Giải tỏa nỗi lo cho sinh viên năm cuối

GD&TĐ - Kết quả nghiên cứu đã chứng minh có sự thay đổi trong ý định nghề nghiệp của sinh viên năm cuối sau những tác động của đại dịch Covid-19.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc (bên trái) trao thưởng cho nhóm nghiên cứu. Ảnh: TG
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc (bên trái) trao thưởng cho nhóm nghiên cứu. Ảnh: TG

Đề tài Dự định nghề nghiệp của sinh viên năm cuối tại các trường đại học ở Việt Nam trong bối cảnh Covid-19 của nhóm sinh viên Nguyễn Kim Ngân, Nguyễn Nguyên Hạnh, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Nguyễn Thị Tuyết (Khoa Quản trị Kinh doanh và Du lịch, Trường Đại học Hà Nội) đoạt giải Nhất - Giải thưởng KH&CN dành cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học năm 2022.

Nỗi lo năm cuối

Trưởng nhóm nghiên cứu, Nguyễn Kim Ngân cho biết: “Là người trong cuộc, chúng em hiểu và thông cảm với những lo lắng của các bạn sinh viên năm cuối. Nghề nghiệp, công việc của mình sẽ thế nào, có thất nghiệp không khi cả xã hội chứng kiến sự tụt dốc của nền kinh tế, các doanh nghiệp sẽ không cần thêm nhân lực. Nỗi lo này ám ảnh tâm trí nhiều bạn. Để thực hiện nghiên cứu, chúng em đã tìm hiểu hậu quả hiện hữu mà đại dịch Covid-19 tác động đến phần lớn các ngành kinh tế”.

Trên cơ sở các nghiên cứu và khảo sát, nhóm đã đánh giá vấn đề việc làm dần trở thành nỗi lo lắng của những người đang cố gắng tìm việc, đặc biệt là sinh viên năm cuối. Bên cạnh việc phải ra quyết định đúng khi chọn ngành học, sinh viên cần cân nhắc liệu có tiếp tục theo đuổi sự nghiệp thuộc chuyên ngành đang học hay làm việc trái ngành.

Điều này có thể tạo ra những tác động đáng kể đến thị trường lao động trong tương lai. Nghiên cứu được tiến hành bằng phương pháp định tính và định lượng dựa trên dữ liệu sơ cấp được thu thập qua quá trình khảo sát 301 sinh viên năm cuối ngành: Du lịch lữ hành; Khách sạn, Y tế và Kinh doanh của các trường đại học ở Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu đã chứng minh có sự thay đổi trong ý định nghề nghiệp của sinh viên năm cuối sau những tác động của đại dịch Covid-19. Theo đó, nguyện vọng tìm việc của nhiều sinh viên năm cuối không dành cho lĩnh vực đang học. Có người chuyển sang chuyên ngành kinh doanh do kỳ vọng ổn định công việc và điều kiện sức khỏe tinh thần.

Nghiên cứu cũng đưa ra nhận định: Mặc dù, các trường đại học đã cung cấp một số chương trình hỗ trợ cho những sinh viên muốn thay đổi ý định nghề nghiệp, nhưng các hoạt động này dường như không đủ hiệu quả. Mở rộng chương trình đào tạo và tổ chức thêm chương trình định hướng nghề nghiệp, kể cả cho sinh viên mới ra trường, được nhiều sinh viên mong muốn nhất.

Để lực lượng lao động tương lai có sự chuẩn bị tốt hơn trước những thay đổi do đại dịch Covid-19 gây ra, các trường đại học ở Việt Nam cần hỗ trợ tốt hơn về sức khỏe tinh thần cho sinh viên; cập nhật tình hình thị trường việc làm thường xuyên, cũng như tạo thêm chương trình định hướng để bù đắp cho việc thiếu điều kiện thực hành do ảnh hưởng bởi dịch.

Cô giáo hướng dẫn và nhóm nghiên cứu. Ảnh: TG

Cô giáo hướng dẫn và nhóm nghiên cứu. Ảnh: TG

Chặng đường chông gai

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội, ông Lương Ngọc Minh, nhận thấy dịch bệnh khiến sinh viên làm việc trái ngành trái nghề, nhưng chưa có nhiều nghiên cứu về vấn đề này tại Việt Nam, các em đã chọn đề tài “Dự định nghề nghiệp của sinh viên năm cuối tại các trường đại học ở Việt Nam trong bối cảnh Covid-19”. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra dự báo nguồn cung nhân lực trong tương lai, giúp làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, sinh viên làm trái ngành trái nghề, thừa hoặc thiếu nhân sự. Kết quả nghiên cứu mang tính thực tiễn cao, dựa vào khó khăn của bản thân và sinh viên đồng trang lứa đang đối mặt mỗi ngày.

Thành viên nhóm nghiên cứu Nguyễn Ngọc Quỳnh nhớ lại: Đối với sinh viên, nghiên cứu khoa học (NCKH) là hoạt động quan trọng, từ bước chuẩn bị, lên ý tưởng, tìm kiếm tài liệu tham khảo, thu thập thông tin, vận dụng kỹ năng phân tích tổng hợp…

Có được chủ đề hay chưa đủ, còn tìm giải pháp hiện thực hóa ý tưởng nhưng lại bị hạn chế trong việc tìm nguồn tư liệu. Bởi có quá ít đề tài nghiên cứu có điểm tương đồng với đề tài nhóm đã chọn. Không chỉ vậy, khi tìm nguồn sẽ phải sàng lọc những nội dung trọng điểm để phục vụ cho bài nghiên cứu.

Giai đoạn này cần nhiều thời gian nhất. Khó khăn tiếp theo chính là lựa chọn đối tượng khảo sát phục vụ đề tài. Nhóm cần danh sách sinh viên từ nhiều trường đại học khác nhau để gửi khảo sát đến (không chỉ qua email mà còn trong group trường).

Còn với Nguyễn Nguyên Hạnh, việc sắp xếp, cân đối thời gian giữa việc học tập trên lớp với nghiên cứu và đi làm thêm cũng là một trong những khó khăn sinh viên thường gặp phải. Thỉnh thoảng có tình trạng không thể bố trí thời gian phù hợp cho các thành viên trong nhóm có mặt đầy đủ để họp và trao đổi.

Khó khăn là vậy nhưng NCKH đem lại cho các thành viên nhiều lợi ích. Trước hết là tăng khả năng đọc hiểu thông qua việc tiếp cận tài liệu tham khảo để chắt lọc thông tin cũng như giúp sinh viên mở rộng kiến thức.

“Vất vả thật, nhất là bối cảnh Covid-19 đang diễn ra, nhưng có thể nói, NCKH đã giúp nhóm phát huy khả năng sáng tạo, tư duy cũng như trau dồi kiến thức; trang bị cho bản thân kỹ năng làm việc khác nhau”, Nguyên Hạnh bày tỏ.

Đi qua chặng đường xây dựng đề tài, tập hợp tư liệu, đánh giá và thực hiện nghiên cứu thành công, điều quan trọng là phải bảo vệ thành công đề tài của mình. Nói cách khác là phải “Giải tỏa nỗi lo không có việc làm sau tốt nghiệp” trước hội đồng chấm giải.

Chia sẻ thông tin, thành viên Nguyễn Thị Tuyết vui vẻ kể: Nhóm đã tận dụng tối đa các kỹ năng như làm việc nhóm, tư duy phản biện, thuyết trình để bảo vệ đề tài nghiên cứu…

“Là sinh viên của một khoa chuyên ngành học bằng tiếng Anh nên khi viết nghiên cứu cộng kỹ năng diễn giải đã giúp nhóm thuyết phục hội đồng tốt hơn. Đặc biệt, trong quá trình làm khảo sát, chúng em có cơ hội thiết lập các mối quan hệ với sinh viên từ các trường đại học khác nhau. Có lẽ đây là minh chứng thuyết phục nhất để hội đồng chấm đề tài đoạt giải Nhất”, Nguyễn Thị Tuyết bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.