Giải tỏa băn khoăn trước Kỳ thi THPT quốc gia 2016

GD&TĐ - Năm 2016 là năm thứ 2 Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức với hình thức “2 trong 1”, vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển CĐ, ĐH. Bộ GD&ĐT đã ban hành quy chế thi mới, có một số điều chỉnh so với năm 2015, đang thu hút sự quan tâm của đông đảo thầy cô giáo, HS và phụ huynh, trong đó đặc biệt là những em HS đang chuẩn bị bước vào kỳ “vượt vũ môn” này.

Giải tỏa băn khoăn trước Kỳ thi THPT quốc gia 2016

“Quy chế thi điều chỉnh theo hướng có lợi cho thí sinh”

“Quy chế mới mà Bộ GD&ĐT đưa ra cho Kỳ thi THPT quốc gia 2016 kế thừa những mặt tốt, đồng thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót của kỳ thi năm trước. Những điều chỉnh mà Bộ đưa ra nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và phụ huynh”, -PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD, Bộ GD&ĐT khẳng định trong dịp tham dự buổi tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho hơn 5.000 HS lớp 12 tại Nghệ An mới đây.

Thời điểm này, việc chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia 2016 đang “nóng” dần lên. Các em HS cơ bản đã nắm được quy chế thi mới, đồng thời bắt đầu định hướng cho mình những lựa chọn nghề nghiệp sau 12 năm học. Tuy nhiên, tâm trạng lo lắng, hồi hộp là điều không tránh khỏi trước kỳ thi hết sức quan trọng này.

Em Nguyễn Anh Tài (Trường THPT Hà Huy Tập, TP Vinh) cho biết: “Kỳ thi năm nay, sau khi có kết quả thi, mỗi thí sinh được xét tuyển nguyện vọng vào 2 trường, mỗi trường có 2 nguyện vọng.

Bên cạnh đó, thí sinh còn có thể có nguyện vọng bổ sung vào các đợt xét tuyển sau nếu trượt trong đợt 1. Như vậy, năm nay bọn em bị “hạn chế” hơn trong việc nộp các nguyện vọng trong mỗi đợt xét tuyển. Điều này khiến em phải cân nhắc kỹ càng hơn đối với lựa chọn của mình và tìm hiểu kỹ về các ngành đăng ký”.

Cấu trúc đề thi, sự phân hóa kiến thức trong các câu hỏi và tính an toàn, nghiêm túc của kỳ thi cũng là điều mà các HS đặc biệt chú ý. Em Nguyễn Quỳnh Trang (THPT Phan Đăng Lưu, Yên Thành, Nghệ An) chia sẻ:

Em đang học theo khối B. Hiện nay, em đã làm thử đề thi các môn của năm ngoái. Mặc dù nhiều câu hỏi nằm ở phần chương trình chưa học trên lớp, nhưng em cũng nhận thấy đề thi không quá khó.

Tuy nhiên, có một vài môn đề dài so với thời gian làm bài. Đi thi, thì ai cũng muốn đề thi dễ, để đạt điểm cao. Nhưng em cũng mong muốn đề thi có tính phân hóa rõ ràng, để sau đó bọn em có cơ sở đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nam Nhật Minh - Cục KT&KĐCLGD, cũng nói rằng: Cấu trúc đề thi năm nay sẽ sẽ tăng dần các câu hỏi về năng lực, giảm dần các câu hỏi ghi nhớ máy móc, sự kiện.

Phần câu hỏi khó để phân hóa thí sinh cũng sẽ tăng lên, dự kiến sẽ là 40%. 60% còn lại là câu hỏi trung bình để xét công nhận tốt nghiệp.

Mặt khác, Kỳ thi THPT quốc gia 2016 theo điều chỉnh của Bộ GD&ĐT, thay vì chỉ có 38 cụm thi như năm trước thì năm nay, mỗi tỉnh, thành sẽ có một cụm thi.

Bên cạnh đó, những địa phương có số lượng lớn HS đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp sẽ có một cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì. Nhiều học sinh bày tỏ lo lắng: Giữa các cụm thi công tác coi thi, chấm thi có khác nhau không. Có đảm bảo an toàn, khách quan đồng đều trên cả nước? Nếu có trường hợp ở nơi này coi thi “chặt”, nơi khác coi thi “dễ” thì thế nào?

Trước những băn khoăn đó, PGS.TS Mai Văn Trinh khẳng định: Để đảm bảo công bằng cho các thí sinh và an ninh tại các cụm thi, năm nay Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường giảng viên ở các trường ĐH, CĐ về coi thi ở các cụm thi địa phương và cố gắng “cắm” một phòng thi có một cán bộ từ các trường ĐH.

Thay đổi nhận thức nghề nghiệp

Khi tham khảo ý kiến của mọi người để lựa chọn nghề nghiệp tương lai, rất nhiều HS đã đặt ra câu hỏi hết sức “thực tế” và mang tính thời sự, xã hội: Học trường gì để dễ xin được việc làm? Để có thu nhập cao?

Nghệ An là tỉnh có tỷ lệ HS đỗ ĐH, CĐ tốp đầu của cả nước, nhưng địa phương này hiện cũng đang có hơn 22.000 người lao động thất nghiệp và hàng vạn lao động thiếu việc làm.

Trong đó, có hơn 12.000 lao động tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ từ năm 2010 - 2015 chưa tìm được việc. Bên cạnh đó còn rất nhiều cử nhân làm trái ngành, trái nghề. Thực trạng này đã tác động lớn đến nhận thức nghề nghiệp cho cả phụ huynh và HS.

Tại Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, lần đầu tiên, tại Nghệ An có gần 40% HS đăng ký tại cụm thi địa phương. Điều đó, có nghĩa là ít nhất 40% HS sẽ không thi lên ĐH mà quyết định chỉ thi lấy kết quả tốt nghiệp.

Đây là tác dụng phân luồng HS sau THPT của kỳ thi “2 trong 1”, giúp HS có định hướng rõ ràng hơn, theo năng lực và hoàn cảnh của bản thân, để quyết định thi ĐH, CĐ hay học nghề.

Chia sẻ với các em HS khi chuẩn bị bước vào Kỳ thi THPT 2016, TS Phạm Mạnh Hà (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) nói: Hiện nay, nhiều em lựa chọn nghề nghiệp vẫn dựa theo cảm tính hơn là sự hiểu biết.

Các em dễ dàng bị thu hút bởi tên của ngành, lựa chọn trường theo số đông, mà không hiểu rõ về ngành nghề đó cũng như không lượng sức mình dẫn đến việc chọn sai nghề hoặc cơ hội vào ĐH thấp.

Bên cạnh đó, nhiều em quan niệm chưa đúng về ngành nghề. Thực tế, dù là học trung cấp, học CĐ hay học ĐH cũng có nghĩa là đang học nghề. Vì thế, phải chuẩn bị tâm thế để chọn nghề.

Quan trọng hơn cả phải chọn cho mình lộ trình, đặt cho mình mục tiêu. Hôm nay mình có thể là công nhân kỹ thuật nhưng ngày mai nếu chăm chỉ, học lên mình đã là kỹ sư và có thể học cao hơn nữa.

Hiện nay, theo hướng dẫn của Bộ, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã chủ động tổ chức ôn thi cho HS khối 12, phổ biến quy chế thi, lắng nghe, giải đáp những thắc mắc cho các em.                                                                                                                                       Đồng thời, Sở cũng tổ chức đoàn công tác về các huyện, thực hiện tư vấn, phân luồng, hướng nghiệp cho HS sau THPT và THCS. Để lập nghiệp, có rất nhiều con đường, nhưng trên những con đường ấy, các em đều phải luôn học tập, học hỏi mới có thể thành công trong tương lai.                                                                                              
Ông Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ