Giải tỏa nỗi lo từ cơ sở trông trẻ tự phát

GD&TĐ - Những vụ bạo hành từ các cơ sở trông trẻ tự phát thời gian qua đặt ra vấn đề phải tăng cường công tác quản lý với những cơ sở này.

Cần tạo môi trường an toàn cho trẻ mầm non. Ảnh minh họa
Cần tạo môi trường an toàn cho trẻ mầm non. Ảnh minh họa

Liên tiếp xảy ra vụ bạo hành trẻ em

Ngày 31/12/2021, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 49/2021/TT-BGD&ĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục có hiệu lực từ ngày 15/2/2022. Trong đó, có ghi rõ những quy định trong quản lý, tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục với nhóm trẻ độc lập. Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều người nhận trông giữ trẻ tại nhà nhưng không thực hiện theo quy định của pháp luật, có hành vi bạo hành trẻ.

Mới đây, ngày 5/3, Công an huyện Thường Tín, Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 đối tượng là Nguyễn Thị An (30 tuổi) và Nguyễn Thị Lành (29 tuổi) để điều tra, làm rõ vụ bạo hành khiến bé trai 17 tháng tuổi tử vong.

Trước cơ quan công an, hai “bảo mẫu” này đã thừa nhận hành vi giẫm lên đầu, đạp vào bụng nạn nhân trong quá trình trông giữ. Cơ quan chức năng cũng xác định, cơ sở mầm non không được cấp phép hoạt động và từng bị xử phạt nhiều lần.

Cũng tại Hà Nội trong tháng 7/2022, bảo mẫu Đoàn Diệu Linh và chồng đã dùng dây sạc điện thoại buộc chân, dùng que gỗ, búa nhựa đánh vào đầu, dùng băng dính bịt miệng em bé 1 tuổi do cháu sốt và quấy khóc. Cháu bé nhập viện trong tình trạng tím tái, li bì và sốt cao.

Còn tại TPHCM vào tháng 1/2023, bảo mẫu Võ Thị Mỹ Linh (30 tuổi) bạo hành bé 6 tháng tuổi dẫn đến thương tích 99%. Công an xác định đối tượng hành nghề bảo mẫu tự phát trong chung cư. Khi trông bé trai 6 tháng tuổi, đối tượng dùng tay liên tục đánh lên đỉnh đầu cháu bé.

Bà Ninh Thị Hồng - nguyên Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ trẻ em Việt Nam - cho biết: Trẻ mầm non đông, nhu cầu gửi trẻ ở các trường tư thục nhiều. Tuy nhiên, công tác quản lý đang có nhiều bất cập. Việc giám sát của chính quyền địa phương đối với cơ sở mầm non tư thục bị bỏ ngỏ.

Như trường hợp tại Thường Tín vừa qua, cơ sở trông trẻ này không được cấp phép, sau mỗi lần bị xử phạt lại chuyển từ chỗ này sang chỗ khác và vẫn có gia đình đưa con đến gửi. Vụ việc đã xảy ra cho thấy công tác giám sát của chính quyền địa phương chưa được thực hiện thường xuyên; việc xử phạt cũng chưa đủ mạnh để răn đe.

Là người từng gửi con ở điểm trông trẻ tự phát, chị Lê Thanh Bình (quận Đống Đa) chia sẻ: “Nhu cầu gửi con nhỏ vào trường tư rất lớn vì nhiều gia đình không có ông bà hỗ trợ, bố mẹ lại phải đi làm. Vụ việc xảy ra ở Thường Tín khiến tôi lo lắng vì không thể biết con mình được chăm sóc thế nào. Nhưng không gửi con tại cơ sở này thì không biết gửi ở đâu”.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nêu cao lòng nhân ái và tình thương đối với con trẻ. Ảnh minh họa/ INT
Cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nêu cao lòng nhân ái và tình thương đối với con trẻ. Ảnh minh họa/ INT

Cần xử lý nghiêm, bảo đảm tính răn đe

Để bảo đảm an toàn trong chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em mầm non, Giám đốc GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đã ký ban hành văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã đề nghị tăng cường triển khai công tác quản lý giáo dục trên địa bàn, đặc biệt với hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập. Theo đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt việc phân cấp quản lý giáo dục tại địa phương; chỉ đạo phòng GD&ĐT phối hợp với UBND xã, phường, các ban, ngành, đoàn thể kiểm tra, giám sát cơ sở giáo dục mầm non.

Nâng cao trách nhiệm, vai trò của UBND xã, phường trong việc quản lý cấp phép và kiểm tra sau cấp phép đối với nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục; kiên quyết xử lý dứt điểm trường hợp vi phạm quy định, thông báo công khai.

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phối hợp gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ em; công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng danh sách cơ sở giáo dục mầm non độc lập đã được cấp phép trên địa bàn để phụ huynh biết, lựa chọn trường, lớp cho con em; phát huy vai trò của nhân dân, tổ chức đoàn thể trên địa bàn trong việc phát hiện kịp thời cơ sở hoạt động trái quy định.

Các địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình điểm về quản lý cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập hoạt động có chất lượng; hướng dẫn, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp đầu tư thành lập trường mầm non ngoài công lập.

Bà Nguyễn Thị Mai Thoa - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho rằng, để phòng ngừa bạo hành trẻ em, không để những câu chuyện đau lòng lặp lại, nhà trường và cộng đồng xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nêu cao lòng nhân ái và tình thương đối với con trẻ.

Các cơ quan quản lý phải tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật xem còn lỗ hổng nào, còn vấn đề gì chưa thực sự phù hợp để đề nghị sửa đổi bổ sung. Đồng thời phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Xử lý vi phạm phải nghiêm khắc để bảo đảm tính răn đe.

Sở GD&ĐT Hà Nội đã công khai danh sách 2.503 cơ sở giáo dục mầm non độc lập trên địa bàn thành phố được các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định. Sở đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục công khai thông tin danh sách cơ sở giáo dục mầm non độc lập tại website của UBND các quận, huyện, thị xã và UBND xã, phường... giúp cha mẹ trẻ, nhân dân trên địa bàn biết, lựa chọn cơ sở để gửi trẻ khi có nhu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ