Thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân: Lắng nghe và thay đổi

GD&TĐ - Gần 20% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế phần lớn là người làm việc tự do, di cư đến thành phố lớn nên việc vận động cũng như mua bảo hiểm còn nhiều vướng mắc. 

Thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân: Lắng nghe và thay đổi

Hơn nữa, với người có bảo hiểm ở nơi khác cũng trong tình trạng băn khoăn không biết khám chữa bệnh ở đâu mỗi khi ốm đau để được hưởng tối đa quyền lợi.

Còn vướng mắc

Là địa phương đông dân, trong đó có nhiều người di cư đến làm việc thời vụ hoặc là công nhân trong các khu công nghiệp, chế xuất hay HSSV từ mọi nơi đổ về học tại các trường CĐ, ĐH trên địa bàn, TPHCM hiện có khoảng 81% người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội thành phố, trong số hơn 6,7 triệu người tham gia thì trên 5 triệu người đã được Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn hoặc 1 phần. Một số khác được chủ sử dụng đóng cho người lao động.

So với tỷ lệ bao phủ bảo hiểm chung của cả nước (trên 82%), tỷ lệ này ở TPHCM thấp hơn do thành phố có trên 3 triệu người đang là lao động tự do, không có mối quan hệ lao động nào để được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm.

Mặt khác, trong năm 2017, Bảo hiểm xã hội TP đã phát hành hơn 1.600 bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, chứng tỏ hiện nay còn khoảng 50% người dân phải tự đóng bảo hiểm. Đây là một thách thức để đạt mục tiêu 90% người dân tham gia bảo hiểm.

Tương tự, Hà Nội hiện có hơn 1,5 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội và gần 6 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế (đạt 82,5% tỷ lệ bao phủ) đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Tuy nhiên, đây cũng là địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội lớn nhất cả nước. Tính đến hết tháng 6/2017, tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp trên toàn thành phố là 2.938 tỷ đồng của 682.405 lao động, chiếm trên 8,8% tổng số thu năm 2017.

Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, thậm chí là y tế khiến không ít người lao động lao đao khi không may ốm đau, mất việc hoặc đến tuổi về hưu nhưng chưa đủ năm/nợ bảo hiểm các loại.

Tăng cường trao đổi để thay đổi

Theo Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM Lưu Thị Thanh Huyền, quy định hiện nay chỉ cần địa phương xác nhận ở phòng trọ có bao nhiêu người là bảo hiểm xã hội sẽ hỗ trợ người dân mua bảo hiểm tự nguyện chứ không nhất thiết phải có hộ khẩu. Hơn nữa, khi đã có bảo hiểm y tế thì dù ở đâu, người dân chỉ cần mang thẻ, giấy tờ tùy thân có ảnh đều được thanh toán khi khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến quận, huyện.

Lý thuyết thì vậy nhưng thực tế cơ sở khám chữa bệnh ban đầu ở nhiều nơi còn nghèo nàn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thiếu nhân viên y tế nên chưa thu hút được người bệnh. Ngoài ra, nhiều nơi vẫn còn cảnh thuốc bảo hiểm cấp ở nơi khám chữa bệnh ban đầu sơ sài nên người bệnh thường phải mua thêm thuốc bên ngoài theo đơn của bác sĩ.

Để người dân tự nguyện tham gia bảo hiểm thì cần tạo điều kiện tốt nhất cho họ. Theo chỉ đạo của HĐND TPHCM, ngành y tế và bảo hiểm xã hội cần phối hợp tích cực khắc phục những vướng mắc trong thực hiện bảo hiểm y tế thông qua việc đầu tư đúng tầm, mở rộng chuyên khoa về y tế xã phường, đảm bảo thuốc chữa bệnh…

Tại Hà Nội, ngoài nỗ lực để lấy niềm tin của người dân thông qua nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, Bảo hiểm xã hội thành phố cũng tính đến phương án giảm thủ tục hành chính, tăng giao dịch điện tử.

Theo đó, bảo hiểm xã hội đề xuất thí điểm kết nối cổng giao dịch thanh toán thu chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với hệ thống ngân hàng, kho bạc Nhà nước. Việc kê khai thông tin tham gia bảo hiểm, hiện người dân không nhất thiết phải đến điểm mua mà có thể khai thông tin trực tuyến.

Phần mềm này cho phép người dân tham gia bảo hiểm y tế dù bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào cũng có thể sử dụng điện thoại smartphone, máy tính bảng, laptop… có kết nối mạng Internet để tự truy cập, kê khai trực tuyến thông tin tham gia bảo hiểm y tế theo mẫu. Thống kê sơ bộ cho thấy, người dân, đặc biệt là HSSV hứng thú với hình thức trên. Sau 5 ngày triển khai đã có hơn 40.000 tờ khai với đối tượng HSSV được lập qua hệ thống này.

Tại những thành phố lớn, khu công nghiệp, một vướng mắc khác được nhiều người phản ánh là do không có hộ khẩu nên họ khó khăn trong việc mua bảo hiểm y tế tự nguyện tại nơi làm việc hay tạm trú trong khi ở địa phương có hộ khẩu nhưng mua bảo hiểm ở đây chả mấy khi dùng bởi lúc ốm đau không thể di chuyển về quê để chữa bệnh. Cũng có người “liều mình” xuất trình thẻ bảo hiểm khi chữa bệnh nhưng bị từ chối do đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu ở nơi khác…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ