Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã có uy tín rất cao, đạt tầm quốc tế

GD&TĐ - Sau 5 năm triển khai, giải thưởng Tạ Quang Bửu đã trở thành một giải thưởng có uy tín, được thừa nhận ở khu vực và quốc tế. Điều đặc biệt, rất nhiều giảng viên đại học đã được nhận giải thưởng cao quý này.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã có uy tín rất cao, đạt tầm quốc tế

Mang tên cố giáo sư Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ GD&ĐT), Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng thường niên của Bộ KH&CN nhằm tôn vinh những nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật.

Qua 5 lần xét tặng, 14 nhà khoa học đã giành giải thưởng. Trong đó, GS Phan Thanh Sơn Nam và PGS Nguyễn Sum được tạp chí Asian Scientist đánh giá nằm trong top 100 nhà khoa học có ảnh hưởng của châu Á năm 2017 dựa trên công trình nghiên cứu được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017.

Theo Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh, Giải thưởng đã góp phần động viên, khích lệ các nhà khoa học, các tổ chức KH&CN hướng tới những nghiên cứu chất lượng cao tại Việt Nam; cổ vũ cho việc xây dựng môi trường học thuật, sáng tạo và thúc đẩy phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh đủ tầm thực hiện những công trình nghiên cứu ở trình độ quốc tế.

Năm 2018, các công trình được đề cử có chất lượng tốt, đồng đều, được đăng tải trên tạp chí hàng đầu chuyên ngành theo xếp hạng của SCImago (Tây Ban Nha). Bên cạnh giá trị khoa học, nhiều công trình có tiềm năng ứng dụng cao.

Đây là minh chứng xác thực khẳng định Giải thưởng Tạ Quang Bửu uy tín, được thừa nhận, tham khảo ở khu vực và quốc tế. Lĩnh vực được xét chọn, trao giải thưởng cũng ngày càng được mở rộng.

Xúc động khi công trình được vinh danh tại lễ trao giải năm nay, TS Trần Đình Phong chia sẻ đề tài nằm trong chuỗi nghiên cứu mà ông và đồng nghiệp tiến hành với mục đích chế tạo chiếc lá nhân tạo có thể chỉ với năng lượng mặt trời và nước biển, tạo ra nhiên liệu sạch H2.

Hiện nhiều trung tâm lớn trên thế giới đã thực hiện các nghiên cứu trong lĩnh vực này và có nhiều tiến bộ, nhưng con đường đi tới công nghệ dùng nhiên liệu H2 thay thế xăng dầu còn rất xa.

Có thể trong tương lai khi chiếc lá nhân tạo đáp ứng đầy đủ yêu cầu sản xuất công nghiệp được chế tạo thành công thì một công nghệ khác ưu việt hơn được phát triển và ứng dụng.

"Tôi muốn nói rằng, những người làm nghiên cứu, dù có cho mình một định hướng ứng dụng thật lớn, thật hoàn hảo thì cũng hiểu rằng con đường đi tới nó nhiều khi không hẹn trước. Chúng tôi cũng chuẩn bị tinh thần của người không thành công", ông Phong chia sẻ.

Còn PGS Phạm Văn Hùng, người có công trình giành giải năm nay mong muốn tận dụng thế mạnh của Việt Nam với nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu hàng đầu thế giới, có nhiều cây thuốc quý để tham gia bảo vệ sức khỏe người dân.

Hiện tỷ lệ bệnh tiểu đường, béo phì, tim mạch, ung thư ngày càng cao, nhà khoa học phải nâng cao năng lực nghiên cứu để cho ra những sản phẩm có giá trị phục vụ sức khỏe cộng đồng, đáp ứng yêu cầu không chỉ được "ăn ngon, mặc đẹp" mà còn "ăn để khỏe, ăn để chữa bệnh" của người dân.

Điểm chung của các nhà khoa học được nhận giải thưởng năm nay là họ đều là những giảng viên đang giảng dạy tại các trường đại học. Trong những giờ lên lớp, các thầy giáo và cũng là những nhà khoa học luôn coi trọng việc truyền cảm hứng và động lực làm việc cho sinh viên

Theo GS. Nguyễn Đức Chiến - Phó Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018, số lượng hồ sơ đề xuất năm nay khá lớn một mặt chứng tỏ kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam ngày càng có chất lượng hơn, công bố ở các tạp chí quốc tế được xếp hạng cao hơn trong từng lĩnh vực.

Mặt khác, điều đó cũng cho thấy các nhà khoa học, đặc biệt các nhà khoa học trẻ, rất quan tâm đến giải thưởng Tạ Quang Bửu. Các công bố của các nhà khoa học Việt Nam trên các tạp chí hàng đầu quốc tế góp phần nâng cao vị thế của khoa học Việt Nam trên thế giới, đóng góp vào kho tàng kiến thức chung của nhân loại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ