Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, lãnh đạo các bộ ban ngành, đại diện các nhà khoa học, các tổ chức khoa học công nghệ và gia đình cố giáo sư Tạ Quang Bửu. Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đại diện Bộ GD&ĐT tham dự buổi lễ.
Trong thời gian qua, Bộ KHCN đã tích cực cùng với các bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và địa phương triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm để tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Cùng với đó, việc tổ chức trao tặng các giải thưởng về KHCN đã góp phần động viên các nhà khoa học tiếp tục hăng say nghiên cứu và cống hiến cho đất nước.
Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng khoa học có uy tín được tổ chức hằng năm nhằm khích lệ, tôn vinh các nhà khoa học có những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Giải thưởng góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản nói riêng, KHCN Việt Nam nói chung.
Trong năm 2018, Ban Tổ chức đã tiếp nhận 54 hồ sơ đăng ký tham gia Giải thưởng. Các Hội đồng khoa học chuyên ngành đã đánh giá và đề cử 9 hồ sơ để tiếp tục đưa ra xét chọn tại Hội đồng Giải thưởng. Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018 nhận định các công trình năm nay đều có chất lượng tốt, được xuất bản trên các tạp chí có uy tín và một vài trong số đó có tiềm năng ứng dụng cao trong thực tiễn.
Giới thiệu về các công trình nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018
Từ 9 hồ sơ, Hội đồng giải thưởng đã quyết định trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018 cho 3 nhà khoa học, gồm 2 giải thưởng chính và 1 giải thưởng cho nhà khoa học trẻ. 2 giải thưởng chính thuộc về TSKH Trần Đình Phong (Trường ĐH KH&CN Hà Nội, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và PGS.TS. Phạm Văn Hùng (Trường Đại học Quốc tế, ĐHQG TPHCM). Giải thưởng cho nhà khoa học trẻ thuộc về TS. Đỗ Quốc Tuấn (Trường ĐH KHTN, ĐHQG Hà Nội).
TSKH Trần Đình Phong là tác giả công trình khoa học trong lĩnh vực Vật lý “Cấu trúc polymer và cơ chế hoạt động xúc tác tạo H2 của molybdenum sulfide vô định hình”. Công trình được công bố trong Nature Materials, tạp chí khoa học hàng đầu thế giới về khoa học vật liệu.
PGS.TS Phạm Văn Hùng là tác giả công trình khoa học trong lĩnh vực sinh học nông nghiệp “Khả năng tiêu hóa in vitro và sinh đường in vivo của các loại tinh bột gạo có hàm lượng amylose khác nhau và tinh bột gạo biến đổi bằng phương pháp vật lý”. Công trình được công bố trong Food Chemistry, Tạp chí khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp và sinh học.
TS Đỗ Quốc Tuấn là tác giả của công trình “Lý thuyết hấp dẫn phi tuyến nhiều chiều có khối lượng”. Công trình được công bố trong Physical Review D, tạp chí khoa học uy tín hàng đầu trong lĩnh vực Vật lý.
GS Nguyễn Đức Chiến- Phó Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018- cho biết: Số lượng hồ sơ đề xuất năm nay khá lớn một mặt chứng tỏ kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam ngày càng có chất lượng hơn, công bố ở các tạp chí quốc tế được xếp hạng cao hơn trong từng lĩnh vực.
Mặt khác, điều đó cũng cho thấy các nhà khoa học, đặc biệt các nhà khoa học trẻ, rất quan tâm đến giải thưởng Tạ Quang Bửu. Các công bố của các nhà khoa học Việt Nam trên các tạp chí hàng đầu quốc tế góp phần nâng cao vị thế của khoa học Việt Nam trên thế giới, đóng góp vào kho tàng kiến thức chung của nhân loại.