Các nhà nghiên cứu ở trường đại học Aalto – Phần Lan cũng cho biết, ăn ít thịt được xem là một giải pháp bảo vệ các nguồn nước cho các khu vực khô hạn trên khắp thế giới.
Dân số thế giới được dự đoán đạt 9 tỷ người vào năm 2050, có nghĩa sẽ bổ sung thêm 2 tỷ miệng ăn so với mức dân số hiện tại, theo báo cáo của Liên hiệp quốc.
Bằng cách giảm lượng thực phẩm từ động vật trong các bữa ăn, thì mức tiêu dùng nguồn nước mưa sẽ giảm 21% trong khi nguồn nước tưới giảm 14%. Nói theo cách khác, bằng cách thay đổi khẩu phần trong bữa ăn có thể giúp bảo đảm nguồn cung lương thực cho gần 2 tỷ người trong khi không làm tăng sử dụng nguồn nước.
Giảm sử dụng các sản phẩm từ động vật có tác động đáng kể đến những khu vực khan hiếm nguồn nước vì chăn nuôi đòi hỏi sử dụng nhiều nước hơn so với một số loại cây trồng. Nghiên cứu viên Mila Jalava từ trường đại học Aalto cho biết, thay đổi khẩu phần trong các bữa ăn cùng với những hoạt động khác như giảm dư thừa thức ăn, có thể giải quyết được thách thức trong tương lai về vấn đề an ninh lương thực.
Dân số toàn cầu tăng nhanh cùng với sự tác động của biến đổi khí hậu sẽ càng ngày càng tạo ra áp lực đối với nguồn cung nước hữu hạn hiện tại và thay đổi bữa ăn là một khuyến cáo về giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung lương thực cho dân số thế giới.
Nhóm tác giả nghiên cứu cũng đánh giá tác động của thay đổi khẩu phần ăn hàng ngày đối với nguồn nước theo bốn bối cảnh khác nhau. Nghiên cứu được đăng tải trên Environmental Research Letters là phân tích đầu tiên có quy mô toàn cầu tập trung vào sự thay đổi của khẩu phần bữa ăn và tác động của chúng đối với sử dụng nguồn nước.
Tuy nhiên, tiềm năng tiết kiệm nguồn nước lại không đồng đều và thường có sự khác biệt giữa các quốc gia, khu vực. Theo kết quả nghiên cứu, ở các khu vực như Mỹ Latinh, Châu Âu, Trung và Đông Á, khu vực Châu Phi Cận Sahara thay đổi khẩu phần bữa ăn có thể giúp giảm sử dụng nguồn nước mưa.
Ở khu vực Trung Đông, Bắc Mỹ, Australia, nguồn nước tưới cũng có sự suy giảm đáng kể khi thay đổi khẩu phần bữa ăn. Tuy nhiên, ở Nam và Đông Nam Á thay đổi khẩu phần bữa ăn không giúp tiết kiệm sử dụng nước vì ở những khu vực này khẩu phần các bữa ăn phụ thuộc nhiều vào các sản phẩm chăn nuôi.