Tranh biện theo luật Nghị viện Anh đem lại nhiều thử thách cho tranh biện viên hơn là các luật đang tương đối phổ biến tại Việt Nam như nghị viện châu Á (Asian Parliamentary) hay World School, đồng thời, cũng đem đến nhiều cơ hội để các đội thi phát huy các thế mạnh trong việc lập luận logic, tư duy hệ thống, tư duy phản biện và những chiến thuật đặc biệt của mình.
Giải đấu diễn ra liên tục trong 2 ngày (11 và 12/01/2020) với 5 vòng thi loại, tứ kết, bán kết, và cuối cùng là chung kết của hai bảng: bảng Anh và bảng Việt. Trong suốt giải đấu, các debater đã phải cố gắng hết sức để vượt qua những đề thi đầy thử thách, là những vấn đề mang tính toàn cầu đang nóng bỏng trong thời gian gần đây, và cả những đề thi mang tính giả tưởng về các vấn đề của xã hội tương lai như: Việc ưu tiên chuẩn bị cho học sinh những kỹ năng ngành nghề (quản trị kinh doanh, tin học, các ngành nghề thủ công,v.v) hay là các môn học truyền thống (toán, văn, anh...); Việc loại bỏ lợi nhuận làm tích luỹ cá nhân của doanh nhân xã hội; Việc thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng thông qua giáo dục cho trẻ em thuộc các nhóm thiểu số về bối cảnh bị áp bức và cách để thích nghi với điều đó; Việc ưu tiên cho các môn STEM trong nền giáo dục của các nước châu Á; Việc phát triển các mô hình kinh doanh như Uber, Grab, Foody…; Giảm thiểu bất bình đẳng qua việc cấm các hình thức thừa kế…
Các ban giám khảo quốc tế |
Với quy mô toàn quốc và được tổ chức với mong muốn mang đến trải nghiệm về bộ môn tranh biện một cách chuyên nghiệp và mang tính chuyên môn cao nhất, trường Wellspring đã mời các tranh biện viên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới (Hàn Quốc, Thái Lan, Anh, Mỹ…) và các tranh biện viên Việt Nam có nhiều thành tích trong nước và quốc tế tới làm giám khảo cho giải. Trưởng ban Giám khảo bảng Anh của giải đấu là ông Daniel Yoon (chủ tịch liên đoàn tranh biện Hàn Quốc - Huấn luyện viên trưởng ĐH Cornel). Trưởng Ban Giám khảo bảng Việt là ông Nguyễn Khắc Hưng - Á Quân EFL Giải vô địch thế giới các trường Đại học. Những giám khảo dày dặn kinh nghiệm đã truyền cảm hứng rất nhiều cho các tranh biện viên trẻ tham gia giải đấu lần này.
Sau mỗi vòng thi đấu, ban giám khảo đều đưa ra những phân tích, nhận xét về phần thi của từng thí sinh, từng đội và đưa ra các lời khuyên để các tranh biện viên có thể rút kinh nghiệm và thể hiện tốt hơn nữa trong ngày thi đấu tiếp theo.
Đội AMS A vô địch bảng Việt (Nguyễn Trần Đức Anh và Đỗ Diễm Quỳnh) đến từ trường Chuyên Hà Nội - Amsterdam |
Bà Quỳnh Lê - Giám đốc Đào tạo trường Wellspring cho biết: “Đây là sân chơi nơi học sinh tìm hiểu, phân tích các vấn đề xã hội và toàn cầu về các chủ đề đa dạng, qua đó xây dựng kỹ năng phân tích, tư duy logic và lập luận, giải quyết vấn đề cũng như tư duy sáng tạo và phản biện. Cũng qua giải đấu VBC này, học sinh sẽ rèn luyện khả năng giao tiếp và phối hợp đồng đội, qua đó phát triển những kỹ năng thiết yếu của công dân của thế kỷ 21. Trong bối cảnh học sinh Việt Nam rất thiếu các sân chơi phát huy khả năng tư duy lập luận ngoài chương trình học chính khoá, trường Wellspring tổ chức giải VBC hy vọng sẽ trở thành sự kiện thường niên thu hút đông đảo các giám khảo uy tín và các tranh biện viện xuất sắc từ khắp các trường trung học trên cả nước và trong khu vực tham dự.”
Tranh biện viên Phương Thảo đến từ trường Wellspring chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên con tham gia một giải đấu quy mô toàn quốc như thế này. Cả tính quy mô, chuyên môn và tính cạnh tranh đều cao hơn hẳn các giải đấu mà con từng tham gia... Con nghĩ điều đã giúp đội con vào tới vòng chung kết chính là tinh thần đồng đội. Do chỉ có 15 phút để chuẩn bị, nên hai người cần hỗ trợ nhau và kết hợp ăn ý để có thể đưa ra những luận điểm tốt, các luận cứ rõ ràng, thuyết phục…”
Tranh biện viên Nhật Anh - top 10 người nói xuất sắc nhất đến từ trường Wellspring chia sẻ: “Điều lớn nhất mà con học được sau giải đấu này là luôn luôn hy vọng và cố gắng hết sức mình. Đối thủ của chúng con đều là những đội rất mạnh. Có những lúc con cảm thấy như mình không còn cơ hội thắng, nhưng đồng đội và huấn luyện viên đã động viên con rất nhiều để con tiếp tục cố gắng và tìm ra những luận điểm, lý lẽ tốt hơn để bảo vệ quan điểm của đội mình.”
Đội DSOW E vô địch bảng Anh (Nguyễn Hà Phương và Nguyễn Ngọc Anh) đến từ trường Wellspring |
Trải qua hai ngày thi đấu đầy căng thẳng, tại bảng Anh, ngôi vô địch đã thuộc về đội DSOW E (Nguyễn Hà Phương và Nguyễn Ngọc Anh) đến từ trường Wellspring. Tại bảng Việt, ngôi vị cao nhất đã được dành cho đội AMS A (Nguyễn Trần Đức Anh và Đỗ Diễm Quỳnh) đến từ trường Chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Nguyễn Hà Phương - thành viên đội vô địch bảng Anh chia sẻ: “Chúng con đã luyện tập tranh biện tại Cộng đồng tranh biện Wellspring rất nhiều trước khi tham gia giải đấu này. Ngoài ra, trong các hoạt động ngoại khoá và trong các môn học ở trường, như môn Tiếng Anh, chúng con cũng được tranh biện về tác phẩm, tác giả và về các chủ đề trong bài học. Vậy nên chúng con cũng được luyện tập các kỹ năng trong tranh biện hàng ngày.”
Bộ môn tranh biện là một bộ môn tổng hợp rất nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết cho học sinh. Như là kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng làm việc nhóm... Về mặt kiến thức, thông qua tranh biện, các bạn học sinh sẽ học thêm được kiến thức phổ thông về các vấn đề kinh tế, chính trị, khoa học xã hội, và thâm chí khó hơn là về triết học… Đồng thời, tranh biện cũng giúp các bạn học sinh học được cách ứng dụng phối hợp kiến thức của nhiều môn khoa học, nhiều lĩnh vực để cùng giải quyết một vấn đề.
Đây là lần đầu tiên, giải tranh biện theo mô hình Nghị viện Anh được tổ chức dành cho lứa tuổi học sinh trung học và với quy mô toàn quốc. Dù gặp rất nhiều thử thách trong khâu tổ chức, điều phối giải đấu và hỗ trợ các đội thi trong hai ngày diễn ra tại trường Wellspring, nhưng giải đấu đã kết thúc thành công và để lại những ấn tượng tốt trong các đội thi và các giám khảo Việt Nam và quốc tế.
Ông Nguyễn Khắc Hưng - trưởng ban giám khảo bảng Việt: “Về mặt chuyên môn, ở bảng Việt, tôi thấy các bạn tranh biện viên có ý tưởng rất hay khi tiếp xúc với những kiến nghị mới, kiến nghị khó, thậm chí có những chủ đề các em chưa bao giờ nghe thấy hay gặp phải nhưng các bạn vẫn rất tự tin để phân tích về chủ để đó. Tôi tin và hy vọng đây sẽ là một cơ hội để các bạn học thêm những điều mới. Đồng thời các bạn cũng rất ham học hỏi vì sau mỗi vòng đấu các bạn đều tìm đến BGK để xin thêm ý kiến đóng góp. Đây là một điều đáng khích lệ, hoang nghênh ở giải lần này.”
Ông Daniel Yoon - trưởng ban giám khảo bảng Anh: “Tôi đã tham gia rất nhiều giải đấu khác nhau. Năm vừa rồi tôi đã tới khoảng 15 nước để làm giám khảo cho các cuộc thi tranh biện. Việt Nam là nơi có rất nhiều địa điểm để tổ chức một cuộc thi tầm cỡ quốc gia như thế này. Wellspring là một trong những trường tốt nhất, có cơ sở vật chất rất chất lượng cho cuộc thi: các phòng học ở gần nhau, hội trường rất lớn và đẹp, thức ăn được chuẩn bị rất ngon... Về khía cạnh tổ chức, BTC đã làm việc rất hiệu quả để giúp giải đấu diễn ra được suôn sẻ, các công việc hậu cần được chuẩn bị rất kỹ càng... Nhìn chung, tôi nghĩ đây là một giải đấu rất thành công về mặt tổ chức”.
Giải đấu VBC là giải tranh biện theo mô hình Nghị viện Anh (BP - British Parliamentary debate format). Với luật thi theo mô hình này, một vòng đấu sẽ có sự góp mặt của 4 đội thi, mỗi đội 2 người. Một kiến nghị về một vấn đề trong xã hội sẽ được đưa ra, các đội thi sẽ được chia làm 2 phe: ủng hộ và phản đối kiến nghị. Nhiệm vụ của các đội là bảo vệ được quan điểm của phe mình, và đồng thời chứng minh đội mình làm tốt hơn đội còn lại cùng phe.
Giải đấu VBC được tổ chức bởi trường PTSNLC Wellspring tổ chức với các mục đích chính:
Giới thiệu và phát triển văn hoá tranh biện ở Việt Nam với hy vọng mang đến kỹ năng viết sáng tạo, khả năng hùng biện tự tin, và tư duy phản biện sắc sảo. Đây là những kỹ năng đặc biệt quan trọng góp phần tạo nên sự thành công của học sinh trong quá trình hội nhập thế kỉ 21.
- Tạo cơ hội cho học sinh Việt Nam giao lưu và học hỏi lẫn nhau ở tất cả các lĩnh vực khoa học, nhân văn, kinh tế, văn hóa, chính trị, tôn giáo, môi trường…
- Giúp các bạn học sinh tự tin trong việc thể hiện chính kiến bản thân, rèn luyện các kỹ năng xã hội, trau dồi kiến thức.