kiến thức sang đào tạo năng lực vận dụng kiến thức và các kỹ năng để giải quyết vấn đề, mở rộng liên kết với các đối tác để tổ chức các chương trình học tập thực tế tại ngân hàng (bank tour); các chương trình cộng tác viên, thực tập sinh, hướng tới tuyển dụng trực tiếp các sinh viên xuất sắc ngay khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường.
Ngoài ra, sinh viên còn được tham gia các hoạt động ngoại khoá, cuộc thi học thuật, toạ đàm nhằm phát triển năng lực, tư duy và các kỹ năng cần thiết. Nhà trường tổ chức “Ngày hội việc làm”, chương trình tuyển dụng với các đối tác để sinh viên nắm được tình hình, nhu cầu của xã hội và xu hướng việc làm nhằm hạn chế tối đa những tác động từ khủng hoảng kinh tế dẫn đến áp lực tâm lý học tập cũng như tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.
Không để bản thân bị động
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2022 gần 1,07 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2022 là 2,32%, giảm 0,88 điểm phần trăm so với năm trước (2021). Số thanh niên từ 15 - 24 tuổi thất nghiệp năm 2022 là khoảng 409,3 nghìn người, chiếm 37,6% tổng số người thất nghiệp từ 15 tuổi trở lên; tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong năm 2022 là 7,72%.
Trước con số thống kê đó, ThS Trần Văn Báu - Trưởng phòng Số hóa và phát triển nội dung - Công ty cổ phần Edulive toàn cầu cho hay: “Khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội việc làm của sinh viên sắp ra trường. Do đó để hạn chế tối đa tác động của khủng hoảng kinh tế đến cơ hội việc làm của mình, sinh viên cần “định giá” đúng năng lực của bản thân nhằm tạo ra lợi thế vượt trội trong quá trình ứng tuyển.
Đồng thời, các bạn nên phá bỏ và bước ra khỏi vùng an toàn để tập trung vào việc xây dựng sự nghiệp lâu dài thay vì chỉ chọn công việc tạm thời. Bạn đừng ngại thử nhiều vị trí công việc để rèn mọi kỹ năng, tích luỹ kinh nghiệm”.
Không những vậy, để giảm áp lực trong giai đoạn mới ra trường, sinh viên cũng cần học cách kiểm soát tài chính cá nhân, chủ động tìm kiếm việc làm sớm, không nên chờ đợi đến tốt nghiệp mới bắt đầu tìm kiếm việc làm.
“Khi các bạn chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và chuẩn bị hành trang thật kỹ trước khi ra trường, bạn sẽ không bị động hoặc cảm thấy quá áp lực trong những năm đầu mới tốt nghiệp. Đồng thời, biết được điều hướng đến trong hành trình xây dựng sự nghiệp cho bản thân sẽ hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra”, anh Trần Văn Báu cho biết thêm.
“Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2022, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,6 triệu người, tăng 1,5 triệu người so với năm 2021, tuy nhiên vẫn thấp hơn năm 2019 (56,8 nghìn người). Trong đó, số lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,6 triệu người (tăng 877,3 nghìn người so với năm trước), lao động ở khu vực nông thôn là 31,9 triệu người (tăng 627,2 nghìn người so với năm trước)”.