Triển khai Chương trình mới: Chuẩn bị hành trang cho học sinh chuyển cấp

GD&TĐ - Để học sinh (HS) lớp 5 lên lớp 6 có hành trang vững chắc, bước chuyển tiếp nhịp nhàng giữa hai bậc học, đặc biệt để triển khai chương trình GDPT 2018 hiệu quả… mỗi nhà trường đang nỗ lực chuẩn bị theo cách riêng.

HS bước vào lớp 6 theo CT GDPT mới cần được chuẩn bị sẵn sàng về tâm thế để sớm thích ứng và học tập hiệu quả. Ảnh minh họa trước khi có dịch. Ảnh: NTCC
HS bước vào lớp 6 theo CT GDPT mới cần được chuẩn bị sẵn sàng về tâm thế để sớm thích ứng và học tập hiệu quả. Ảnh minh họa trước khi có dịch. Ảnh: NTCC

Đòi hỏi bắt buộc

Có thể thấy, HS từ lớp 5 lên lớp 6 và học theo CT GDPT 2018 có sự thay đổi đáng kể. HS được tiếp xúc với nhiều môn học khác nhau, nội dung trừu tượng, phong phú sâu sắc hơn… do đó đòi hỏi sự thay đổi về phương pháp học.

Ông Nguyễn Duy Hải, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Lâm Đồng) cho rằng: So với lớp 5, lớp 6 xuất hiện sự “mới lạ” của môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) sẽ làm HS bỡ ngỡ.

Sự thay đổi về phương pháp học ở lớp 5 với lớp 6 cũng đáng kể. Lớp 5 mỗi GV chủ nhiệm có thể dạy nhiều môn học, lớp học 2 buổi/ngày, mỗi tiết 35 phút, một buổi GV có thể dạy từ 2 - 3 tiết; tốc độ đọc, viết hoàn toàn khác, HS viết giấy kẻ 5 ô li và tốc độ viết chậm hơn...

Nhưng khi lên lớp 6 mỗi thầy cô dạy 1 môn, 1 tiết học 45 phút, môn học nhiều hơn, kiến thức nâng cao; các môn học đòi hỏi tính suy luận và logic... Nếu HS vẫn giữ thói quen học, viết (nắn nót) như ở tiểu học chắc chắn việc hiểu, ghi chép bài trên lớp sẽ kém hiệu quả.

Hơn thế, ở lớp 6, mỗi môn học có 1 GV giảng dạy, vì vậy HS được học với nhiều thầy cô. Mỗi thầy, cô có cách trình bày, phương pháp dạy học khác nhau nên tác động vào sự phát triển trí tuệ, kiến thức, cách lập luận… của từng HS khác nhau.

Như vậy, việc chuẩn bị cho HS lớp 5 lên lớp 6 ở các trường tiểu học và THCS giúp HS bước vào học tập theo CT, SGK mới với tâm thế vững vàng ngay từ lớp 5 không thể thiếu thông qua hoạt động chuyên môn của cả trường tiểu học và THCS.

Theo cô Đinh Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng, Hà Nội), do có sự khác nhau từ phương pháp học tập, yêu cầu chung của CT, SGK lớp 5 và lớp 6 (lớp 5 triển khai theo CT GDPT hiện hành; lớp 6 theo CT GDPT 2018) nên sự hỗ trợ HS tiệm cận dần, vững vàng với cấp học mới cần thiết, ý nghĩa. Công việc này sẽ hiệu quả khi GV lớp 5 được chuẩn bị kĩ càng từ chuyên môn tới phương pháp giảng dạy, mặt khác có trao đổi chia sẻ cùng GV lớp 6 để sát và phù hợp với yêu cầu chung.

GV Trường Tiểu học Nguyễn Du dự giờ GV Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Lào Cai, Lào Cai) nhằm kết nối, học hỏi chuyên môn. Ảnh: NTCC
GV Trường Tiểu học Nguyễn Du dự giờ GV Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Lào Cai, Lào Cai) nhằm kết nối, học hỏi chuyên môn. Ảnh: NTCC 

Chuẩn bị theo nhiều cách

Giữa tháng 11, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Nguyễn Du và Trường THCS Lê Quý Đôn (2 trường cùng cụm) phối hợp tổ chức chuyên đề “Dạy học liên thông lớp 5 lên lớp 6” nhằm kết nối, giao lưu học hỏi chuyên môn cho đội ngũ GV các khối lớp 4, 5, 6 của 2 trường.

Cô Nguyễn Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du (TP Lào Cai – Lào Cai) cho biết: GV 2 trường cùng dự giờ 3 tiết học Tiếng Anh, Ngữ văn, Toán của Trường THCS Lê Quý Đôn. Các tiết được thực hiện với phương pháp dạy học linh hoạt, sáng tạo, kích thích HS hứng thú tích cực, tự tin học tập. Sau chuyên đề, GV 2 trường cùng chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận đề xuất cách thức tổ chức dạy học liên thông hiệu quả.

“Hoạt động chuyên đề “Dạy học liên thông lớp 5 lên lớp 6” không chỉ gắn kết chuyên môn giữa GV 2 trường trong cụm mà còn cùng nhau xác định việc “đi tắt đón đầu” trong việc triển khai CT GDPT 2018. GV Trường Tiểu học Nguyễn Du chủ động, tự tin chuẩn bị tốt hơn các điều kiện, tạo tiền đề, tâm thế và hành trang tốt nhất cho HS lớp 5. HS có kiến thức, kĩ năng vững chắc tiếp cận lớp 6 CT GDPT 2018 tốt hơn...” – cô Liên chia sẻ.

Cô Đỗ Thị Lan Hương, Trường Tiểu học Nguyễn Du khẳng định: Chuyên đề dạy - học liên thông lớp 5 lên lớp 6 rất thiết thực, bổ ích. Điều đó đồng nghĩa với việc mở ra hướng đi mới, cơ hội mới cho GV 2 trường ở hai bậc học trong cụm tự tin gắn kết, giao lưu, hỗ trợ giúp đỡ nhau về chuyên môn, tạo động lực mạnh mẽ, khơi nguồn sáng tạo và truyền cảm hứng góp phần nâng cao hiệu quả bồi dưỡng đội ngũ; duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Việc kết hợp chuẩn bị cho HS lớp 5 lên lớp 6 vững vàng được các địa phương, nhà trường tổ chức theo cách thức khác nhau.

Tại Trường THCS Hợp Tiến (Nam Sách, Hải Dương), tháng 5 hàng năm trường tổ chức đánh giá nghiệm thu kết quả HS khối 5 của trường cùng cụm trước khi đón vào lớp 6. Theo cô Trần Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng nhà trường, trong quá trình đánh giá, GV lớp 5, lớp 6 và ban giám hiệu của 2 trường đều trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm trong việc dạy học đối với HS cuối cấp tiểu học chuẩn bị vào đầu cấp THCS ra sao để tăng thêm hiệu quả, giúp HS không bị động khi chuyển giao cấp học, cách học.

Từ sự chuẩn bị này, hoạt động chuyên môn của GV khối 5 bám sát hơn với khối THCS, có sự đổi mới liên thông về phương pháp giảng dạy, tạo tiền đề tâm thế, phương pháp học tập… cho HS bước vào lớp 6. Khi HS bước vào lớp 6 năm học 2021 - 2022 lần đầu học theo CT GDPT 2018 đã chủ động thích ứng trong học tập, nhanh chóng bắt kịp yêu cầu chung của chương trình.

Cô Nguyễn Thị Nguyên, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Bản Phố, Lào Cai chia sẻ: Nếu HS lớp 5 đánh giá theo Thông tư 22, quá trình học tập, GV chủ yếu đánh giá, nhận xét, không chấm bài. Một năm học chỉ có kiểm tra định kỳ 4 giai đoạn gồm giữa kỳ I, học kỳ I, giữa kỳ II và cuối năm học, vào lớp 6 số bài kiểm tra với thời gian làm bài khác nhau sẽ nhiều hơn.

Do đó, quá trình sinh hoạt chuyên môn giữa GV 2 cấp học trao đổi sâu với đội ngũ GV lớp 5 về vấn đề trên để GV giúp HS lớp 5 tiệm cận dần, hình thành tâm thế bước vào học THCS làm quen với việc tự giác học tập; Tạo ra hứng khởi việc học cho HS thay vì kèm cặp thường xuyên, hoặc học theo yêu cầu của GV, cha mẹ...

Để chuẩn bị cho HS lớp 5 lên lớp 6 sớm thích nghi, nhà trường thường chủ động trao tặng HS khối 5 vở chuyên dùng HS khối THCS (ô ly kẻ ngang). Như vậy, các em sẽ có điều kiện làm quen với cách viết trên vở kiểu mới, GV lớp 5 dễ dàng trong việc hướng dẫn HS viết bài vào vở. Bước vào lớp 6, HS có thể viết bài trên vở kẻ ngang thành thạo, không bỡ ngỡ… - Cô Nguyễn Thị Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ